Tiếp tục chờ giải pháp cụ thể về xử lý nợ công từ Bộ Tài chính
- Nhóm PV
- •
Với 48 đại biểu đăng ký chất vấn về các vấn đề nợ công, thủ tục hải quan phức tạp, rườm rà, các vấn đề liên quan đến thất thu thuế, kiểm soát buôn lậu, hàng giả,… phần trả lời chất vấn sáng nay (16/11) của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng được cho rằng vẫn còn chung chung, Bộ trưởng chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể như mong đợi của các đại biểu.
Cho rằng Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời khái quát cao khi đưa ra giải pháp sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát luật để có thể quản lí tốt và nâng cao chất lượng nợ công, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) trích dẫn báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình nợ công với các điểm:
- Hạn chế tồn tại 1: Phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc tiêu chí, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định.
- Hạn chế thứ 2: Tình trạng ỷ lại vào ngân sách trung ương, thường dành vốn cho các mục tiêu khác sau đó trong quá trình triển khai thực hiện lại đề nghị trung ương hỗ trợ vốn đối ứng.
- Hạn chế thứ 3: Năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án bị vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí gây thất thoát và lãng phí vốn đầu tư do năng lực quản lí của chủ đầu tư và tư vấn yếu. Tình trạng chuẩn bị sơ sài mang tính hình thức vẫn tồn tại ở một số nơi dẫn tới khi dự án được bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng ở đây không phải là hệ thống thiếu quy định của pháp luật, mà là việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm.
Đại biểu cho hay đây không phải là tình hình của trước năm 2011 (trước khi có Chỉ thị 1792), mà đây là báo cáo đánh giá những tồn tại hạn chế của năm 2017 và nó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu tình trạng này không được khắc phục ngay thì đến năm 2021 hậu quả sẽ còn khóc liệt hơn, bởi vì tất cả các dự án kể cả của Quốc hội và của các địa phương khởi công vẫn không bố trí vốn thì sẽ không hoàn thành được.
“Như vậy chúng ta sẽ có hai lựa chọn, một là đình lại để đảm bảo an toàn nợ công, hai là tiếp tục cho vay và như vậy thì rất khó khăn vì nguồn vốn và nợ công sẽ không được kiểm soát thì nguy cơ cũng sẽ rất nặng nề đối với kinh tế của đất nước, đây là hai vấn đề mong các Bộ trưởng sẽ xác định rõ trách nhiệm và xử lý sắp tới cho được tốt”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.
PTT Vương Đình Huệ: Chính phủ nói ‘không’ với nới trần nợ công
Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay cùng với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày về trách nhiệm của Chính phủ trong Quản lý thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công.
Phó Thủ tướng cho biết đến năm 2015, nợ công của quốc gia đã đến sát trần là 65%, dư nợ chính phủ trên 55% (tức là đã vượt trần cho phép); tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,3%, cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%.
“Trong bối cảnh đó, Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 đã có đánh giá nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn, và xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, Chính phủ vừa phải đảm bảo phát triển nhanh, bền vững vừa phải tập trung giải quyết các yếu kém, bất cập nội tại của nền kinh tế đã tích tụ rất nhiều năm và ngày càng bộc lộ rõ ra…
Trong bối cảnh đó, vấn đề lựa chọn chính sách như thế nào rất quan trọng. Nhiều thành viên của chính phủ và kể cả một số đại biểu Quốc hội, nhiều chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình Trung ương và Quốc hội xin nới trần nợ công để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao khi đất nước đang nghèo và nhu cầu cho phát triển còn rất lớn…
Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ (kể cả trả nợ trực tiếp từ ngân sách và vay để đảo nợ) đã quá 25% so với tổng thu ngân sách hàng năm. Vì vậy, Chính phủ nói không với việc xin tăng trần nợ công. Thay vào đó, Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu Bộ tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo an toàn bền vững nợ công để trình với Bộ chính trị”.
Phó Thủ tướng cho biết với mục tiêu đảm bảo cân đối ngân sách một cách tích cực nhất, giữ vững an ninh tài chính quốc gia, các chỉ tiêu cụ thể được đưa ra gồm:
- Tỷ lệ huy động vốn ngân sách: 20-21% GDP; tổng thu của giai đoạn này gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước; Cơ cấu lại các khoản thu về ngân sách trong đó giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu; tăng thu nội địa;
- Chi ngân sách giữ trong mức 24-25% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 24-25%, chi thường xuyên dưới 64%;
- Giảm dần bội chi ngân sách đến năm 2020 xuống còn khoảng 3,5%;
- Về quy mô nợ công, đến năm 2020 không quá 65% GDP , nợ chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài không quá 50%.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến các giải pháp quản lý nợ công mà Chính phủ đã, đang và sẽ áp dụng từ nay đến năm 2020 như: “kiên định phát triển nền kinh tế theo định hướng XHCN, tạo môi trường cho động lực phát triển kinh tế – xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước, phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, và coi đây là một giải pháp của mọi giải pháp…”
Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta cần phát triển nhanh hơn nữa để theo kịp các nước trong khu vực và thế giới nhưng đồng thời phải phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh “bền vững nợ công” là một nội dung quan trọng trong bền vững kinh tế.
Về đảm bảo nguồn thu, Phó thủ tướng khẳng định chủ trương của Chính phủ là “hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thoát và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất… Đặc biệt chúng ta cần giảm thuế để bồi dưỡng nguồn thu.”
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiên Dũng tiếp tục có 50 phút trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Từ 15h, các đại biểu sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề có liên quan.
Nhóm PV
Xem thêm:
Từ khóa Quốc hội khóa 14 các phiên chất vấn tại kỳ họp 3 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xử lý nợ công