Một cửa hàng bán buôn đồ chơi Trung Quốc gần Trung tâm bán buôn Brooklyn ở New York ngày 5/5/2025. (Ảnh: Zhao Fenni / Epoch Times)
Từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế quan lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc hồi tháng trước, khu chợ buôn hàng Trung Quốc ở New York ngừng nhập hàng. “Trung tâm buôn sỉ Brooklyn, New York” chỉ còn hàng tồn. Chủ cửa hàng cho biết sẽ đóng cửa sau khi bán hết, nhưng tiểu thương vẫn khá bình tĩnh.
Khi mức thuế quan lên đến 145%, dù từng nói rằng thuế của Trung Quốc quá cao cần phải giảm, nhưng gần đây ông Trump lại nhấn mạnh rằng thuế quan là con bài quan trọng trong đàm phán với Trung Quốc và sẽ không dễ dàng gỡ bỏ.
Tuy vậy, trong khi giữ lập trường cứng rắn với chính sách thuế đối với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ vẫn bày tỏ mong muốn đàm phán với Trung Quốc.
Trong tình hình này, thị trường buôn sỉ hàng hóa nhỏ nhập khẩu từ Trung Quốc tại New York ra sao? Phóng viên Epoch Times đã đến thăm “Trung tâm buôn sỉ Brooklyn, New York” (trước đây gọi là “Chợ buôn Yiwu Small – Tiểu Nghĩa Ô , New York”), và phát hiện rằng tuy cửa hàng vẫn trưng bày các loại hàng hóa, nhưng nhiều nhà buôn sỉ cho biết họ đã ngừng nhập hàng từ Trung Quốc, hàng trên kệ hiện nay đều là hàng tồn – nghĩa là phần lớn các sản phẩm này đã được vận chuyển từ Trung Quốc trước khi chính sách thuế quan mới có hiệu lực.
Một số nhà buôn cho biết hiện vẫn có thể duy trì cung ứng, nhưng chính sách thuế mới khiến việc nhập hàng từ Trung Quốc trở nên rất khó khăn. Nếu hàng tồn hết mà thuế vẫn không giảm, họ sẽ buộc phải đóng cửa.
Khách hàng chính của các nhà buôn này chủ yếu là tiểu thương đến từ nhiều sắc tộc khác nhau, người Hoa chỉ là thiểu số nên các nhà buôn này đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, theo số liệu từ Hiệp hội Đồ chơi Hoa Kỳ, khoảng 80% đồ chơi bán tại Mỹ đến từ Trung Quốc. Năm 2023, Mỹ nhập khẩu khoảng 33 tỷ USD sản phẩm đồ chơi và trò chơi từ Trung Quốc, chiếm phần lớn tổng kim ngạch nhập khẩu đồ chơi.
Do đó, các cửa hàng đồ chơi tại khu buôn sỉ này rất phổ biến, mỗi sáng đều có nhiều tiểu thương đến mua sỉ. Tiếp theo là các sản phẩm hàng tiêu dùng, trong khi mặt hàng túi xách lại vắng vẻ hơn. Nhiều tiểu thương cầm sẵn tiền mặt 20 USD, các cửa hàng dùng túi nhựa đen đựng hàng cho họ.
Một nhà buôn không tiết lộ danh tính, chuyên bán sỉ quà tặng và túi xách tầm trung cho biết, hiện nay toàn bộ việc nhập hàng từ Trung Quốc đã bị đình trệ vì thuế cao khiến chi phí không thể gánh nổi, do đó không có hàng mới.
“Hiện tại chúng tôi đã ngừng nhập hàng, những đơn hàng ký trước tháng 3 thì vẫn đang trên đường vận chuyển, mức tăng chỉ khoảng 30%, cộng thêm thuế cũ là hơn 50%. Những đơn hàng sau ngày 8/4 thì phải đóng 145% thuế, nên không ai nhập nữa.”
Cô chủ cửa hàng nói rằng một phần hàng của cô đến từ Nghĩa Ô (Trung Quốc). Cô nói: “Tôi thấy mấy nhà máy ở Nghĩa Ô gần như sắp phá sản hết rồi. Nếu tình hình kéo dài nửa năm đến một năm thì tất cả đều phá sản, công nhân bỏ đi hết, lấy ai sản xuất nữa?”
Cô cho biết hiện tại chỉ còn hy vọng vào việc giảm thuế, vì phía Trung Quốc đã không thể giảm giá được nữa: “Sáng nay khách cũng nói với tôi, bên kia không thể hạ giá, vẫn phải chịu 145%.”
Cô còn nói, những cửa hàng quà tặng bình dân ở Manhattan cũng có thể sắp hết hàng Trung Quốc. Nhưng những sản phẩm bán chạy mà Mỹ không thể nhập từ nơi khác thì vẫn có thể nhập khẩu qua đường hàng không, chỉ là giá sẽ cao hơn vì vẫn có nhu cầu.
Cô cho rằng dù sau này ông Trump có giảm thuế, không phải mọi ngành đều có thể hồi phục: “Còn tùy làm ngành gì, giờ thép cũng tăng giá ghê lắm.” Nên cô vẫn chưa chắc mình có thể tiếp tục làm nghề này.
Ông Lưu, chủ tiệm quà tặng chuyên bán sỉ áo thun, mũ nói: “Không ai chịu nổi thuế gần 180%”.
