Trong 5 năm tới, việc xử lý các khoản nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ được áp dụng theo Nghị quyết xử lý nợ xấu do Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Các khoản nợ xấu được xử lý theo nghị quyết là các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017.

Sáng 21/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng (ảnh qua SHS.com.vn)
Sáng 21/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng (ảnh qua SHS.com.vn)

Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã bỏ phiếu chính thức thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 với thời hạn 5 năm.  Trong đó, tỷ lệ tán thành là 86,35% số đại biểu có mặt. Tỷ lệ không tán thành ở mức cao là hơn 6% tương đương với 31 đại biểu. Có 12 đại biểu không biểu quyết.

Nghị quyết này áp dụng thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Các vấn đề được quy định trong Nghị quyết bao gồm các loại nợ xấu được xử lý, nguyên tắc xác định giá trị khoản nợ, các quy định về mua bán nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến 31/12/2016 tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng khoảng 10,08%, tương đương 600.000 tỷ đồng (26 tỷ USD). Trong đó, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua, nhưng chưa xử lý được, là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Như vậy, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Các khoản nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết là các khoản nợ xấu phát sinh trước thời điểm 15/8/2017 được quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này. Tuy nhiên Nghị quyết cũng để mở khả năng xác định khoản nợ xấu được xử lý khi quy định: “Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.”

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết có quy định nguyên tắc: phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Quy định này có thể khiến việc xử lý các khoản nợ xấu có giá trị cao diễn ra chậm trễ.

Về việc xác định giá trị khoản nợ xấu, Nghị quyết quy định tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với tổ chức tín dụng lựa chọn tổ chức định giá độc lập. Giá bán các khoản nợ được xử lý phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Việc xử lý nợ xấu không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý.

Các vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, nếu chưa được quy định tại Nghị quyết thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến việc xử lý nợ xấu thì quy định của Nghị quyết được áp dụng. Ngân hàng chính sách xã hội cũng áp dụng quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu của ngân hàng chính sách.

Liên Hương

Xem thêm: