Kinh tế vĩ mô

Báo cáo LHQ: Việt Nam là điểm đến hàng đầu của rác thải

Việt Nam cùng một số quốc gia Đông Nam Á khác đã trở thành các điểm đến hàng đầu trong việc nhập khẩu rác thải cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, theo báo cáo trong tháng 4/2024 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu của cả rác thải hợp pháp lẫn bất hợp pháp. (Nguồn Getty Image)

Trích dẫn báo cáo tháng 4/2024 của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma Túy và Tội phạm, BBC News Tiếng Việt cho biết gần như toàn bộ khối lượng rác thải đổ vào Đông Nam Á (96,6%) cập bến ở bốn nước Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, chỉ tính trong giai đoạn từ 2017 – 2021.

Ở các nước này, rác thải không chỉ được đem đến các bãi rác mà còn bị đổ ở những nơi không đúng quy định hoặc bị đốt ngoài trời, gây hại cho môi trường lẫn sức khỏe người dân.

Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ, Nhật là những nhà xuất khẩu rác đứng đầu toàn cầu. Việt Nam nằm trong các nước nhập rác hàng đầu

Theo số liệu LHQ được cập nhật vào tháng 1/2024, Việt Nam những năm gần đây nằm trong số các quốc gia nhập khẩu rác hàng đầu thế giới.

Cụ thể, Việt Nam là nhà nhập khẩu rác đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ năm toàn cầu với 51,53 triệu tấn trong giai đoạn 2017 – 2022.

Về nhập khẩu rác thải nhựa, Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Malaysia, với hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa riêng trong năm 2022, theo Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance – VZWA).

Các nhà xuất khẩu rác đến Việt Nam lớn nhất trong giai đoạn 2017 – 2021 là Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hong Kong và Vương quốc Anh.

Nạn buôn lậu rác ở Việt Nam

Liên Hợp Quốc cho biết lượng rác thải vào các nước Đông Nam Á bắt đầu tăng mạnh từ 2018 và giải thích rằng những nguyên nhân chính đến từ việc lệnh cấm nhập khẩu rác ở Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, bà Coleen Salamat, chuyên viên về thương mại chất thải khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Break Free From Plastic (BFFP) có cái nhìn khác. Bà nói với BBC News Tiếng Việt:

“Vị trí địa lý dường như chỉ đóng vai trò nhỏ cho thực trạng này. Lấy Philippines làm ví dụ. Quốc gia Đông Nam Á cũng này nằm gần Trung Quốc cũng như gần tuyến thương mại hàng hải nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Philippines được hình thành từ hàng nghìn hòn đảo, vô cùng thuận lợi để những chiếc tàu buôn lậu luồn lách vào. Thế nhưng, lượng rác thải đổ vào nước này tương đối thấp so với Việt Nam, Indonesia hay Malaysia.”

“Tôi nghĩ điều quan trọng nằm ở những nhà cầm quyền. Các nước phát triển thường nhắm đến các nước đang phát triển mà có chính sách, quy chế lỏng lẻo để xuất khẩu rác tới đó. Sự thành công trong việc cắt giảm nhập khẩu và kiểm soát buôn lậu rác thải, phế liệu của Philippines có công lớn từ sự cứng rắn của giới lãnh đạo.”

Chính phủ Việt Nam trong một tuyên bố vào tháng 7/2018 nói rằng giới chức cần phải “ngăn chặn rác thải xâm nhập vào Việt Nam để giữ cho đất nước không trở thành một bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của con người”.

Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) thông tin sau lệnh cấm từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng đã ban hành các biện pháp nhằm hạn chế lượng rác thải, tuy nhiên vẫn còn thiếu sự phối hợp trong khu vực.

Liên Hợp Quốc giải thích nhiều kẻ vận chuyển rác trái phép đã tận dụng những kẽ hở trong hệ thống pháp lý để đưa rác đến các quốc gia này.

Trong giai đoạn 2017 – 2021, LHQ cho biết rác thải chiếm đến 17% trong tổng số vụ vận chuyển trái phép ở Việt Nam.

Báo cáo LHQ cho thấy nhiều container chứa rác thải trái phép bị bỏ lại tại các cảng biển Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2021, Việt Nam vẫn còn tồn đọng 2.893 container phế liệu, chủ yếu ở Hải Phòng và TP HCM.

Các thủ đoạn phổ biến mà những tên buôn lậu rác thường dùng ở Việt Nam bao gồm làm giả, sửa đổi dữ liệu; khai báo sai hàng hóa để tránh việc kiểm tra; ngụy trang hàng hóa trong container; tận dụng lỗ hổng trong khâu quản lý của hải quan. Bên cạnh đó, một số lượng rác được nhập với mục đích tái xuất khẩu nhưng lại bị tuồn bất hợp pháp vào Việt Nam.

“Các cơ quan hải quan là điểm yếu chung của một số nước Đông Nam Á. Họ thiếu sự minh bạch và gặp khó khăn trong việc phân loại chính xác các chất thải, phế liệu mà đất nước mình nhập vào,” Deveyani Khare, chuyên viên truyền thông của BFFP, nói với BBC News Tiếng Việt.

Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) cho hay hiện nay tại Việt Nam, bên cạnh một vài cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện rất khắt khe, được cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa thì vẫn còn các cơ sở thực hiện hoạt động thu gom, tái chế trái phép, gây ô nhiễm nặng nề.

Liên Hợp Quốc cho biết các chuyên gia Việt Nam thừa nhận tình trạng rác thải ở Việt Nam đang bị quá tải và không thể nào xử lý hết.

Vì sao Việt Nam nhập khẩu rác?

Việt Nam nhập khẩu các loại rác thải, phế liệu như sắt, nhựa, gang, kim loại màu, giấy hay thủy tinh để làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Công thương cho biết vào tháng 5/2023.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong cùng năm cũng đưa tin sản xuất của Việt Nam “phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu”.

Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) vào tháng 2/2024 nhận xét việc Việt Nam nhập khẩu rác thải nhựa là cần thiết.

Tổ chức này chỉ ra Việt Nam đang thiếu phế liệu nhựa và nhu cầu về phế liệu nhựa của Việt Nam nhằm phục vụ cho mục đích sản xuất, tái chế đều cao hơn nguồn cung sẵn có trong nước. Nguyên nhân đến từ thực trạng thiếu các cơ sở thu gom tái chế rác thải nhựa, năng lực tái chế không đủ, và nhu cầu đang tăng đối với nhựa từ các ngành công nghiệp khác nhau.

“Chất thải nhựa nhập khẩu là hiện nay rất cần để bổ sung cho nguồn cung trong nước và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất, tái chế nhựa của Việt Nam. Mặc cho những nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ tái chế trong nước và giảm sự phụ thuộc vào rác thải nhựa nhập khẩu, khoảng cách giữa cung và cầu vẫn tồn tại, đòi hỏi phải nhập khẩu phế liệu nhựa,” VZWA nhận định.

“Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc nhập khẩu chất thải nhựa cũng đặt ra những thách thức về môi trường và xã hội, thúc đẩy lời kêu gọi thực hành quản lý chất thải bền vững và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam,” VZWA cho biết.

Tổ chức cũng nhấn mạnh nhập khẩu rác thải nhựa thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng nó cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Rác thải nhựa ‘chưa được quan tâm nhiều’ ở Việt Nam

Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) nhận xét vấn đề nhập khẩu rác thải, phế liệu nhựa chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam và các tài liệu truyền thông liên quan hiện rất ít.

Một phóng sự được xuất bản vào tháng 1/2024 của VZWA chỉ ra vào những năm 1990, mỗi người dân Việt Nam thải ra khoảng 3,8 kg nhựa mỗi năm. Con số này hiện đã ở mức 62kg/người/năm.

Các làng nghề thu gom, xử lý, tái chế rác thải nhựa ra đời để đem đến công ăn việc làm cho người dân cũng như giải quyết các bài toán kinh tế, môi trường. Điển hình là làng nghề Minh Khai tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

“Đóng góp của ngành sản xuất nhựa đối với kinh tế tỉnh thì không lớn, nhưng góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lượng lớn lao động tại địa phương, và giúp xử lý lượng lớn phế thải nhựa trong tỉnh và trong cả nước,” VZWA dẫn lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam.

Tuy nhiên, hệ lụy từ các làng nghề như vậy cũng tương đối lớn.

Trong phóng sự của VZWA, Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm Trần Chu Đức cho biết các máy móc người dân sử dụng cho việc xử lý rác thải nhựa thường lạc hậu, nên quá trình xử lý không tối ưu. Phần nhựa không được tái chế bị vứt bỏ bừa bãi.

Ông Đức nói thêm rằng số rác thải đó bên cạnh gây ô nhiễm môi trường còn gây bệnh cho người dân địa phương. Mùi hôi thối cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống trong vùng.

Các chuyên gia từ VZWA nói bản thân quá trình xử lý rác thải nhựa cũng phần nào tác động xấu đến môi trường. Nước trong quá trình xử lý nhựa mang các vi nhựa theo dòng chảy đi ra sông, biển.

Nhận xét với BBC News Tiếng Việt, bà Coleen Salamat cho rằng bên cạnh việc phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á, thì bản thân các nước đang hứng chịu sự ô nhiễm bởi rác thải nhựa như Việt Nam cần phải có chính sách tốt hơn và đẩy mạnh giáo dục về vấn đề này cho người dân hơn nữa.

Báo cáo LHQ chỉ ra Việt Nam không tận dụng được hết lượng rác thải nhựa nhập khẩu. Trong những năm trở lại đây, Việt Nam là nước xả phế  liệu, rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới và phần lớn trong đó có thể đến từ lượng rác mà nước này nhập vào.

Nguyên Hương (Theo BBC)

Nguyên Hương

Published by
Nguyên Hương

Recent Posts

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

2 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

11 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

15 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

38 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago