Số tiền trên được lấy từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội được cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Bộ GTVT.
Lý do là vì thực hiện Nghị quyết số 71/2018/QH14, phương án phân bổ nguồn vốn này của Chính phủ đã ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, gia cố đê, kè, xây dựng hồ đập, phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển…
Bên cạnh đó, những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để hỗ trợ các địa phương cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL, miền Trung, miền núi phía Bắc, thực hiện các dự án thuộc tiêu chí này.
Riêng trong hai năm 2017 và 2018, số vốn hỗ trợ các địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đạt trên 12,5 nghìn tỷ đồng.
Việc dành một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ “là khả thi”, “thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương”, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bố trí thanh toán nợ chưa hợp lý
Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 71 quy định: “Sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia để ưu tiên bố trí cho các dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Số còn lại sử dụng để thanh toán nợ giải phóng mặt bằng một số dự án thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương và hỗ trợ giải phóng mặt bằng một số dự án cấp bách cần triển khai ngay”.
Tuy nhiên, qua rà soát các Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban nhận thấy phương án bố trí của Chính phủ chưa đảm bảo trật tự ưu tiên cho dự án gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi đó, bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa báo cáo rõ việc phát sinh nghĩa vụ của ngân sách là do dự án thay đổi phương án tài chính, chưa làm rõ đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã được phê duyệt hay chưa và trong đề án có nội dung chi trả giải phóng mặt bằng cho dự án này hay không.
Một số ý kiến cho rằng, việc thanh toán nợ thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước nói chung và nợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nói riêng là cần thiết, song có thể sử dụng nhiều nguồn vốn theo khả năng cân đối ngân sách. Có ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng). Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Dự án được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007. Dự án được khởi công ngày 19/5/2008 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ vào ngày 5/12/2015. Tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, nhà nước phải tham gia 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do VIDIFI lo và hoàn vốn đầu tư bằng thu phí. Như vậy, nhà nước cần tham gia vốn khoảng 13.000 đến 22.000 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, sau 3 năm đưa vào khai thác lưu lượng xe đi trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bình quân trên 27.000 lượt xe/ngày (bình quân 3 tháng vừa qua là 35.200 lượt xe/ngày, tăng 231% so với khi mới đưa vào khai thác – 15.200 xe/ ngày), chiếm hơn 45% tổng lưu lượng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5. Thực tế các chỉ tiêu đạt được cho thấy phương án tài chính của Dự án là khả thi. Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp khó khăn về khoản lãi vay phát sinh từ nguồn vốn đối ứng của Nhà nước cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo tính toán VIDIFI, tính đến cuối năm 2018, với 4.069 tỷ đồng phải vay hộ Nhà nước để giải ngân cho các địa phương chi trả tiền giải phóng mặt bằng, số lãi suất phát sinh tại dự án đến nay đã lên đến trên 800 tỷ đồng. |
Lê Hoàn
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…