Xử lý nợ xấu: Sao không nhắc lại giải pháp cho phá sản ngân hàng?
- Nguyên Hương
- •
Một quy định gây tranh cãi nhiều nhất trong Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trình Chính phủ tại kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV là có nên trao cho các tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu hay không? Giới làm luật cho rằng điều khoản này nếu được thông qua có thể ảnh hưởng tới quyền con người kèm theo khả năng bị lạm dụng trong quá trình thực thi.
Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nợ tiềm ẩn, có khả năng không mất vốn, phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng), nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đối với nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, cứ 10 đồng cho vay thì 1 đồng có khả năng không thu hồi được. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới các quan hệ kinh tế, phân bổ nguồn lực cũng như thu nhập của mọi thành phần kinh tế trong xã hội.
Tình hình nợ xấu nhiều năm chưa thể giải quyết
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến năm 2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Về phần Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC, tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 345.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (chiếm khoảng 14,5%). Số nợ xấu được xử lý này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số nợ xấu khoảng 500.000 tỷ đồng đang tồn tại trong hệ thống tổ chức tín dụng và VAMC.
Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cho đến hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào quy mô vốn, mà phần lớn huy động qua kênh tín dụng ngân hàng. Nếu kênh này có những biểu hiện bất ổn sẽ tác động đến khả năng huy động vốn của toàn nền kinh tế, tác động trực tiếp tới tăng trưởng cũng như ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, xử lý nợ xấu được coi là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho Chính phủ. Cắt bỏ khối u nợ xấu đương nhiên sẽ tác động tới các thành phần kinh tế liên quan, sẽ có nơi thiệt thòi nhiều, có nơi thiệt thòi ít, có nơi không ảnh hưởng. Và cách thức thế nào, phân bổ cho ai, bao nhiêu để đảm bảo công bằng, ổn định, đúng pháp luật là vấn đề đáng lưu tâm.
Quyền không được thu giữ tài sản cản trở quá trình giải quyết nợ xấu?
Một trong những nguyên nhân được cho là cản trở quá trình xử lý nợ xấu của VAMC/TCTD là các tổ chức này không thể chủ động thu giữ tài sản bảo đảm nếu chủ tài sản không đồng thuận. Theo quy định tại điều 301 Bộ Luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp chủ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là quy định gây khó khăn lớn cho VAMC/TCTD vì nhiều chủ tài sản chây ỳ, chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp kéo dài liên quan tới tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian. Quá trình giải quyết tại tòa rất lâu và tốn kém. Trung bình thời gian giải quyết mất khoảng 2 năm tính từ lúc bắt đầu khởi kiện, chi phí chiếm tới 29% giá trị đòi nợ. Thậm chí khi đã có quyết định của Tòa án rồi thì công tác thi hành án cũng rất chậm chạp. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến 31/3/2017 vẫn còn tồn đọng 17.184 vụ việc liên quan đến hoạt động ngân hàng, tương ứng với số tiền 65.489 tỷ đồng chưa được các cơ quan thi hành án dân sự tiến hành giải quyết. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan thi hành án cũng chỉ thi hành xong được 1.654 vụ việc liên quan đến hoạt động ngân hàng với số tiền 10.524 tỷ đồng.
Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đề nghị Quốc hội thông qua phương án giao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng. Đây được coi là ‘thượng phương bảo kiếm’ đối với việc xử lý nợ xấu.
Sự kém hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức tư pháp, tòa án có phải là lý do bỏ đi nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”?
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch bảo đảm là quan hệ dân sự được xác lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên. Do đó, quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Dự thảo là không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, trong đó có nguyên tắc bình đẳng trong xác lập quan hệ dân sự.
Hơn nữa, quyền sở hữu là quyền cơ bản của công dân. Theo khoản 2, điều 14 Hiến pháp 2013 thì “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, việc quy định giao cho các Tổ chức tín dụng, VAMC được thu giữ tài sản bảo đảm không qua các quyết định của Tòa án được cho là có khả năng vi phạm quyền cơ bản của con người.
Trên thực tế, các vụ việc liên quan tới ngân hàng được đưa ra Tòa án thường có nhiều yếu tố bất minh xuất phát từ nhiều nguyên nhân (hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ, có yếu tố giả mạo, các quyền sở hữu chung không được đề cập,…). Có nhiều trường hợp, chủ sở hữu hoàn toàn không biết tài sản của mình bị đem đi thế chấp. Vợ chồng, anh em, bố mẹ không hề biết ngôi nhà mình ở bị đem thế chấp ở ngân hàng. Các hồ sơ với chữ ký giả, thiếu chữ ký của các bên liên quan tới tài sản bảo đảm chồng chất tại tòa án.
Nhiều đại biểu quốc hội tại kỳ họp 3, khóa XIV cho rằng nếu giao quyền thu giữ tài sản cho các TCTD, VAMC thì quyền công dân, quyền sở hữu tài sản của công dân sẽ không được bảo vệ, không bảo đảm được sự bình đẳng trong quan hệ dân sự. Nếu dự thảo được thông qua, TCTD, VAMC sẽ nắm trong tay quyền thu giữ tài sản kèm theo sự hỗ trợ hợp pháp của chính quyền địa phương, của lực lượng công an thì các yếu tố bất minh trong quá trình vay, cho vay của các TCTD sẽ được giải quyết theo hướng có lợi cho TCTD và người chịu thiệt chính là người dân, một bên trong quan hệ dân sự.
Thiết nghĩ, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nợ xấu là do sự yếu kém của các Tổ chức tín dụng trong công tác kiểm soát nợ xấu, trong nghiệp vụ thẩm định, phê duyệt các khoản vay cũng như trách nhiệm thu hồi nợ. Vậy để giải quyết hậu quả của các TCTD yếu kém cần trị đúng bệnh, cần có sự thanh lọc theo đúng quy luật thị trường, đúng quy định pháp luật. Các TCTD yếu kém cần được cho phép phá sản theo luật phá sản. Khách hàng không nên là nạn nhân duy nhất chịu các hậu quả trong việc làm ăn thua lỗ của giới ngân hàng. Hệ thống tư pháp Việt Nam cũng không nên vì giải quyết tình thế cho một lĩnh vực, ngành nghề mà bỏ đi tính thượng tôn pháp luật vốn là hạt nhân căn bản của nhà nước pháp quyền.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa nợ xấu ngân hàng nhà nước Chính sách kinh tế VAMC