Sau khi thực hiện mở cửa kinh tế vào tháng 12/1986, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại.
Tại buổi Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay: “Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo”.
Mặc dù chưa có một nền công nghiệp định hình nhưng những vấn nạn về môi trường gần đây lại cho thấy Việt Nam đang đi theo “vết xe đổ” của Trung Quốc. Đã vậy, nông nghiệp vốn là “xương sườn” của nền kinh tế lại tỏ ra rất dễ bị tổn thương trước trái cây, nông sản giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan.
Việt Nam là nước có hơn 70% dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp, việc nông sản liên tục bị sụt giá trong thời gian qua có tác động không nhỏ đến kinh tế của nhiều hộ gia đình.
Từ nhiều năm gần đây, có không ít các đợt kêu gọi “giải cứu nông sản” trên toàn quốc, nổi bật là cuộc giải cứu giá thịt lợn năm ngoái, giải cứu dưa hấu… và mới đây nhất, các nông dân ở phía Bắc đang lâm cảnh túng quẫn khi su hào, củ cải đến mùa thu hoạch phải nhổ bỏ, cho bò ăn… vì giá bán còn “rẻ hơn cho”.
Người nông dân bị phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc dẫn đến tình trạng “được mùa ép giá”, bán ra với mức giá lỗ. Trong khi nông sản đến tay người tiêu dùng thì giá vẫn ở mức không hề rẻ bởi phải kênh qua quá nhiều loại thuế phí và khâu trung gian. Điều này dẫn đến một nghịch lý người mua không được mua sản phẩm với giá tốt, người bán thì bị ép giá phải bán lỗ.
Đáng nói, mặc dù giá rau trong nước đang giảm ở mức thấp kỷ lục, nhưng nhập khẩu rau từ các nước trong 2 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng mạnh. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau ước đạt 72 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng), tăng hơn gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2017. Tính riêng trong tháng 2, Việt Nam đã nhập khoảng 3.000 tấn rau từ Trung Quốc.
Điều này phơi bày một thực tế rằng các nhà làm chính sách và nông dân chưa có được tiếng nói chung trong quy hoạch tổng thể từ việc trồng cây gì, con gì cho đến việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân. Các thương lái Trung Quốc đã đánh trúng vào điểm yếu này qua đó khiến nhiều nông dân điêu đứng, ngậm ngùi đứng nhìn vườn cây con trái của mình phải đổ bỏ.
Hơn 4.000 năm qua đã chứng minh một thực tế rằng nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế cũng như văn hóa người Việt. Nếu không có những chính sách phù hợp, lấy nông nghiệp làm trọng thì chúng ta thực sự đang đánh mất một “đòn bẩy” quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Nợ công là một vấn đề nhức nhối của kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia không thể đáp ứng được tốc độ tăng chi tiêu của Chính phủ, đó là lúc nợ công đạt đến ngưỡng báo động, không đủ tiền để chi tiêu, Chính phủ buộc phải vay nợ bằng ngoại tệ lẫn nội tệ thông qua hình thức in thêm tiền, phát hành trái phiếu chính phủ.
Theo Báo cáo nợ công của Chính phủ, nợ công năm 2017 của Việt Nam lên đến 3,31 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP, tính bình quân, mỗi người Việt từ trẻ em mới sinh đến cụ già đều đang cõng trên lưng 33 triệu đồng tiền nợ công, cao gấp 1,4 – 3 lần quốc gia khác.
Trong năm 2017, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất huy động trên quy mô lớn, lãi suất có lúc vượt ngưỡng 9%/năm đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính. Cầu tiền của các ngân hàng hiện quá lớn đã phơi bày một thực tế là hệ thống tài chính vẫn đang gánh khoản nợ xấu khổng lồ nằm trong VAMC, các NHTM phải thực hiện nghĩa vụ trích lập dự phòng để bù đắp nợ xấu khiến dòng tiền bị thiếu hụt. Và khi mà mức tín nhiệm của các ngân hàng xuống thấp, họ không thể vay được qua thị trường liên ngân hàng, các NHTM buộc phải tăng lãi suất huy động để bổ sung nguồn vốn đang thiếu hụt.
Bên cạnh nợ công đang tăng cao, thì bội chi ngân sách cũng ở mức rất lớn bởi gánh nặng chi thường xuyên. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ trong 15 ngày đầu năm 2018, chi ngân sách âm hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Hai yếu tố trên tạo nên tác động kép tiêu cực lên bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ nợ công/GDP đạt xấp xỉ 65%, cao thứ hai ASEAN và chỉ sau Singapore. Nhưng Singapore sẽ không gặp rủi ro vì mức độ tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ nước này cao, trong khi với Việt Nam thì hoàn toàn trái lại. Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các quốc gia mới nổi hay đang phát triển, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 40% là tỷ lệ được đề xuất và tỷ lệ này không nên bị phá vỡ trong dài hạn.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, môi trường sống của người Việt cũng đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng sau thời kỳ đổi mới và các tỉnh đua nhau phát triển khu công nghiệp ồ ạt. Theo báo cáo về môi trường của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vào cuối tháng 11/2017, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các chỉ số đo mức độ ô nhiễm đều cao kinh ngạc tại hai trung tâm thương mại lớn của cả nước. Đặc biệt, không khí khu vực nội thành Hà Nội liên tục ở ngưỡng “báo động đỏ” khi chỉ số AQI đạt mức 153 – là trạng thái không khí bắt đầu có tác động tiêu cực tới sức khỏe của tất cả mọi người.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường còn là sự đánh đổi giữa việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thiếu kiểm soát, dẫn đến việc Formosa gây ô nhiễm nặng vùng biển miền Trung trải dài từ Thanh Hoá đế tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thu hút đầu tư FDI vốn là động lực thúc đẩy phát triển của nền kinh tế Việt Nam, song cần có những cơ chế sàng lọc các dự án FDI như ưu tiên các dự án “xanh”, ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời hạn chế các dự án gây ô nhiễm môi trường như nhà máy gang thép, xi măng, lọc hóa dầu.
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp trên cả nước còn chưa có hệ thống xử lý rác thải tối ưu, một số công ty còn xả thải trực tiếp ra môi trường.
Theo báo cáo về công tác bảo vệ môi trường của Chính phủ, trong số 584 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 13.200 ha, mới chỉ có khoảng 52 cụm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường. Có 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Môi trường sống bị đe dọa đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Theo báo cáo của Quốc hội, trung bình cứ mỗi nửa giờ lại có 4 người chết vì ung thư ở Việt Nam và tỷ lệ đó vẫn đang gia tăng không ngừng nghỉ.
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới, chúng ta không khỏi giật mình về những được và mất. Mang theo tất cả những điều này: nợ công của Chính phủ đang tiệm cận vùng nguy hiểm, nông nghiệp dễ bị tổn thương, trong khi công nghiệp chỉ để nhập khẩu rác thải công nghệ và máy móc lạc hậu dẫn đến hệ quả ô nhiễm môi trường sống trầm trọng – sẽ đưa Việt Nam về đâu trên chặng hành trình đổi mới tiếp theo?
Chân Hồ
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…