Kinh Tế

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Chip Huawei ‘gặp nạn’ ở Malaysia

Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, đang bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Malaysia ban đầu tuyên bố sẽ hợp tác với Huawei của Trung Quốc để triển khai chip Ascend trên toàn quốc, nhưng sau đó lại rút lại tuyên bố này. Chính sách công nghệ mới của chính quyền Trump nhằm kiểm soát rủi ro an ninh từ chip Trung Quốc trên toàn cầu đã khiến Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) phản ứng dữ dội, thậm chí tuyên bố sẽ áp dụng luật pháp Trung Quốc để trừng phạt những ai thực thi các biện pháp của Mỹ. Các chuyên gia nhận định, hành động này của ĐCSTQ sẽ phản tác dụng, và từ chiến tranh thuế quan đến chiến tranh công nghệ, ĐCSTQ đang bị vây hãm tứ phía.

(Nguồn: g0d4ather/ Shutterstock)

Tuyên bố của Chính phủ Malaysia thay đổi liên tục, chip Huawei gặp trở ngại

Ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Số Malaysia, bà Teo Nie Ching, tuyên bố trong một bài phát biểu rằng Malaysia sẽ đi đầu trong việc triển khai các máy chủ trí tuệ nhân tạo sử dụng GPU Ascend của Huawei trên toàn quốc, mặc dù không nói rõ loại chip cụ thể. Bà cũng cho biết, một công ty khởi nghiệp của Trung Quốc là DeepSeek sẽ cung cấp một mô hình AI cho Malaysia.

Tuy nhiên ngày hôm sau, văn phòng của bà Teo Nie Ching đã rút lại phát ngôn liên quan đến việc sử dụng công nghệ Huawei khi trả lời phỏng vấn Bloomberg, nhưng không nêu rõ lý do.

Ngày 21/5, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia tuyên bố rằng kế hoạch này là dự án do khu vực tư nhân đóng vai trò chủ đạo.

Huawei thì cho biết, họ vẫn chưa bán chip Ascend tại Malaysia và Chính phủ Malaysia cũng chưa mua thiết bị liên quan.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ từng đưa ra hướng dẫn nêu rõ, “ở bất cứ đâu trên thế giới”, việc sử dụng chip AI Ascend của Huawei đều vi phạm chính sách kiểm soát xuất khẩu của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, phiên bản sau đó của hướng dẫn này đã xóa bỏ câu nói trên, và hiện tại chỉ nhấn mạnh ngành công nghiệp nên chú ý đến rủi ro khi sử dụng chip điện toán tiên tiến của Trung Quốc (bao gồm chip Ascend của Huawei).

Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng và Tài nguyên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan. (Ảnh: Ngô Mẫn Châu / Epoch Times)

Ông Tô Tử Vân, Viện trưởng Viện Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với Epoch Times rằng: “Trump 1.0” bắt đầu bằng việc cấm trạm phát sóng của Huawei, sau đó vạch trần rủi ro từ chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc, và tiếp theo là từ góc độ nhân quyền chỉ ra rằng ĐCSTQ sử dụng công nghệ để giám sát người dân, phát triển quân sự, đe dọa các nước láng giềng. Nay, ông Trump tiếp tục chính sách an ninh công nghệ, chỉ có điều chiến thuật chặt chẽ hơn, nhằm chặn đứng sự phát triển sâu của chip Trung Quốc và ngăn nước này thâm nhập ra nước ngoài.

Ông Tô cho biết mặc dù chip Trung Quốc có lợi thế về giá, nhưng hiệu năng lại bình thường, và vấn đề lớn nhất là có thể tồn tại “cửa hậu”, “một khi dính đến chuỗi cung ứng đỏ (ý chỉ các công ty thân ĐCSTQ), thì có thể có virus kỹ thuật số trong đó”.

Từ Trung Đông đến Đông Nam Á, việc “cắt đứt Huawei” trở thành chỉ số quan trọng trong đối đầu Mỹ – Trung

Thủ tướng Malaysia Anwar đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, ghé thăm Trung tâm công nghệ cao của Huawei tại Bắc Kinh và có cuộc họp với các lãnh đạo Huawei. Vào tháng Tư năm nay, ông Tập Cận Bình đến thăm Malaysia, hai nước đã ký một Biên bản Ghi nhớ (MoU) về hợp tác công nghệ mới nổi và thiết lập phòng thí nghiệm chung.

