Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo đó giao nhiều “cơ chế đặc biệt” cho các tổ chức tín dụng để xử lý rốt ráo các khoản nợ xấu đã được tích tụ, hình thành trong những năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc người đi vay cần phải cẩn trọng đối với các khoản vay, cảnh giác với “bẫy lãi suất” vì quy định của luật pháp đang nghiêng cán cân về phía ngân hàng.
Nghị quyết quy định nợ xấu từ nhóm 3 trở lên phát sinh trước ngày 15/8/2017 sẽ được áp dụng quy chế đặc biệt, theo đó, các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ đều được xếp loại là nợ xấu. Như vậy, nợ xấu có thể là những khoản nợ hàng ngàn tỷ của các tổng công ty, tập đoàn lớn, nhưng cũng có thể là các khoản tiêu dùng nhỏ trên thẻ tín dụng.
Trước hết phải kể đến là quyền thu giữ tài sản bảo đảm
Tại Điều 7 của Nghị quyết xử lý nợ xấu quy định các ngân hàng được phép thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Nói một cách đơn giản, nếu khách hàng bảo đảm khoản vay bằng nhà thì ngân hàng có thể thực hiện thu giữ nhà, nếu bằng lương thì ngân hàng có thể cưỡng chế lương, nếu là nhà xưởng, ô tô, dây chuyền máy móc, hàng hóa,… thì ngân hàng có thể đến để thu giữ nếu trong hợp đồng có quy định điều khoản đó. Vì vậy, trong những ngày tới, rất nhiều ngân hàng sẽ thực hiện rà soát, bổ sung điều khoản thu giữ tài sản vào các hợp đồng còn thiếu sót.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ngân hàng chỉ được phép ủy quyền cho công ty con của họ thu giữ tài sản bảo đảm của khách vay, chứ không được ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác. Vậy nên, việc kiểm tra danh tính và các giấy tờ của những người thu giữ là một việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện thu giữ tài sản, ngân hàng bắt buộc phải công bố thông tin công khai trên website của họ, đồng thời gửi văn bản thông báo tới UBND phường, xã nơi có tài sản hoặc nơi cư trú của khách hàng vay trước 15 ngày.
Bằng Nghị quyết xử lý nợ xấu, giới ngân hàng đã lật lại được quy định tại Điều 301 Bộ Luật Dân sự 2015 về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rằng nếu người bảo đảm tài sản không đồng ý bàn giao tài sản cho các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng chỉ có thể kiện ra Tòa, và quyết định của Tòa án sẽ là phán quyết cuối cùng. Việc đưa Tòa án là đơn vị trung gian phân xử tranh chấp ngân hàng giúp người đi vay và những người liên quan tới tài sản bảo đảm bình đẳng trước pháp luật với ngân hàng. Trên thực tế, nhiều tranh chấp ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo như mượn sổ đỏ đi thế chấp, giả, thiếu chữ ký của đồng sở hữu tài sản…
Ngân hàng có thể phát mại tài sản dưới giá ghi sổ
Quy định này tháo gỡ sự e ngại của các cán bộ xử lý nợ xấu khi phải bán các tài sản dưới giá đã xác định trước đây. Có lẽ trong thời gian tới, hoạt động phát mại của các ngân hàng sẽ rầm rộ hơn trước với nhiều tài sản bảo đảm bị đắp chiếu sau nhiều năm do định giá quá cao tại thời điểm khách hàng vay.
So với dự thảo ban đầu trình Quốc hội, Nghị quyết xử lý nợ xấu vừa thông qua bổ sung thêm tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Đây là khái niệm chưa có định nghĩa chi tiết, tuy nhiên về mặt câu chữ có thể hiểu là các tài sản như công trình xây dựng chưa hoàn thành. Quy định này trực tiếp giải quyết vấn đề cho một loạt khoản vay mua nhà chung cư thế chấp bằng ngôi nhà trong tương lai, mà trên thực tế có nhiều công trình còn chưa giải quyết xong thủ tục về đất.
Đằng sau việc thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ là khối lượng công việc đồ sộ của Chính phủ và giới ngân hàng. Chính phủ phải ban hành Nghị định, tiếp đó Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Tòa án tối cao phải ban hành các thông tư và văn bản hướng dẫn.
Trong khi đó, bài toán đặt ra cho các ngân hàng thương mại sẽ là làm sao có thể đóng gói các khoản nợ xấu nằm trong diện xử lý của Nghị quyết (phát sinh trước 15/8/2017). Rà soát lại hồ sơ vay, danh mục tài sản bảo đảm và bổ sung những giấy tờ cần thiết cho việc thực thi theo nghị quyết mới. Cũng không ngạc nhiên nếu ngân hàng gõ cửa khách hàng yêu cầu ký bổ sung các chứng từ, phụ lục hợp đồng. Đó cũng là lúc mà khách hàng vay nên cẩn trọng.
Về phía các khách hàng đi vay hoặc người có quyền và lợi ích liên quan tới tài sản bảo đảm, trong “thời gian vàng” này, có thể lựa chọn cách thức bảo vệ quyền lợi của mình thông qua hệ thống Tòa án, vì Nghị quyết quy định các tài sản bảo đảm đang có tranh chấp tại Tòa án sẽ không bị xử lý theo Điều 7 về quyền thu giữ tài sản của các TCTD.
Những chủ nợ khác của người đi vay cũng cần nhận thức rõ quyền ưu tiên xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định của Nghị quyết, tài sản bảo đảm bán được sẽ ưu tiên việc trả nợ cho các tổ chức tín dụng, chứ không giống như thứ tự được nêu trong Điều 90 của Luật thi hành án là Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần; Án phí; rồi mới tới các khoản chi khác.
Không rõ tác dụng của Nghị quyết xử lý nợ xấu có giải quyết rốt ráo được khối u nợ xấu hay không? Tuy nhiên, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, vạch một con đường riêng cho việc giải quyết nợ xấu cũng sẽ tác động không nhỏ đến tư duy, hành xử của các chủ thể tham gia nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới là điều dễ dàng nhận thấy.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…