Các chuyên gia lo ngại tình trạng nhập siêu từ ASEAN đang có nguy cơ khiến doanh nghiệp Việt rơi vào tình huống “trâu chậm uống nước đục”.
Ngày 10/10, Hội thảo “Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 đã được tổ chức tại TP.HCM.
Tại hội thảo, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc hàng hóa từ ASEAN, đặc biệt từ Thái Lan, đã tràn vào Việt Nam khá nhiều, trong khi các doanh nghiệp Việt dường như vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua thị trường chung có quy mô 630 triệu dân này.
Theo số liệu từ Sở Công thương TP.HCM, trong giai đoạn 2015-2017, lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang ASEAN vẫn tăng đều nhưng không đột biến. Trong khi ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào Việt Nam vẫn rất lớn, tăng từ 7,2 tỷ USD năm 2016 lên 8,15 tỷ USD năm 2017.
“Hiện nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN đã cao hơn gấp 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều này cho thấy tình trạng nhập siêu từ ASEAN là rất đáng lo ngại”, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó ông cho biết việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối ASEAN đã khiến hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước đang dần được xóa bỏ. Trong đó, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho khoảng hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0% – 5% (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Với mức giảm thuế sâu như vậy, ông lo ngại trong tương lai, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN.
Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối. Sự thuận lợi hóa thương mại trong Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với các sản phẩm, ngành hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngay tại thị trường Việt Nam.
Lý giải về nguyên nhân các doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phân tích là do các yếu tố như: hình thức sản phẩm của doanh nghiệp nội chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến, ngoại giao… Một hạn chế khác là doanh nghiệp chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực…
Nếu không có những bước cải tiến, nguy cơ không chỉ dừng lại ở chỗ hàng hóa Việt bị cạnh tranh ngay trên chính đất Việt và bên ngoài thị trường các nước, mà các doanh nghiệp Việt còn có thể rơi vào tình huống “trâu chậm uống nước đục” – thất thế trên sân nhà và chậm chân trên thị trường chung ASEAN.
Tường Văn (T/h)
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…