​​Về việc lần này Malaysia “cắt đứt” với Huawei, chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông cho rằng đây là một sự kiện mang tính biểu tượng.

Ông nói với Epoch Times rằng ban đầu Malaysia cho rằng có thể phát triển AI bằng cách nhập hệ thống của Huawei, từ đó thắt chặt quan hệ với ĐCSTQ. Nhưng hiện tại Mỹ áp dụng chính sách “một mất một còn”, yêu cầu rằng “nếu dùng hệ thống Huawei thì không được dùng hệ thống của Mỹ”. Khi bị buộc phải lựa chọn, Malaysia tất nhiên sẽ chọn Mỹ chứ không phải Trung Quốc, vì nếu chọn Trung Quốc thì toàn bộ tiến trình phát triển AI hiện tại sẽ bị xóa sạch; còn nếu chọn Mỹ thì có thể tiếp tục phát triển.

“Tôi tin rằng hầu hết các quốc gia sẽ chọn đứng về phía Mỹ. Cũng giống như Trung Đông gần đây, sau chuyến thăm của ông Trump, Trung Đông đã hoàn toàn nghiêng về phía Mỹ, không còn khả năng để ĐCSTQ lôi kéo trở lại, về mặt công nghệ hay các mặt khác cũng không thể quay lại như trước nữa.”

Chính quyền Trump cũng cam kết sẽ nghiêm khắc trấn áp việc vận chuyển trái phép các chip cao cấp của Nvidia đến Trung Quốc thông qua các nước thứ ba. Các quan chức Mỹ đã liệt kê Malaysia là một điểm cần đặc biệt chú ý.

Ông Tô Tử Vân cũng cho biết, cùng với việc ông Trump làm rõ chính sách thuế quan, việc Malaysia và Việt Nam loại bỏ tình trạng “rửa xuất xứ” giúp Trung Quốc hay tách khỏi Huawei đều là những chỉ số quan trọng trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung.

“Đáng chú ý hơn là các nước Trung Đông, sau khi ông Trump đồng ý bán chip Nvidia, họ ngay lập tức xoay chiều: thứ nhất là không tái xuất khẩu chip Nvidia cho Trung Quốc; thứ hai là một khi đã chọn chip Nvidia, nghĩa là chọn hệ thống AI của phương Tây, tất nhiên sẽ không còn chuyện dùng chung với hệ thống của Trung Quốc,” ông nói.

ĐCSTQ đe dọa các bên hợp tác với Mỹ

Người phát ngôn Bộ Thương mại ĐCSTQ hôm thứ Tư (21/5) tuyên bố rằng các biện pháp của Mỹ là hành động kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh: “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các biện pháp của Mỹ đều có thể bị coi là vi phạm Luật Chống trừng phạt nước ngoài và các luật liên quan khác của Trung Quốc.” Phía Trung Quốc sẽ “giám sát chặt chẽ việc thực thi các biện pháp của Mỹ” “sẽ có hành động kiên quyết”.

Về cảnh báo của ĐCSTQ rằng việc phối hợp thực hiện chính sách của Mỹ là vi phạm luật của ĐCSTQ, ông Tô Tử Vân nhận định, ĐCSTQ đang chuẩn bị các biện pháp pháp lý nhưng chủ yếu mang tính tuyên truyền. Điều này thực chất là ép các doanh nghiệp nước ngoài phải công khai lập trường, dẫn đến hiệu ứng ngược, khiến Bắc Kinh ngày càng bị cô lập trong lĩnh vực phát triển công nghệ.

Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông nói với Epoch Times rằng ngay cả khi ĐCSTQ áp dụng các biện pháp trừng phạt, các chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài cũng không thể làm gì hơn. Bởi vì công nghệ chip hiện nay nằm trong tay Mỹ, và khi Chính phủ Mỹ có những yêu cầu như vậy, các bên liên quan buộc phải tuân theo.

Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông (Ảnh tác giả cung cấp)

Ông Tô Tử Vân cho biết, đa số các quốc gia đều nhận thức rõ rủi ro an ninh từ chip Trung Quốc, chỉ có một số ít nước đang phát triển vẫn còn kỳ vọng vì lý do chi phí thấp. Họ cho rằng chip Ascend và hệ thống AI của Trung Quốc có giá rẻ, ít nhất trong thời gian ngắn có thể giúp xây dựng năng lực AI và số hóa. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì “lợi bất cập hại”.

Từ chiến tranh thuế quan đến chiến tranh công nghệ, ĐCSTQ bị dồn vào thế bí

Việc Malaysia liên tục thay đổi tuyên bố về việc mua chip của Huawei đã thu hút sự chú ý của Nhà Trắng. Ông David Sacks, Giám đốc phụ trách trí tuệ nhân tạo và tiền mã hóa của Chính phủ Mỹ, đã viết trên mạng xã hội X rằng: “Như tôi đã cảnh báo từ lâu, toàn bộ hệ sinh thái chip của Trung Quốc đã có mặt tại đây.” Ông cho biết chính quyền Trump đã kịp thời hủy bỏ các biện pháp hạn chế bán chip cho Malaysia dưới thời Biden, theo chính sách hạn chế bán dẫn toàn cầu.

Ông Sacks hiện đang thúc đẩy việc phổ biến phần cứng AI của Mỹ trên toàn cầu và thiết lập hàng rào an ninh nhằm bảo đảm rằng các công ty xây dựng trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á hoặc Trung Đông không quay sang sử dụng sản phẩm của Trung Quốc.

Theo Financial Times, chính quyền Trump đang có kế hoạch đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu, trong đó có Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC) và công ty con của hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc Yangtze Memory Technologies (YMTC).

Ngoài Bộ Thương mại ĐCSTQ, ngày 20/5, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ đang tìm cách “phong tỏa toàn diện” ngành chip của Trung Quốc, đồng thời nhắc đến các cuộc đàm phán kinh tế thương mại cấp cao gần đây giữa hai nước đạt được một số tiến triển.

Hiện tại, cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung chỉ đang trong trạng thái tạm dừng. Đầu tháng này, hai nước đã đàm phán tại Thụy Sĩ và đạt thỏa thuận tạm hoãn một số mức thuế trong 90 ngày, đồng thời đồng ý nối lại đối thoại thương mại. Tuy nhiên, các xung đột mang tính cấu trúc như xuất khẩu chất bán dẫn, cung cấp khoáng sản chiến lược và an ninh địa chính trị vẫn chưa được giải quyết.

Ông Hoàng Thế Thông nhận định, chính quyền Trump đang sử dụng biện pháp phong tỏa thương mại và công nghệ để buộc Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán. Hiện nay ĐCSTQ đang ở thế “tứ bề thọ địch”, buộc phải nghiêm túc đối thoại với Mỹ. Ông Trump đang gia tăng áp lực từ các quốc gia xung quanh, hy vọng ĐCSTQ sẽ mở cửa thị trường và cải thiện các rào cản phi thương mại, nếu không đạt được thì sẽ tiếp tục gây sức ép.

Về cục diện đối đầu Mỹ – Trung, ông Tô Tử Vân cho rằng nếu các quốc gia như Trung Đông, Malaysia, Việt Nam gia nhập liên minh công nghệ phương Tây, thì công nghệ và chip của Trung Quốc sẽ bị “đóng băng”, chỉ còn lại thị trường nội địa. Nhưng thị trường nội địa sẽ trở lên cạnh tranh lẫn nhau một cách hỗn loạn và kém hiệu quả, từ đó khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào trạng thái “hạ cánh cứng” (suy giảm nhanh và nghiêm trọng).

Hải Chung, Lạc Á

Published by
Hải Chung, Lạc Á

Recent Posts

Đài hóa thân ở Nam Định phải hoàn trả gần 11 tỷ đồng tiền “chặt chém”

Hơn 20 nghìn khách hàng đưa người nhà tới hỏa thiêu tại Đài hóa thân…

1 giờ ago

Làm cha mẹ có thể giúp bạn minh mẫn hơn khi về già

Nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ với nhiều thử thách có thể giúp…

1 giờ ago

Đại học Harvard kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế

Đại học Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền tổng thống Trump về quyết định…

2 giờ ago

Nga và Ukraine trao đổi gần 800 tù nhân

Nga và Ukraine mỗi bên đã tiến hành thả 390 người về nước trong đợt…

2 giờ ago

ĐCSTQ hiếm hoi thừa nhận làm giả số liệu thống kê, chuyên gia vạch rõ bế tắc thể chế

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hiếm hoi chỉ trích 7 tỉnh thành vì…

3 giờ ago

Tại sao khiêm tốn lại mang đến nhiều lợi ích bất ngờ?

Người khiêm tốn nhất trong chúng ta thường chính là những nhà lãnh đạo vĩ…

3 giờ ago