Trung Quốc vừa đạt được thặng dư thương mại với Mỹ trong tháng 6 ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức thật sự vẫn đang chờ đợi Trung Quốc phía trước.

my-trung
Trung Quốc và Mỹ. (Ảnh: Gettyimages)

Theo số liệu về xuất nhập khẩu tháng 6 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 41,61 tỷ USD, trong đó thặng dư với Mỹ đạt 28,97 tỷ USD, cao nhất so với các quốc gia khác và cũng là mức cao kỷ lục kể từ năm 1999. Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 6 đạt 42,62 tỷ USD.

Đáng chú ý, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Việt Nam là 2,85 tỷ USD, cao nhất trong các nước ASEAN, vượt xa so với nước thứ 2 là Singapore 1,49 tỷ USD. Malaysia thậm chí còn đạt được thặng dư thương mại với Trung Quốc ở mức 1,67 tỷ USD.

Mức thặng dư không nói lên nhiều điều

Là một nước xuất khẩu lớn, kinh tế Trung Quốc đã hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bắt đầu đi lên. Tuy vậy, con số thặng dư thương mại trên không phản ánh triển vọng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Wang Jian, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Shenwan Hongyuan có trụ sở tại Thượng Hải: “Thặng dư thương mại song phương đạt mức kỷ lục cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vững chắc trong khi Trung Quốc thì suy giảm.”

Ngoài ra, trong tháng 6 đồng Nhân dân tệ có mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ năm 1994, giảm hơn 3% so với USD.

Việc đồng nội tệ yếu có thể là lợi thế cho hoạt động xuất khẩu, tuy vậy, với việc sụt giảm mạnh mẽ của đồng Nhân dân tệ lại là dấu hiệu của sự bất ổn và quan ngại của thị trường đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Thặng dư thương mại tháng 6 của Trung Quốc so với Mỹ tăng kỷ lục được cho là do các nhà xuất khẩu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trước khi những chính sách áp thuế đầu tiên có hiệu lực từ ngày 6/7.

Mặc dù thặng dư thương mại cao kỷ lục, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra biện pháp đối phó với chính sách áp thuế của Tổng thống Trump.

Theo phân tích của Hãng nghiên cứu BBVA, Trung Quốc có thể lựa chọn một số phương thức đáp trả. Tuy vậy, các biện pháp này đều bất lợi cho Trung Quốc hơn là Mỹ.

Hiện tại 2 nước đã cùng áp thuế của nhau lên hàng hóa xuất khẩu trị giá 34 tỷ USD với mức thuế suất 25%. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế 10% lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Tuy vậy Trung Quốc sẽ khó lòng đáp trả bằng cách áp thuế với mức giá trị hàng hóa xuất khẩu tương đương của Mỹ, bởi vì nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong năm ngoái chỉ đạt khoảng 150 tỷ USD.

Kịch bản nào cho Trung Quốc?

chien tranh tien te
(Ảnh: China Photos/Getty Images)

Trung Quốc có thể quay sang đáp trả bằng các biện pháp phi thuế quan như tăng thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc nhằm hạn chế hoạt động đầu tư kinh doanh của các công ty này tại thị trường Trung Quốc.

Nếu vậy, các công ty này sẽ phải tính đến khả năng rời khỏi Trung Quốc và quay về Mỹ. Nhưng điều này sẽ góp phần làm cho mục tiêu đưa các nhà máy sản xuất của Mỹ ở nước ngoài về nước của Tổng thống Trump thành công.

Một lựa chọn khác mà Trung Quốc có thể áp dụng là hạn chế lượng khách du lịch và sinh viên du học tới Mỹ. Tuy vậy, điều này đối với Mỹ sẽ không bị tác động nhiều bởi ngành du lịch Mỹ không phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc. Đồng thời Mỹ cũng đang có chính sách thắt chặt visa đối với các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc bởi nguy cơ về hoạt động gián điệp của nước này tại Mỹ.

Trung Quốc cũng đã áp dụng biện pháp liên minh với các nước khác để chống lại kế hoạch áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây nhất là châu Âu đã từ chối đề nghị của Trung Quốc.

Trung Quốc còn một công cụ khác nữa là bán hết lượng trái phiếu kho bạc Mỹ đang nắm giữ. Hiện Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,17 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.

Mặc dù vậy, biện pháp này cũng có bất lợi cho Trung Quốc. Bởi một khi Trung Quốc bán ra ồ ạt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ cần ra tín hiệu về việc chậm nâng lãi suất và điều chỉnh lộ trình thu hẹp bảng cân đối tài sản (theo chính sách cắt giảm gói QE) thì sẽ làm giá trái phiếu giảm theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Xa hơn nữa, Mỹ có thể phong tỏa lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ nếu Mỹ cho rằng hoạt động bán ra trái phiếu của Trung Quốc đang gây tổn thất cho hệ thống tài chính Mỹ.

Một lựa chọn cuối cùng là Trung Quốc sẽ lựa chọn chính sách đồng Nhân dân tệ yếu.

Hiệu ứng phụ của chính sách này là khó lường bởi nếu giá trị đồng Nhân dân tệ sụt giảm quá mạnh sẽ khiến luồng vốn tháo chạy ra khỏi đất nước và gây nên tình trạng bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Có thể nói, chính sách áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc đang gây nhiều bất lợi cho nước này. Điều đó cho thấy một quốc gia xuất khẩu lớn chưa chắc đã đảm bảo rằng đó là một nền kinh tế đủ mạnh và bền vững.

Ngọc Hằng

Xem thêm: