Xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc không chỉ khiến các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu tẩy chay, mà còn khiến nhiều nước đang phát triển không hài lòng và đưa ra các biện pháp ngăn chặn.
Sau khi động cơ tăng trưởng kinh tế là ngành bất động sản rơi vào khủng hoảng, để vực dậy kinh tế Trung Quốc, các nhà chức trách của nước này đã khẩn trương tìm kiếm động cơ thay thế bằng cách chuyển hướng nền kinh tế sang sản xuất, nhưng điều này đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất, trong khi nhu cầu trong nước suy yếu đã làm trầm trọng thêm tình hình này, và họ đã thúc đẩy sản phẩm dư thừa cho các nước đang phát triển như Indonesia, Brazil và Thái Lan, Việt Nam…
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết, nhiều nước đang phát triển đã chống trả lại hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc gây áp lực lên các nhà máy ở nước của họ, dẫn đến giảm việc làm và cản trở phát triển của ngành sản xuất nội địa. Nhiều nước nghèo hơn đã hy vọng mở rộng sản xuất, tin rằng đây là cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế của họ và nâng cao vị thế quốc tế, nhưng họ đã gặp khốn khó vì làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Xu hướng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc xuất ra bên ngoài hiện nay, đã lặp lại “cú sốc Trung Quốc” mà nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trải qua vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21. Thời điểm đó, hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất tràn ngập, dẫn đến mất việc làm trong ngành sản xuất địa phương nhiều nước. Theo ước tính của giáo sư kinh tế David Autor thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và nhiều chuyên gia kinh tế khác, từ năm 1999 đến năm 2011 Mỹ đã mất hơn 2 triệu việc làm do nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều nước đang phát triển hiện lo lắng rằng lịch sử sẽ lặp lại.
Theo tổ chức phi lợi nhuận “Cảnh báo thương mại toàn cầu” (Global Trade Alert), kể từ đầu năm 2022, các nước đang phát triển đã thực hiện gần 250 biện pháp phòng vệ thương mại ảnh hưởng đến hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm thuế quan, điều tra chống bán phá giá, và điều tra chống trợ cấp.
Brazil đã thực hiện hơn 120 biện pháp can thiệp này. Chính phủ Brazil gần đây đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép như dây thép và cáp, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã kêu gọi hạn chế hoàn toàn nhập khẩu.
Tại Ấn Độ, cơ quan chức năng nước này đã tăng thuế đối với bảng mạch, laser công nghiệp và màng vinyl được sử dụng để làm logo, nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Ấn Độ cho biết cạnh tranh từ Trung Quốc không chỉ là vấn đề đối với thị trường nội địa, mà còn làm giảm lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty ở thị trường mới nổi.
Indonesia hồi tháng Mười năm nay đã cấm thương mại điện tử xuyên biên giới Temu thuộc sở hữu của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo. Temu có thể vận chuyển hàng hóa giá rẻ trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc đến cửa nhà của người tiêu dùng toàn cầu. Chính phủ Indonesia cho biết, mô hình này mang lại rủi ro về giá cả, khiến các doanh nghiệp nhỏ của Indonesia khó cạnh tranh.
Hôm qua (5/12), sau thời gian đầu ‘làm bão’, Temu vừa tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi làm việc với Bộ Công Thương và được bộ này yêu cầu. Theo báo Tuổi Trẻ, trên ứng dụng được cài vào điện thoại và cả website, thay vì để tiếng Việt như trước, hiện khách hàng Việt chỉ có 3 lựa chọn là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Temu thông báo khi có khách hàng Việt Nam truy cập như sau: “Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam”. Báo Tuổi Trẻ cho biết, chỉ khi nào Temu hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép với Bộ Công Thương, phía hải quan mới tiến hành các thủ tục tiếp theo đối với hàng hóa được giao dịch qua sàn này. Nói về chất lượng hàng hóa được bán trên Temu, tờ báo viết: “Theo ghi nhận, không ít khách đã mua và nhận hàng từ Temu đều cho biết chất lượng sản phẩm không đạt như kỳ vọng. Chưa kể Temu thông báo về việc giảm giá sâu, nhưng khi so sánh cùng mặt hàng đang bán trên các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam thì không quá chênh lệch”.
