Các nhà phân tích dự báo khó khăn sẽ ngày càng gia tăng đối với Lào, khi quốc gia này trở nên phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc.
Trong tham vọng biến quốc gia thành “cục pin của Đông Nam Á”, Lào đang tiếp nhận ngày càng nhiều hơn các khoản vay dễ dãi từ Trung Quốc để xây dựng đập thủy điện, đặt quốc gia này lún sâu hơn vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Dự án đập mới nhất của quốc gia nội lục là nền móng cho kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện Pak Lay trị giá 2,1 tỷ USD trên sông Mekong. Nguồn vốn cho dự án đập được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) tài trợ với khoản vay 1,7 tỷ USD, và do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc Power China Resources làm chủ thầu.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc khác như Công ty thủy điện Sinohydro và China International Water and Electric Corporation, công ty con của Tập đoàn Three Gorges Trung Quốc, cũng là một phần của chiếc bóng lớn Trung Quốc đang bao phủ lĩnh vực năng lượng tại Lào.
Trong đó, Sinohydro chịu trách nhiệm cho các dự án đập trị giá hơn 2 tỷ USD, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tài trợ vốn.
Những nhà hoạt động môi trường địa phương và quốc tế cho biết các công ty thủy điện của Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng một nửa số dự án thủy điện lớn ở quốc gia cộng sản nhỏ bé này.
Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Lào đã nhận tổng cộng 11 tỷ USD hỗ trợ tài chính phát triển từ Trung Quốc, thường được biết đến dưới tên gọi “các luồng tài chính khác” (OOF), đứng thứ 2 châu Á sau Pakistan – quốc gia nhận tài trợ nhiều nhất từ Trung Quốc theo hình thức OOF với khoảng 16,3 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam được dự báo các khoản vay nợ từ Trung Quốc trong năm 2018 cũng sẽ vượt quá 6 tỷ USD.
Đối với một số quốc gia phát triển hơn, họ từ lâu đã không coi các gói OOF của Trung Quốc là phù hợp với các tiêu chuẩn của khoản cho vay và viện trợ phát triển chính thức.
Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith (trái) bắt tay với người đồng cấp Vương Nghị trong chuyến thăm đến Trung Quốc hồi tháng 8/2018.
Cuối năm ngoái, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo “nguy cơ nợ nước ngoài” của Lào đã tăng cao đáng kể, từ mức 12,9 tỷ USD trong năm 2016 lên 13,6 tỷ USD vào cuối năm 2017. Đáng chú ý, phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Lào đến từ quốc gia láng giềng đàn anh Trung Quốc.
Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào một chủ nợ của Lào cũng được các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra. Trong năm 2012, nợ Trung Quốc của Lào chỉ ở mức 35% tổng nợ nước ngoài, nhưng đã tăng lên 44% vào năm 2015. Nợ công của nước này hiện cũng chiếm gần 70%GDP, và gần một nửa số nợ đó là vay từ Trung Quốc, báo cáo của WB cho hay.
Theo chiến dịch được biết đến dưới tên gọi “cục pin của Đông Nam Á”, Lào đặt kế hoạch sẽ xuất khẩu thủy điện cho các nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, quốc gia này sẽ có 50 đập thủy điện đi vào vận hành, vượt gấp đôi số đập hiện đang hoạt động. 2/3 tổng sản lượng điện sản xuất ra sẽ được dùng cho xuất khẩu, để đổi lấy nguồn thu ngoại tệ cần thiết cho quốc gia đang mang nặng nợ.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu năng lượng từ Thái Lan là động lực chính để Lào xây dựng đập ồ ạt. Một nghiên cứu năm 2017 của DBS Asia Insights dự báo nhu cầu tiêu thụ điện của Thái Lan sẽ tăng 2,5% hàng năm đến 2036.
Đập Pak Lay là dự án thủy điện lớn thứ hai do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong, sau đập Pak Beng trị giá 2,4 tỷ USD – đang được xây dựng bởi Công ty Datang Overseas Investment Trung Quốc.
Bên cạnh đó, quốc gia nội lục này còn có 2 dự án đập khác trên sông Mekong là Xayaburi và Don Sahong – gây đe dọa lớn đến hệ sinh thái trên sông và các quốc gia nằm dưới vùng hạ lưu.
Trước đó vào tháng 6/2018, các quan chức Lào đã trình hồ sơ dự án đập Pak Lay cho quy trình tham vấn trước cấp khu vực để nghe quan điểm về dự án đập. Ba tháng sau, Ủy hội sông Mekong tổ chức diên đàn tham vấn các bên liên quan về dự án. Dự kiến quy trình tham vấn đập Pak Lay sẽ kết thúc đầu năm 2019.
Sông Mekong là nguồn cung cấp nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chảy từ Trung Quốc xuống Việt Nam. Bốn quốc gia của lưu vực sông Mekong – Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – sử dụng Ủy hội sông Mekong, một cơ quan liên chính phủ, để xem xét các thỏa thuận cấp khu vực thông qua các cuộc tham vấn trước khi các con đập lớn được xây dựng. Đập Pak Lay có công suất 770 MW, nằm ở vùng bắc Lào và cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam khoảng 1.615 km. Dự kiến, con đập này sẽ được bắt đầu xây dựng vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2029. 85% lượng điện sản xuất ra sẽ bán cho Thái Lan, còn lại dùng cho tiêu thụ nội địa Lào. |
Theo Nikkei Asian Review,
Chân Hồ
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…