Kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ thương mại luôn được thúc đẩy, nhưng điều đáng nói là Việt Nam đã luôn nhập siêu từ ASEAN trong suốt 22 năm qua, con số nhập siêu tính đến hết tháng 7/2017 đã là hơn 90 tỷ USD. Trong đó, chúng ta nhập siêu từ Thái Lan và Singapore là nhiều nhất.

ASEAN
(Ảnh qua: Business Korea)

Ngày 8/8/2017 vừa qua đánh dấu ASEAN tròn 50 tuổi, cũng là 22 năm ngày Việt Nam gia nhập tổ chức này. Trong suốt thời gian qua, thương mại hai bên đã không ngừng gia tăng, nhưng cán cân nghiêng về phía nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu. Nói lên một điều rằng hàng hóa Việt Nam chưa có chỗ đứng thích đáng trong khu vực, trong khi các doanh nghiệp Việt loay hoay tìm phương án xuất khẩu, thì hàng ASEAN đã đổ bộ vào Việt Nam một cách ồ ạt.

can can thuong mai Vietnam - ASEAN

Từ 2014 đến nay, tốc độ xuất khẩu của Việt Nam vào các nước ASEAN liên tục bị giảm sút. Trong khi tốc độ nhập khẩu không ngừng tăng cao.

Trong suốt 22 năm, Việt Nam luôn nhập siêu từ ASEAN, con số nhập siêu tính đến hết tháng 7/2017 đã là hơn 90 tỷ USD

Thị trường xuất khẩu các nước ASEAN

xuat khau cac nuoc ASEAN

Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào các nước ASEAN tăng đều trong gần 2 thập kỷ. Nhưng từ năm 2014 đến nay, giá trị xuất khẩu có dấu hiệu bị suy giảm (chủ yếu do ảnh hưởng bởi thị trường Malaysia, Thái Lan và Campuchia).

Thị trường nhập khẩu các nước ASEAN

nhap khau tu cac nuoc ASEAN

Trong khi xuất khẩu bị giảm sút những năm gần đây, thì nhập khẩu lại không ngừng tăng nhanh. Nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng lớn nhất trong khu vực, kế đến là Singapore và Malaysia.

Cho thấy sự trưởng thành của các thị trường này, nền sản xuất trong nước hoàn thiện khiến họ tự cung cấp sản phẩm trong nước được và thậm chí xuất khẩu sang các nước ngoài. Đó là lý do đã khiến Việt Nam bị mất thị phần xuất khẩu trong những năm qua.

Cán cân thương mại với các nước trong khối

can can thuong mai voi cac nuoc ASEAN

Nhìn vào biểu đồ ở trên có thể dễ dàng nhận thấy Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan và Singapore nhiều nhất với mức nhập siêu trung bình 10 năm trở lại đây luôn ở mức xấp xỉ 4 tỷ USD/năm.

Trong quan hệ thương mại với Lào, Việt Nam cũng nhập siêu từ nước bạn, với trung bình gần 110 triệu USD/năm trong 10 năm qua.

Cán cân thương mại lũy kế 22 năm

can can thuong mai Vietnam-ASEAN luy ke 20 nam

Lũy kế trong 22 năm qua, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với đa số các nước trong ASEAN. Trong đó, nhập siêu từ Singapore (-59,17 tỷ USD) và Thái Lan (-47,20 tỷ USD).

Chỉ có hai thị trường mà Việt Nam xuất siêu là Campuchia (18,36 tỷ USD) và Philippines (13,83 tỷ USD). Quan hệ giao thương với Myanmar vẫn còn khá khiêm tốn.

Tương quan thương mại giữa ASEAN với EU, OPEC và các thị trường lớn

Về xuất khẩu

so sanh quy mo xuat khau ASEAN voi cac khoi

ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, vị trí này đã bị Trung Quốc thay thế vào năm 2016 và 7 tháng đầu năm 2017.

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng “thẳng đứng”, từ 11,41 tỷ USD năm 2009 lên đến 38,46 tỷ USD năm 2016 (tăng 237%) đối với Mỹ; và từ 9,40 tỷ USD lên 34,08 tỷ USD (tăng 262%) đối với EU.

Về nhập khẩu

So sanh nhap khau tu ASEAN va cac khoi

Giai đoạn từ 1995 – 2009, ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam thời bấy giờ. Sau giai đoạn 2009, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất (trung bình 31,7 tỷ USD/năm), và đến 2015, Hàn Quốc đã chiếm vị trí thứ hai với tốc độ nhập khẩu trung bình trong 6 năm trở lại đây là 22 tỷ USD/năm, điều đáng lưu tâm là mới chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, nhập siêu từ Hàn Quốc đã là -19,1 tỷ USD, bằng 93% cả năm 2016.

Cán cân thương mại qua các năm giữa ASEAN so với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc…

So sanh ve can can thuong mai giua cac khoi

Trong suốt 22 năm qua, Mỹ và EU luôn cho thấy họ là những “điểm sáng” tích cực của thương mại Việt Nam, khi hai thị trường này đã liên tục đạt được thặng dư ngày càng nhiều.

Khối OPEC cũng cho thấy được tiềm năng của nó. Ở chiều hướng ngược lại, ngay trên “sân nhà” ASEAN và khu vực lân cận, Việt Nam tỏ ra hoàn toàn bị lép vế khi đã thâm hụt triền miên với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.

Bức tranh chung về hoạt động thương mại của Việt Nam – ASEAN đã bộc lộ rõ nét vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN nói chung. Những điểm sáng (Mỹ, EU) và những điều quan ngại (nhập siêu lớn từ Trung, Hàn; sự mất hút trong ASEAN) luôn hiện hữu. Vấn đề còn lại là Việt Nam cân nhắc và có những điều chỉnh thích hợp gì cho những bước đi sắp tới.

Chân Hồ

Xem thêm: