Ủy ban Kinh tế cho rằng đã hình thành thị trường “ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát. Trong khi đó, nguồn lực xã hội bị “chôn” vào đất thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Chênh lệch giá vàng dẫn đến buôn lậu vàng
Tại bản báo cáo, cơ quan thẩm tra cho hay thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa – chính trị, Ủy ban Kinh tế cho rằng đã hình thành thị trường “ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, xuất phát từ một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ. Hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp.
“Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng”, ông Thanh nêu.
Cơ quan thẩm tra dẫn lại vụ nhập lậu hơn 4 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), tính riêng trong hai tháng 8, 9/2022.
Đối với kênh đầu tư bất động sản, dù có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Ủy ban Kinh tế quan ngại về tình trạng giá căn hộ chung cư tăng đột biến, thậm chí giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm cũng tăng cao, ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.
“Có ý kiến cho rằng ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế”, ông Thanh nêu.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
Cùng với việc căn hộ chung cư tăng giá đột biến, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại. Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng đầu cơ đất đai khiến nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khoảng cách giàu nghèo khi người có nhu cầu thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.
Lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui cao hơn thành lập mới
Trong quý 1/2024, tốc độ tăng trưởng GDP dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo, chưa đủ để giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%; giá vé máy bay tăng cao tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện…
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi trong 4 tháng đầu năm, 81,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động song 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Thanh nêu.
Trong khi nhu cầu thị trường trong nước thấp (55,1%), chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường, các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây khó khăn… cản trở khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm, Ủy ban Kinh tế cho rằng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu và rủi ro nợ xấu tăng khiến các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong cho vay; nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc thu hẹp sản xuất do khó khăn thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…