Tình trạng đầu tư công thiếu hiệu quả đang làm tăng gánh nặng nợ nần và tác động tiêu cực lên tình hình tài chính quốc gia, khiến Việt Nam vẫn có nguy cơ “luẩn quẩn” trong nhóm thu nhập trung bình, thấp mà chưa vượt lên được.
Đó là cảnh báo được TS. Lê Hải Mơ đưa ra trong báo cáo mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách, thuộc Bộ Tài chính.
Ông Mơ cho rằng những mặt tồn tại và yếu kém cơ bản tích tụ trong nhiều năm qua của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để, điều này đang đặt quốc gia vào nguy cơ “luẩn quẩn” trong nhóm thu nhập trung bình, thấp mà chưa thể vượt lên được.
Theo đó, vấn đề đầu tiên được chuyên gia của Viện Chiến lược và Chính sách đề cập là tình trạng đầu tư công thiếu suy xét cẩn trọng về hiệu quả kinh tế – xã hội, đầu tư dàn trải và thiếu đồng bộ đã gây ra lãng phí lớn.
Cụ thể, hội chứng các địa phương đua nhau xây dựng sân bay, cảng biển, trụ sở, quãng trường… trong thời gian qua tạo nên hệ thống cảng biển dày đặc xuyên suốt miền Trung với 194 khu công nghiệp, hơn 1.600 cụm công nghiệp, 15 dự án khu kinh tế biển đòi hỏi 2.000 tỷ USD để xây dựng – trong khi quy mô nền kinh tế chưa hấp thụ hết – gây ra những lãng phí nghiêm trọng.
“Phần lớn các dự án đều chậm tiến độ, tăng quy mô vốn lớn hơn nhiều so với kế hoạch”, ông Mơ cho biết.
Bên cạnh đó, một tồn tại nữa được ông chỉ ra là tình trạng phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia còn chưa hợp lý và kém hiệu quả. Phần lớn nguồn lực phát triển của đất nước lại rơi vào khu vực kém hiệu quả nhất là Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Theo ông Mơ, khối DNNN chiếm tới 39% đầu tư xã hội nhưng chỉ tạo ra được 28% GDP, chưa kể đến việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ và hầu như không có vai trò trong giải quyết việc làm. Trong khi đó, khu vực tư nhân đầu tư 38% lại tạo ra tới 43% – 44% GDP, mặc dù không nhận được nhiều ưu đãi như khu vực Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đáng lo ngại, ông cho rằng tình trạng lãng phí, thất thoát, sử dụng kém hiệu quả nguồn lực tài chính ở khu vực Nhà nước không hề giảm mà còn “có xu hướng gia tăng.”
Chuyên gia từ Viện Chiến lược và Chính sách cho biết tình trạng đầu tư công kém hiệu quả đang “làm tăng gánh nặng ngân sách” và tác động tiêu cực như một “chiếc bẫy nợ nần” lên đất nước.
Do đó, ông cho rằng Chính phủ cần chủ động tái cấu trúc nền tài chính quốc gia theo hướng bền vững và hiệu quả hơn; khắc phục những yếu kém nội tại để nền kinh tế có thực lực tài chính mạnh hơn, đủ sức ứng phó với tác động từ những thay đổi về địa chính trị – kinh tế thế giới. Ngược lại, bất cứ một chần chừ hay do dự nào cũng có nguy cơ đẩy nền kinh tế – tài chính lún sâu vào khó khăn và khủng hoảng.
Tường Văn
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…