Các lãnh đạo thương mại Mỹ, Nhật Bản và EU đồng ý hợp tác cùng nhau để giải quyết các thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc, một lý do quan trọng đằng sau cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh, theo Epoch Times hôm 27/9.
Hôm 25/9, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và những người đồng cấp Hiroshige Seko của Nhật Bản và Cecilia Malmstrom của EU, đã gặp gỡ tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
“Các Bộ trưởng nhắc lại mối quan tâm của mình và xác nhận mục tiêu chung của các nước, để giải quyết các chính sách và thực tiễn không theo định hướng thị trường, của các nước thứ ba“, Tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ.
Các Bộ trưởng đồng ý thúc đẩy các quy định mới và các công cụ thực thi, để xử trí các quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời bày tỏ sự cần thiết phải cải cách các quy tắc không hiệu quả của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Epoch Times, Tuyên bố chung không nhắm mục tiêu cụ thể vào Trung Quốc, mặc dù 3 bên bày tỏ mối quan ngại của họ về “sự xâm lược kinh tế” và các chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh trước đây, làm méo mó cách tổ chức của thương mại quốc tế.
Các nhà lãnh đạo thương mại nói rằng những hành vi không lành mạnh này “dẫn đến tình trạng công suất dư thừa nghiêm trọng, tạo điều kiện cạnh tranh không lành mạnh đối với các công ty và người lao động của họ, cản trở sự phát triển và sử dụng công nghệ tiên tiến, và làm suy yếu chức năng đích thực của thương mại quốc tế”.
Cuộc họp 3 bên tập trung vào việc thiết lập các quy định mới, để chống lại những trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước, các công cụ chủ yếu mà chính quyền Trung Quốc sử dụng trong nhiều thập kỷ.
“Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo một sân chơi bình đẳng trong bối cảnh tồn tại những thách thức gây ra bởi các nước thứ ba, phát triển và khuếch trương các doanh nghiệp nhà nước thành những công ty hàng đầu quốc gia, và không kiểm soát chúng trên thị trường toàn cầu – dẫn đến sự méo mó, ảnh hưởng tiêu cực đến những người nông dân, các nhà sản xuất công nghiệp và công nhân tại những nước sở tại của các bộ trưởng”, theo Tuyên bố chung.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được cho là kiểm soát những lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, năng lượng, viễn thông và hàng không. Chính quyền Trung Quốc chi hàng trăm tỷ USD, nhằm hỗ trợ cho các công ty độc quyền này.
Một báo cáo gần đây của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Trung Quốc tiếp tục bảo vệ các ngành công nghiệp của họ, với các khoản trợ giá trong nước quá mức, dự trữ hàng hóa, và áp dụng chính sách thuế phân biệt đối xử. Tất cả các biện pháp này vi phạm các quy định của WTO, báo cáo nêu rõ.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tìm cách tạo ra những doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành công nghiệp trọng điểm, giúp họ mở rộng thị phần, và vượt qua các đối thủ nước ngoài.
Để thúc đẩy một sân chơi bình đẳng hơn cho công nhân và doanh nghiệp của mình, Mỹ, EU và Nhật Bản đã quyết định thiết lập các quy tắc hiệu quả, nhằm giải quyết hành vi bóp méo thị trường của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Một lĩnh vực tập trung khác trong cuộc họp 3 bên là về “các chính sách và thực tiễn chuyển giao công nghệ bị [Trung Quốc] ép buộc”.
Các quan chức 3 bên lên án các nước ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước, thông qua các phương tiện khác nhau, bao gồm việc áp dụng các yêu cầu về liên doanh, hạn chế vốn chủ sở hữu nước ngoài, và các quy trình xem xét và cấp giấy phép.
“Các Bộ trưởng cho rằng những thực tiễn như vậy là đáng chỉ trích”, Tuyên bố nêu rõ.
Ngoài ra, các quan chức 3 bên cũng lên án “những hành động chính phủ hỗ trợ xâm nhập trái phép vào, và trộm cắp từ, những mạng máy tính của các công ty nước ngoài, để tiếp cận thông tin thương mại nhạy cảm và bí mật thương mại của họ, và sử dụng thông tin đó cho mục đích thương mại”.
Cách đây 3 năm, chính quyền Trung Quốc công bố kế hoạch 2025 của mình, trong đó tuyên bố mục tiêu đạt được sự thống trị trong 10 ngành công nghiệp công nghệ cao vào năm 2025, bao gồm công nghệ thông tin tiên tiến, người máy robot, các công cụ máy móc tự động, và chế tạo máy bay.
Để thực hiện tham vọng kinh tế của mình, chính quyền Trung Quốc sử dụng những thủ đoạn khác nhau, bao gồm gián điệp công nghiệp, trộm cắp trên mạng, và ép buộc các công ty nước ngoài phải liên doanh để được quyền tiếp cận thị trường.
Năm nay, chính quyền của Tổng thống Trump đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn về các chính sách bảo hộ và méo mó kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Ông Trump đã bắt đầu một chiến dịch thuế quan chống lại hàng hóa Trung Quốc.
Trong cuộc họp 3 bên, các Bộ trưởng cam kết ngăn chặn thực tiễn chuyển giao công nghệ bị ép buộc có hại, và làm sâu sắc các cuộc thảo luận để giải quyết những vấn đề này.
Trong một nỗ lực để cô lập những nước chơi xấu như Trung Quốc, các quan chức thông báo sẽ “tiếp cận và xây dựng sự đồng thuận với các đối tác cùng chí hướng khác“, và đồng ý về sự cần thiết phải cải cách tổ chức WTO.
Chính quyền của ông Trump đã thất vọng trước WTO, cho rằng quy tắc của tổ chức này đã lỗi thời.
Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cho phép Trung Quốc được hưởng qui chế “tối huệ quốc” lâu dài. Một năm sau đó, Trung Quốc đã trở thành thành viên của WTO.
Kể từ đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng tốc đáng kể. Sản lượng sản xuất của Trung Quốc đã vượt qua sản lượng của Mỹ bắt đầu từ năm 2009-2010, và khoảng cách đã mở rộng hơn nữa trong những năm sau đó, dẫn đến hàng triệu lao động Mỹ bị mất việc làm.
Duy Minh
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…