Từ đầu năm nay, các quỹ đầu tư chứng khoán của Trung Quốc đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng từ những quy định mới của Bắc Kinh trong việc kiểm soát núi nợ công đang tăng cao. Tình cảnh càng trở nên bi đát hơn đối với các quỹ này từ khi Trump khơi mào chiến thương mại với Trung Quốc.
Hiện tại, đà bán tháo cổ phiếu ở Trung Quốc gây ra bởi lo ngại chiến tranh thương mại đang tiếp tục đe dọa đến hoạt động của các quỹ, thậm chí ảnh hưởng đến sự sống còn đối với một số quỹ đầu tư nước này.
Một trong số đó là Công ty Đầu tư Nanjing Hu Yang, một quỹ đầu tư tư nhân đã bị giảm đến 1/2 giá trị tài sản xuống chỉ còn 50 triệu Nhân dân tệ (tương đương 7,5 triệu USD) trong vòng 1 năm qua, do phải hoàn tiền các khoản trái phiếu đến hạn và bù đắp các khoản đầu tư thua lỗ.
Chủ tịch Zhang Kaihua của quỹ này cho biết ông đang đặt quỹ đầu tư của mình (đầu cơ vào các chứng khoán hàng tiêu dùng) trong “trạng thái ngủ đông”. Ông cũng đã ngừng công bố kết quả hoạt động của quỹ và gác lại các kế hoạch gây vốn.
“Hy vọng duy nhất của chúng tôi là những khách hàng hiện tại sẽ ở lại để chúng tôi có thể tồn tại”, ông Zhang nói và cho biết thêm rằng ông đã chứng kiến nhiều công ty trong cùng lĩnh vực phải rời bỏ thị trường.
Trong quá khứ, khi có những bất ổn trên thị trường làm ảnh hưởng đến các quỹ đầu tư của Trung Quốc, như năm 2015, các quỹ này đã có thể phục hồi nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng và tháo bỏ nhiều quy định hạn chế trong ngành.
Nhưng lần này, các nhà quản lý quỹ đang đối mặt với áp lực kép đến từ làn sóng tháo chạy khỏi thị trường của các nhà đầu tư và một ngân hàng trung ương đang cố gắng dọn dẹp mớ nợ nần của thị trường tài chính – yếu tố đó càng làm cho ngành này bị tổn thương lâu dài.
Và khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã nóng lên với gói áp thuế trị giá 34 tỷ USD có hiệu lực vào ngày 6/7, giới đầu tư lo ngại rằng giá trị thị trường cổ phiếu Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm sâu, dù đã giảm 10% kể từ cuối tháng 6 xuống tới mức thấp nhất trong hai năm, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây có thể là đòn giáng mạnh cuối cùng lên các quỹ đầu tư.
“Nếu thị trường cứ tiếp tục tồi tệ như thế này, tôi cho rằng sẽ có nhiều quỹ chứng khoán phải đóng cửa”, ông Ivan Shi, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty tư vấn Z-Ben cho hay.
Theo Hãng nghiên cứu đầu tư Morningstar, năm nay trong số hơn 800 quỹ đầu tư tương hỗ của Trung Quốc, có chưa đến 10 quỹ đạt được lợi nhuận dương.
Ngay cả trước khi lo ngại về chiến tranh thương mại bùng phát vào cuối tháng trước, những thay đổi trong quy định về quản lý tài sản được nhắc đến lần đầu trong năm 2017 yêu cầu ngân hàng siết chặt cho vay trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và trái phiếu đã tác động xấu đến các quỹ đầu tư.
Điều này đã khiến hoạt động gây quỹ của các quỹ này bị giảm xuống mức tối thiểu, trong khi hoạt động thanh lý và hoàn vốn lại tăng lên.
Theo số liệu từ Z-Ben, số lượng các quỹ đầu tư tương hỗ với danh mục đầu tư dài hạn là khoảng hơn 5.000 quỹ đầu, trong số đó, có 161 quỹ đã phải bán thanh lý trong nửa đầu năm 2018.
Đó là lượng tăng khá lớn so với con số 102 quỹ bị thanh lý trong cả năm 2017. Trước năm 2017, số lượng các quỹ phải đóng cửa nhiều nhất trong 6 năm cũng chỉ là 30 quỹ vào năm 2015.