Ông Lưu, chủ tiệm quà tặng chuyên bán sỉ áo thun và mũ, nói rằng cộng cả thuế cũ thì giờ ông phải chịu gần 180% thuế với hàng Trung Quốc: “Nhập hàng 100.000 USD thì phải đóng 180.000 USD tiền thuế, sao mà làm ăn được?”
Cửa hàng ông rộng hơn 30m2, mỗi năm tiền thuê lên đến hàng chục ngàn đô.
“Không chịu nổi nữa rồi, ai cũng ngừng nhập hàng hết, không ai nhập nữa.” Hàng của ông phần lớn là mũ có hình ông Trump hoặc khẩu hiệu yêu nước. Ông nói: “Tôi không quan tâm chính trị, cái nào bán chạy thì tôi bán cái đó.”
Ông cũng không biết lượng hàng tồn còn bán được bao lâu, nhưng hiện tại không thấy hy vọng về việc giảm thuế: “Nếu bán hết hàng tồn, thì cũng chỉ biết bước tới đâu tính tới đó, hết hàng chắc là đóng cửa thôi.”
Hiện cửa hàng ông đang xả hàng tồn kho, trước cửa có treo bảng: “Tất cả hàng xả kho không đổi trả, mỗi cái 12 USD.”
Bà Trương, chủ tiệm quần áo mùa hè, nói cửa hàng bà đã hoạt động 3 năm. Mức thuế cao hiện tại là chưa từng thấy. Phần lớn khách của bà là người gốc Tây Ban Nha, mỗi món hàng chỉ vài đô. Bà không nhận giao hàng tận nơi.
Bà cho biết hàng hiện tại là hàng của mùa trước nên giá vẫn chưa thay đổi, nhưng với mùa thu – đông thì hàng tồn không còn nhiều. Do đó bà rất mong thuế sẽ giảm.
So với các nhà buôn, các tiểu thương dường như không quá lo lắng. Bà Nanni, một người bán hàng dạo ở Bronx đi cùng bạn đến mua sỉ đồ chơi, nói rằng khách hàng của bà gồm người da trắng, gốc Tây Ban Nha và các sắc tộc khác, việc buôn bán vẫn tiến triển tốt.
“Hiện tại giá của họ (nhà buôn) vẫn chưa tăng,” khi được hỏi nếu sau này tăng giá, bà có ghét Tổng thống Trump không, bà nói: “Không một chút nào, tôi thích Trump.” Bà tin rằng vấn đề thuế sẽ có cách giải quyết.
Sản phẩm ở chuỗi cửa hàng 99 của người Hoa không nhập từ các nhà buôn này. Ông Ngô, người chuyên giao hàng cho chuỗi 99, nói rằng chủ của ông chuyên cung cấp cho các tiệm 99, hàng tồn đủ dùng 1,5 năm. Hiện không còn container đến hải quan Mỹ, nên ông không cần bốc hàng mà chỉ còn giao cho cửa hàng, do đó từ làm việc 5 ngày/tuần ông chuyển sang 2–3 ngày/tuần.
Lượng hàng tồn vẫn đủ, điều này thể hiện rõ qua sự bình tĩnh của các chủ tiệm 99. Ông Lâm, chủ một tiệm 99 ở khu Fresh Meadows, Queens, cùng gia đình mở cửa hàng hơn 3 năm, phục vụ cư dân quanh khu trường học. Ông nói giá chỉ một số mặt hàng thiết yếu có tăng nhẹ, còn lại vẫn bình thường.
“Chúng tôi vẫn kinh doanh bình thường, hàng tồn nhiều, cứ tiếp tục như cũ thôi.” Ông khuyên mọi người không cần lo không mua được hàng Trung Quốc, và tin rằng vấn đề thuế sẽ có cách giải quyết.
Tình hình ở các siêu thị thực phẩm Hoa kiều lại khác. Một nhân viên phân loại hàng tại siêu thị Tân Trung Hoa ở khu Chinatown, Manhattan vừa khiêng thùng vừa nói: “Giá đều tăng hết rồi, sau này chỉ có thể nhập từ Đài Loan.”
Anh nói mình đã sang Mỹ làm ăn, vẫn còn kế sinh nhai, nhưng các nhà máy ở Trung Quốc thì phá sản hết rồi.
Phóng viên quan sát thấy siêu thị này vẫn sử dụng nhãn giá cũ cho phần lớn hàng Trung Quốc. Nhiều bà nội trợ người Hoa đi mua sắm cũng nói chưa thấy tăng giá rõ rệt, trong siêu thị còn có nhiều mặt hàng đang khuyến mãi, nên vẫn có đông khách.
Nhân cơ hội này, siêu thị đẩy mạnh khuyến mãi thực phẩm Hàn Quốc, như mì ăn liền. Một loại mì tô Nongshim của Hàn Quốc có biển khuyến mãi: Giá gốc 13,99 USD/thùng, giảm còn 4,99 USD/thùng.
Một bà nội trợ đang mua sắm tiện tay lấy một thùng mì Hàn Quốc ở gần quầy thu ngân nói: “Chưa từng thấy rẻ thế này, nhất định phải mua.” Nhân viên thu ngân cho biết gần đây cũng có nhiều người Hoa đến mua hàng dự trữ.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 34%, kim ngạch nhập…
Nhiều loại cây sẽ nảy mầm và phát triển vào mùa xuân, ngay cả cỏ…
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ sớm công bố một thỏa thuận "thương mại…
Hôm thứ Hai (5/5), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống…
Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự không hài lòng về tiến độ đàm…
Quý 1/2025, hơn 125.000 cán bộ, công chức kê khai tài sản, 2 người bị…