Khi thị phần bị mất vào tay hàng may mặc và hàng dệt may giá rẻ từ Trung Quốc, các nhà sản xuất hàng may mặc Indonesia (gồm cả các nhà sản xuất nhỏ hộ gia đình) đã tìm đến chính phủ để được giúp đỡ. Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan của Indonesia cho biết tình hình rất nghiêm trọng, vì số lượng lớn hàng nhập khẩu đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy dệt may và sa thải quy mô lớn.
Theo Liên đoàn Công đoàn Nusantara của Indonesia, từ tháng 1 – 7/2024, ít nhất 12 nhà máy dệt đã ngừng hoạt động, khiến hơn 12.000 công nhân mất việc.
Vào cuối tháng Sáu, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hassan tuyên bố sẽ áp thuế từ 100% – 200% đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, chính sách này sẽ có hiệu lực ngay sau khi các quy định liên quan được ban hành. Ông nói rằng thuế quan có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu giày dép, quần áo, dệt may, mỹ phẩm và gốm sứ.
Trong một số ngành công nghiệp, dòng sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đã nhấn chìm các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Nhà sản xuất thép lớn nhất của Chile là Pacific Steel cho biết vào tháng Ba rằng họ sẽ đóng cửa hoạt động của nhà máy thép Huachipato, cho biết nhà máy này không còn có thể cạnh tranh với thép nhập khẩu của Trung Quốc, rẻ hơn 40% so với thép của Chile. Vào tháng Tư, Bộ Tài chính Chile đã áp thuế tạm thời trong thời gian 6 tháng đối với thanh thép và bóng thép nhập khẩu từ Trung Quốc (lần lượt là 24,9% và 33,5%), nhưng có thể được gia hạn trong khi chờ kết quả điều tra chống bán phá giá của Chile.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết hồi tháng Chín trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh rằng, ông muốn giảm thâm hụt thương mại của Nam Phi với Trung Quốc.
Theo báo Bangkok Post, Ủy ban Thường vụ Liên hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB) hồi tháng Tám năm nay cũng lên tiếng rằng lượng lớn hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thương mại của Thái Lan, làm giảm thị phần của Thái Lan trong khu vực, và dẫn đến thâm hụt thương mại gần 20 tỷ USD giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Chủ tịch Payong Srivanich của Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan cho biết, nhiều doanh nghiệp Thái Lan có thể đóng cửa nếu chính phủ không có các biện pháp mới để bảo vệ Thái Lan tốt hơn khỏi các sản phẩm của Trung Quốc.
Chủ tịch Kriengkrai Thiennukul của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, khoảng 667 nhà máy đã đóng cửa trong nửa đầu năm nay, tăng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với trung bình 111 nhà máy đóng cửa mỗi tháng. Ông kêu gọi chính phủ phải áp thuế đối với một số sản phẩm của Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một biện pháp khẩn cấp như áp thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu, thay đổi quy định trước đây chỉ đánh thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu có giá trên 1.500 baht (khoảng 44 USD). Chính sách này chỉ có hiệu lực từ tháng 7 – 12 năm nay, nhằm mục đích cho chính phủ có thời gian nghiên cứu vấn đề này để tìm ra giải pháp lâu dài hơn.
Tờ WSJ cho rằng tác động của lượng lớn hàng giá rẻ Trung Quốc đối với các nước đang phát triển, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước ở phía nam bán cầu, đồng thời cũng làm phức tạp thêm kế hoạch thành lập liên minh quốc tế của Bắc Kinh, do Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tranh thủ ủng hộ của các nước đang phát triển để xây dựng liên minh chống lại Mỹ.
Theo nguồn tin giấu tên, kết luận sơ bộ là máy bay hành khách của…
Mở rộng điều tra vụ án Phó Đức Nam, công an TP. Hà Nội đã…
Trước đó, một chiếc xe địa hình đã đâm bừa bãi vào nhóm người tập…
Hanukkak (Lễ hội Ánh sáng của người Do Thái), theo thị trưởng Kiev, thành phố…
Hút thuốc khi chuẩn bị bước vào độ tuổi thanh thiếu niên hoặc khi đang…
Trong đợt kiểm tra thí điểm đối với 35 nghệ sĩ và người nổi tiếng,…