Điều tương tự cũng diễn ra đối với lượng tiền đầu tư mà các quỹ đầu tư tương hỗ phải hoàn trả cho khách hàng. Trong nửa đầu năm, số lượng hoàn trả là dưới 280 tỷ đơn vị quỹ (giá trị tài sản ròng hiện tại trên mỗi cổ phiếu của quỹ – NAV), chiếm 18%, trong khi cả năm 2017 là 330 tỷ đơn vị quỹ.
Tony Zhao, một nhà đầu tư cá nhân tại một số quỹ đầu tư cân đối, nói ông đang cân nhắc đến việc thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc sau khi bị mất 10% – 20% giá trị vốn gốc trong các quỹ.
“Tôi đang xem xét việc bán đi khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Sự điều chỉnh của thị trường lần này khác xa với dự kiến của tôi”, ông Tony nói, và cho biết thêm rằng ông hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ nối lại mối quan hệ yên ổn hơn về thương mại.
Các quỹ đầu tư tư nhân – với hầu hết các nhà đầu tư có chiến lược giữ tài sản dài hạn – đang bị tổn thương nặng.
Hoạt động gây vốn của các quỹ này đã bị suy giảm đáng kể, thu hẹp xuống chỉ còn 2,39 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 5, so với mức 57 tỷ Nhân dân tệ vào một năm trước đó, theo thông tin từ Công ty phân phối Quỹ Qianhai Simuwang.
“Việc huy động vốn ngày càng khó khăn. Chúng ta đang ở ‘thị trường gấu’ [thị trường đầu cơ giá xuống – bear market] và tôi chưa thấy có sự cải thiện nào trong tương lai gần”, Wen Hao, CEO của quỹ đầu tư Hao Fei cho biết.
Wen nói ông tạm thời xa rời thị trường chứng khoán và hướng sự chú ý của mình vào sở thích cá nhân – làm phim trên internet.
Tuy nhiên, sự biến động thị trường lại tỏ ra là có lợi cho các quỹ theo đuổi chiến lược “khủng hoảng Alpha” – chiến lược tìm kiếm lợi nhuận dương trong giai đoạn khủng hoảng.
“Sự gia tăng biến động trên thị trường cổ phiếu A [cổ phiếu của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục] cho phép một số chiến lược đầu tư định lượng của chúng tôi đạt được hiệu quả trong năm nay”, Xu Xiaoqing, Giám đốc điều hành của Preston cho hay.
Theo ông Xu, chiến lược đầu cơ chênh lệch giá của Preston năm nay liên quan đến việc mua các chứng khoán có thu nhập cố định trong khi phòng ngừa rủi ro bằng các công cụ tài chính khác. Mô hình này đã tạo ra mức lợi nhuận 10% chỉ trong nửa đầu năm, và đang thu hút các khách hàng tổ chức như các công ty bảo hiểm.
Công ty quản lý đầu tư Shanghai Minghong cho biết trong một buổi giới thiệu gần đây rằng, bằng cách bán khống các hợp đồng tương lai chỉ số (index futures) và mua một nhóm các cổ phiếu dự đoán có kết quả tốt hơn chỉ số, quỹ của ông đã hưởng lợi từ sự sụt giảm cổ phiếu gây ra bởi việc ông Trump khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
“Chúng tôi thích sự sụt giá… thị trường càng hỗn loạn, chúng tôi càng dễ dàng tạo ra alpha”, ông Xu Shijun, Giám đốc điều hành tại Shanghai Minghong nói.
Trước những dấu hiệu về khả năng Trung Quốc chấp nhận các quỹ có chiến lược đầu tư định lượng, mới đây, các nhà quản lý quỹ đầu cơ toàn cầu Bridgewater Associates và Winton Group đã nộp đơn phát triển sản phẩm tại thị trường Đại Lục.
Trước đó, Tập đoàn tài chính Merrill Lynch (thuộc Bank of America) nhận định thị trường sắp tới sẽ tiếp tục biến động do các yếu tố vĩ mô tiêu cực và chứng khoán Trung Quốc có thể còn giảm nhiều hơn nữa từ đây. Theo dự báo của chuyên gia của Merrill Lynch, chỉ số Doanh nghiệp Trung Quốc Hang Seng có thể sẽ bị giảm thêm 20% trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.
Kết thúc quý 2/2018, chứng khoán Việt Nam song hành cùng Trung Quốc là hai trong số các thị trường chứng khoán có mức giảm điểm mạnh nhất toàn cầu với các mức giảm lần lượt -20,85% và Chinext giảm -16,4%.
Ngọc Hằng (T/h)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…