Đập thủy điện tại Lào đã bị vỡ thế nào và tại sao?
- Yên Sơn
- •
Đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Lào giáp với biên giới Campuchia và Việt Nam đã bị vỡ vào chiều muộn thứ Hai (23/7), nước lũ quét qua 7 làng khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích, hàng ngàn gia đình mất nhà cửa.
Theo BBC, vào Chủ Nhật (22/7), các công nhân đã phát hiện đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, miền đông nam Lào, đã bị rạn nứt một phần và dân làng sống gần đập thủy điện đã được yêu cầu sơ tán khẩn cấp.
Thông tấn xã Lào cho biết đập bị vỡ vào chiều muộn ngày thứ Hai (23/7), nước lũ quét qua 7 làng hạ lưu, hơn 6.600 người mất nhà cửa, hàng trăm người mất tích.
Các bức ảnh đầu tiên lan truyền trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy những người dân làng và trẻ nhỏ bị mắc kẹt trên các mái nhà ngập trong nước lũ.
Attapeu là tỉnh phía cực nam của Lào, giáp với Campuchia và Việt Nam. Tỉnh này được biết đến là nơi sản xuất nông nghiệp, giàu tài nguyên rừng và phát triển công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Thủy điện cũng là một trong những ngành công nghiệp chính của tỉnh Attapeu và lượng điện sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu.
Theo BBC, con đập bị vỡ là đập phụ, một phần của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy do các công ty Lào, Thái Lan và Hàn Quốc đầu tư.
Đập bị vỡ là là đập “Đèo Dam D”, một đập phụ trong một mạng lưới 2 đập chính và 5 đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.
Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, cổ đông của dự án cho biết các công nhân đã phát hiện vết nứt trên đập “Đèo Dam D” từ Chủ Nhật (22/7). Diễn biến sự cố vỡ đập như sau:
- 21:00 Chủ Nhật (22/7): Phát hiện đập bị hư hỏng một phần. Các nhà chức trách đã phát cảnh báo và người dân gần đập bắt đầu sơ tán. Một đội ngũ đã được điều động tới đập để khắc phục sự cố, nhưng bị cản trở do mưa lớn làm hư hại nhiều tuyến đường.
- 03:00 thứ Hai (23/7): Đập chính Xe-Namnoy phải xả nước để cố gắng giảm mức nước trên các đập phụ.
- 12:00 thứ Hai (23/7): Chính phủ Lào ra lệnh dân các làng hạ lưu phải sơ tán khẩn cấp sau khi biết rằng đập có thể bị hư hại nhiều hơn.
- 18:00 thứ Hai (23/7): Xác nhận thêm nhiều phần của đập bị hư hỏng
- 01:30 thứ Ba (24/7): Một ngôi làng gần đập phụ đã bị ngập lụt và tới 09:30 nước lũ đã quét qua 7 làng.
Tập đoàn Điện lực Ratchaburi, Thái Lan, đơn vị đầu tư dự án thủy điện này cho biết đập “đã bị vỡ” do mưa bão liên tục gây ra “mực nước cao đổ vào hồ chứa”. Đập được xây dựng để chuyển luồng chảy của ba con sông Houay Makchanh, Xe-Namnoy và Xe-Pian trên cao nguyên Bolaven.
Công ty Ratchaburi thông tin rằng đập phụ “Đèo Dam D” vừa bị vỡ có chiều rộng 8m, dài 770m và cao 16m.
Cả Tập đoạn Điện lực Ratchaburi và Công ty Engineering & Construction đều cho biết họ đang nỗ lực trợ giúp các hoạt động sơ tán và cứu hộ.
Giới chức địa phương đang cố gắng dùng thuyền để giải cứu người dân mắc kẹt trên các mái nhà ngập trong nước lũ.
Chính quyền địa phương đã kêu gọi các cơ quan chính phủ và các cộng đồng dân cư cả nước cung cấp viện trợ khẩn cấp như quần áo, thực phẩm, nước uống và thuốc men.
Truyền thông nhà nước Lào cho hay Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã tạm hoãn các cuộc họp chính phủ và đã đi tới khu vực bị ảnh hưởng tại quận Sanamxay để giám sát công việc cứu hộ.
Hãng tin AFP, dẫn lời một quan chức tỉnh Attapeu cho biết hiện tại các khu vực bị lũ lụt không có tín hiệu điện thoại, điều này càng làm trở ngại thêm công tác liên lạc phục vụ hoạt động cứu hộ.
Tham vọng phát triển Thủy Điện tại Lào:
- Chính phủ Lào đã triển khai kế hoạch xây dựng đập thủy điện đầy tham vọng để biến đất nước này thành “nguồn điện của Châu Á”
- Lào nằm trên sông MeKong và các sông nhánh của con sông lớn này – sở hữu một vị trí hoàn hảo cho việc phát triển thủy điện
- Cho tới năm 2017, toàn Lào có 46 thủy điện đang hoạt động và hơn 54 dự án đang xây dựng
- Tới năm 2020, Lào cũng đặt kế hoạch xây thêm 54 đường dây tải điện và 16 trạm biến áp
- Lào hiện tại xuất khẩu 2/3 lượng điện sản xuất được từ các nhà máy thủy điện, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Lào đập thủy điện sự cố vỡ đập thủy điện