Thời gian qua, nhiều người liên tục phản ánh về thực trạng khi vay tiền ngân hàng cho tiêu dùng, mua nhà, mua ô tô, kinh doanh…, muốn hồ sơ được phê duyệt nhanh hoặc được hưởng ưu đãi, người vay phải mua kèm các gói bảo hiểm liên kết với ngân hàng đó. Vừa qua, cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng về việc này.
Thực trạng “mua bia kèm lạc” này không chỉ diễn ra trong lĩnh vực xe ô tô, mà còn lan ra cả ngành tài chính – ngân hàng.
Anh L.Đ.A (Hà Nội) chia sẻ với VnBusiness, khoảng giữa tháng 10/2021, anh có nhu cầu vay mua ô tô phục vụ kinh doanh của gia đình, nhưng để tiếp cận khoản vay, anh phải mua gói bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng. Cụ thể, anh được tư vấn gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 triệu. Nhưng do cả gia đình 4 người đã có bảo hiểm rồi nên anh từ chối. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng vẫn thuyết phục anh: “anh mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ, sếp em mới duyệt hồ sơ nhanh”.
Còn anh Nguyễn Quang Đức ở Hà Nội thì kể rằng: “Tôi từng đi vay 4 tỷ đồng ở một ngân hàng trong nước, nhưng bị họ bắt phải mua kèm gói bảo hiểm nhân thọ 50 triệu đồng. Dĩ nhiên, tôi vẫn phải cắn răng mua, mua để được vay, vay xong là bỏ gói bảo hiểm đó luôn chứ tiền đâu mà duy trì đóng theo hạn?”.
Hồi tháng 4/2021, báo VnExpress cũng từng có bài viết với tiêu đề: “Vay 6 tỷ, bị ngân hàng ép mua 70 triệu đồng bảo hiểm”, phản ánh tình huống tương tự trên.
Trên VnBusiness, chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội tiết lộ câu chuyện trong nghề, việc ép người vay mua bảo hiểm nhân thọ là quy định “bất thành văn” tại ngân hàng, do phí bảo hiểm đem lại nguồn lợi “khủng” cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm. Chị Nhung cho biết thêm, mức phí mà ngân hàng được hưởng lên đến 40% trên tổng tiền phí bảo hiểm năm đầu, trong đó nhân viên tín dụng được 10%, giám đốc chi nhánh 4%. Ngoài ra, nhân viên phải đạt doanh số bán bảo hiểm tối thiểu 60 triệu đồng. Nếu không đạt, nhân viên không được hưởng được đồng nào, thậm chí xác định nguy cơ bị cho thôi việc.
Cũng theo báo này, báo cáo 9 tháng đầu năm, một số ngân hàng ghi nhận lãi hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Cụ thể: MB bank là 5.656 tỷ đồng, TPbank là 696 tỷ đồng.
Thực trạng này đã diễn ra khá lâu, vài năm nay có nhiều trường hợp người vay đã phản ánh lên cơ quan báo chí, nhưng đa phần chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề triệt để.
Theo Zing, từ cuối năm 2019 Bộ Tài chính cho biết đã nắm được tình hình, cũng đã yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của Tổ chức tín dụng.
Bộ cho biết việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, việc này pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có quy định. Đại diện Bộ Tài chính nói: “Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
Bộ cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo VnBusiness, đến nay thực trạng này vẫn còn tiếp diễn mà chưa có trường hợp nào bị xử lý để răn đe.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…