“Mệnh” là một trong những khái niệm vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống. Có câu rằng: “Đắc được là may mắn của ta, mất đi là số mệnh của ta”. Mỗi người mỗi vận mệnh, vận mệnh lại có muôn vàn hình thái khác nhau.
“Mệnh” rốt cuộc là gì? Mạnh Tử nói: “Không làm mà thành là Thiên ý, không cầu mà nên là số mệnh” (Mạnh Tử, Tận tâm thượng). Trong lý niệm của cổ nhân, mệnh và Trời có liên quan tới nhau. Có câu “Nhân mệnh quan thiên”, mệnh người liên quan tới Trời. Vậy nên mới gọi mệnh là “Thiên mệnh” hay “mệnh trời”.
Với cổ nhân, Mệnh hay Thiên mệnh đều là những điều mang theo tới khi sinh, hay còn gọi là Trời định. Thuật xem mệnh xưa kia thường coi sự vận hành của sinh mệnh, phân chia thành đại mệnh, tiểu mệnh và lưu niên theo tiến trình thời gian. Sự vận hành của mệnh gọi là vận mệnh, cho nên mệnh còn được gọi là “vận mệnh”, nghĩa là những hành trình khác nhau.
Sinh mệnh của con người được tổ thành bởi những hành trình khác nhau. Trong những hành trình khác nhau đó sẽ biểu hiện ra chất lượng sinh mệnh khác nhau. Thông thường chất lượng sinh mệnh có thể thấy thông qua giàu nghèo, sang hèn, thọ yểu. Một con người không chỉ có một hành trình sinh mệnh trong một đời, mà hành trình đó xảy ra như thế nào còn do lựa chọn thiện ác, sự nỗ lực hay lười biếng, tuy nhiên về tổng thể là đại đồng tiểu dị, cái đáng có thì sẽ có, cái không đáng có thì sẽ mất đi. Do vậy, mệnh hay vận mệnh, kỳ thực là chỉ quỹ đạo vận hành của sinh mệnh vốn được định hình tương đối từ trước khi con người sinh ra.
Cổ nhân cho rằng, vận mệnh của một người là do trời định nhưng phúc họa của một người lại là do bản thân chiêu mời mà đến. Bởi vì vận mệnh không phải là một tuyến đường đơn nhất, nên lựa chọn của con người cũng quyết định họa phúc của con người.
Trong “Nhị thập tứ sử” viết:
“Họa phúc tuy rằng không có cửa, nhưng thuận hay nghịch đều đã có số trời, thiên đạo ẩn trong mỗi một việc xảy ra nhanh chóng, những việc của con người trong tương lai đều sẽ được kiểm chứng. Không có chuyện thực hành nhân nghĩa mà phúc phận không được kéo dài. Không có chuyện làm ác mà tai họa lại không giáng xuống.”
Câu chuyện cải biến vận mệnh nổi tiếng nhất được cổ nhân ghi chép và kiểm chứng lại có lẽ là chuyện của một viên quan thời Minh, tên là Viên Liễu Phàm.
Viên Liễu Phàm tên thật là Viên Hoàng (1533-1606) là một viên quan sống vào triều đại nhà Minh. Một lần, vào năm 15 tuổi, Viên Liễu Phàm đến chùa Vân Tự và gặp một ông lão họ Khổng. Ông lão họ Khổng là đệ tử của Thiệu Ung, nhà tiên tri nổi tiếng Trung Hoa, nên cũng tinh thông thuật đoán vận số.
Khổng tiên sinh đã xem cho Viên Liễu Phàm một quẻ bói. Ông nói: “Con lúc chưa thi đỗ tú tài thì thi huyện đứng thứ 14, thi phủ đứng thứ 71, thi đề học đứng thứ 9.” Đến năm sau, Viên Liễu Phàm dự thi ba cấp này, thứ tự xếp hạng đều trùng khớp như lời Khổng tiên sinh đoán, hoàn toàn không sai một điểm.
Sau đó, Khổng tiên sinh còn xem phúc họa, cát hung cả đời cho Viên Liễu Phàm. Ông nói rõ năm nào Viên Liễu Phàm thi đậu, xếp hạng thứ mấy, năm nào được lẫm sinh (học bổng của các châu, huyện, hoặc phủ thời xưa), năm nào được cống sinh (tức là học trò giỏi thời xưa được chọn qua các kì thi sát hạch ở tỉnh, được cấp lương ăn để chuẩn bị đi thi Đình).
Khổng tiên sinh còn nói:
“Sau khi con là cống sinh thì sẽ được chọn làm huyện trưởng tại Tứ Xuyên. Sau khi đảm nhiệm chức huyện trưởng tại Tứ Xuyên được ba năm rưỡi thì con từ chức hồi hương. Vào giờ Sửu ngày 14 tháng 8 năm 53 tuổi thì mất, tiếc là trong mệnh của con không có con.”
Viên Liễn Phàm, từng chữ từng chữ đều ghi nhớ, hơn nữa còn ghi chép lại những lời tiên đoán này của Khổng tiên sinh.
Từ đó về sau, phàm là tham dự cuộc thi nào thì thứ tự xếp hạng, từng việc từng việc đều ứng nghiệm, đều không nằm ngoài sự tiên đoán của Khổng tiên sinh. Vì vậy, Viên Liễu Phàm ấn định trong đầu mình rằng, một người khi nào được sinh ra, khi nào chết đi, khi nào đắc ý, khi nào thất ý đều có một cái định số, hết thảy đều là đã được định sẵn rồi và không có cách nào cải biến được.
Sau này, Viên Liễu Phàm quen biết thiền sư Vân Cốc. Thiền sư đã nói:
“Một người, cho dù vốn trong số mệnh đã định là khổ cực, nhưng họ làm việc đại thiện thì sức mạnh của việc thiện này có thể biến khổ hạnh thành sung sướng, biến nghèo hèn, đoản mệnh thành phú quý, trường thọ. Còn một người, cho dù vốn trong số mệnh đã định là hạnh phúc, sung sướng nhưng nếu như họ làm việc đại ác thì sức mạnh của việc ác này có thể biến phúc trở thành họa, biến phú quý, trường thọ thành nghèo hèn, đoản mệnh. Cho nên, làm việc ác thì tự nhiên sẽ giảm phúc, làm việc thiện thì tự nhiên sẽ được phúc.”
Những lời nói này của Vân Cốc thiền sư như đánh thức người trong mộng, giúp Viên Liễu Phàm tỉnh ngộ. Từ đây, Viên Liễu Phàm bắt đầu thay đổi bản thân mình.
Viên Liễu Phàm ban đầu có tên hiệu là “Hải Học” nhưng sau ngày đó, ông đã sửa thành “Liễu Phàm”. Bởi vì ông đã minh bạch đạo lý lập mệnh, không muốn giống người phàm phu cho nên mới sửa tên hiệu thành “Liễu Phàm”.
Sau khi nghe được những lời của thiền sư Vân Cốc, từ một người tùy tiện hồ đồ, ông đã trở thành một người cung kính, cẩn thận. Cho dù là ở một mình trong phòng tối, nơi không có người, ông cũng luôn nhắc nhở mình không được làm việc sai mà phạm tội với Trời. Gặp phải người ghét mình, phỉ báng mình, ông cũng thản nhiên mà bỏ qua, không so đo, tính toán.
Một năm sau khi gặp thiền sư Vân Cốc, đến kỳ thi Đình, theo như lời tiên đoán của Khổng tiên sinh là ông sẽ đỗ xếp thứ hạng 3 nhưng không ngờ lại xếp thứ nhất. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh bắt đầu mất linh nghiệm. Khổng tiên sinh đoán ông không thi đỗ cử nhân, không ngờ đến kỳ thi hương mùa thu năm đó, ông đã thi đỗ cử nhân. Đây đều là những điều mà Viên Liễu Phàm tin rằng trong mệnh của ông vốn không định.
Thế là từ đó về sau, Viên Liễu Phàm càng yêu cầu nghiêm khắc hơn với bản thân mình, không được thấy việc thiện nhỏ mà không làm, không được thấy việc ác nhỏ mà làm, luôn tự xét lại bản thân và sửa đổi, tận sức tu thân tích đức làm việc thiện.
Kết quả thực sự là “đoạn ác tu thiện, họa tiêu phúc đến”. Vào năm Tân Tị, vợ Viên Liễu Phàm đã sinh được một người con trai, đặt tên là Thiên Khải. Từ đây, ông càng tin vào lời của thiền sư Vân Cốc, ra sức làm việc thiện. Mấy năm sau, đến năm Bính Tuất, ông lại thi đỗ tiến sĩ, bộ Lại bèn bổ nhiệm Viên Liễu Phàm làm chức quan huyện lệnh.
Đến năm ông 53 tuổi cũng không có tai họa xảy ra như lời Khổng tiên sinh đoán, ngay cả ốm đau cũng không bị. Ông sống khỏe mạnh đến năm 74 tuổi thì qua đời.
Viên Liễu Phàm viết bốn cuốn sách dùng làm lời giáo huấn, gọi là “Giới tử văn” nhằm giáo dục người con trai Viên Thiên Khải của ông hiểu rõ về chân tướng của số mệnh, phân biệt rõ tiêu chuẩn thiện ác. Ngoài ra, ông cũng đem tất cả những trải nghiệm thực đã xảy ra trong cuộc đời mình và cách cải biến vận mệnh của mình để viết lên cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” lưu truyền lại cho người đời sau.
An Hoà
Xem thêm:
Mời xem video:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.