Sự sùng bái tăng trưởng (P3) – Kinh tế học coi sự mở rộng bất tận mới được xem là cao cả
- Liên Hương
- •
Hơn 70 năm qua các xã hội phát triển trên thế giới vẫn thường đứng “tô điểm” trước tấm gương và ngưỡng mộ về những gì mình trông thấy: sự tăng trưởng. Chiếc gương đó được gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nó đã trở thành tiêu chí căn bản để đánh giá xem chúng ta đẹp như thế nào, trên cả hai phương diện kinh tế lẫn xã hội.
- Sự sùng bái tăng trưởng (P1) – Sự thật ‘méo mó’ đằng sau ‘chiếc gương’ GDP
- Sự sùng bái tăng trưởng (P2) – Động lực của tăng trưởng là truy cầu vô tận
‘Nền kinh tế’ chính xác là gì?
Nếu tăng trưởng là một khái niệm còn tương đối mới đối với xã hội nhân loại, thì nền kinh tế thậm chí còn là khái niệm mới hơn. Trước khi phát minh ra GDP, thật khó xác định “nền kinh tế” là gì, ngay cả khi bạn muốn. Trước đó, nền kinh tế là khá tiết kiệm chi phí – điều mà nhà văn Jane Austen ám chỉ khi viết cho chị gái mình vào năm 1808: “Em sẽ ăn kem, uống rượu vang Pháp và đứng trên nền kinh tế thô bỉ.”
Ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với các khái niệm về nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế. Người ta có thể đi xa tới mức nói rằng nó thống trị cuộc sống của chúng ta. Nhưng những khái niệm này chính xác là gì?
Nếu các chuyên gia đã thiết kế một hệ thống mà không giúp chúng ta hiểu được thực tại cuộc sống của mình, thì các chính phủ cũng sẽ không có một thước đo đáng tin cậy để hiểu được xã hội. Và nếu những gì chúng ta đo lường là sai hoặc không đầy đủ, thì những gì chúng ta nhận được, về phương hướng và chính sách, cũng sẽ sai lầm và phiến diện.
Các chính phủ thường đưa ra các chính sách nhằm tối đa hóa các kết quả được đo lường. Trong nhiều thập kỷ, điều đó có nghĩa là tối đa hóa tăng trưởng.
Ở Anh, cựu Thủ tướng Tony Blair và David Cameron đều khởi xướng các dự án nhằm đo lường mức sống cũng như tăng trưởng kinh tế. Mặc dù những tham vọng đó đã biến mất trước công chúng, chúng đã bắt đầu thay đổi các cuộc tranh luận cũng như tác động đến cách mà các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về nền kinh tế.
Chẳng hạn, nước Anh đã dẫn đầu trong nỗ lực đánh giá các dịch vụ công cộng như y tế và giáo dục, vốn đã bị bỏ sót bởi các thước đo kinh tế thông thường.
Tại Pháp, ông Nicolas Sarkozy, một cựu Tổng thống cánh hữu, một người không phải nổi tiếng vì muốn thay thế các nền tảng của chủ nghĩa tư bản, đã thành lập Ủy ban về Đo lường Hiệu quả Kinh tế và Tiến bộ Xã hội. Trong lời tựa cho bản thảo cuối cùng, ông viết: “Chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi cách hành xử của mình trừ khi chúng ta thay đổi cách thức đo lường hiệu quả kinh tế.”
Các chuyên gia đã biết từ lâu rằng chúng ta đã không đo lường đúng đắn nền kinh tế của chúng ta, chứ đừng nói đến mức sống. “Chúng ta biết rằng các chỉ số của chúng ta có hạn chế, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục dùng chúng như thể chúng không sai… Chúng ta đã tạo nên một sự sùng bái số liệu, và giờ chúng ta bị đóng chặt trong nó”, ông Sarkozy nói.
Mối nguy hiểm đó, ông Sarkozy viết trong lời nói đầu, là điềm báo của những cuộc nổi dậy dân túy khắp thế giới, một thứ bản năng khi mọi người phát hiện ra rằng họ đã bị đánh lừa.
“Đó là cách chúng ta bắt đầu tạo nên khoảng cách bất đồng giữa một chuyên gia tự tin về kiến thức mình và những người dân thường sống cuộc sống khác hoàn toàn với câu chuyện được kể bởi số liệu. Khoảng cách này rất nguy hiểm bởi vì cuối cùng sẽ khiến người ta tin rằng mình bị lừa dối. Không gì phá hoại nền dân chủ hơn thế”, ông Sarkozy nói.
‘Đó chính là nền kinh tế, đồ ngớ ngẩn’
Chúng ta sống trong một xã hội mà một thầy tu kinh tế học được đào tạo bài bản để vận dụng các công thức toán học phức tạp, tạo ra khuôn khổ cho các cuộc tranh biện công khai.
Cuối cùng, chính các nhà kinh tế là người đã quyết định chúng ta có thể chi tiêu bao nhiêu cho trường học, thư viện công cộng, quân đội và tỷ lệ thất nghiệp bao nhiêu là chấp nhận được hoặc đúng hay sai khi in thêm tiền để cứu trợ các ngân hàng yếu kém.
Tranh biếm họa. (Nguồn: KAL)
Những cử tri ám chỉ khẩu hiệu “đó chính là nền kinh tế, đồ ngớ ngẩn” của Bill Clinton chỉ quan tâm đến tình trạng nền kinh tế. Vào thời điểm đó điều này chỉ đáng một chút xíu sự thật.
Mặc dù rất ít người có thể đưa ra định nghĩa chính xác về “nền kinh tế” thực sự là gì, nhưng nhiều người đã bỏ phiếu theo nhận thức của họ về cách thức hoạt động của nó. Điều đó có thể dựa trên kinh nghiệm cá nhân: liệu công việc của họ có được đảm bảo hay không và các khoản nợ thế chấp nhà của họ có khả năng chi trả được không. Tuy nhiên, hai quý liên tiếp với tăng trưởng âm – định nghĩa về sự suy thoái – có thể đủ để chôn vùi sự nghiệp của một chính trị gia.
Các cử tri đã bị “tấn công” bởi những khái niệm trừu tượng. Kể từ đó, có điều gì đó đã thay đổi. Sự phản đối ngược mà chúng ta đang chứng kiến gợi ý rằng mọi người đang muốn chấm dứt thời kỳ thống trị của các nhà kinh tế học và sự đại diện sai lầm của họ cho cuộc sống của chúng ta. Điều đó có thể rất tự do, và cũng có thể rất nguy hiểm.
Chúng ta không hề muốn những người không có chuyên môn xây cầu, lái máy bay hoặc phẫu thuật mở tim cho mình. Vậy chúng ta có muốn những người không phải là nhà kinh tế học điều khiển nền kinh tế của chúng ta?
‘Tăng trưởng kinh tế’ đã trở thành một loại ‘cuồng tín’
Vấn đề với các nhà kinh tế học là họ thường đòi hỏi một sự chính xác về tính khoa học, điều mà chính chuyên ngành của họ không thể có. Họ cũng nói bằng một thứ ngôn ngữ lạc điệu với trải nghiệm sống của mọi người.
Đó là lý do tại sao người dân cần hiểu được những nguyên tắc cơ bản về thứ ngôn ngữ của các nhà kinh tế, để có khả năng hiểu được những gì đang được nghe và yêu cầu thay đổi nếu cần.
Những người bảo vệ GDP cho rằng GDP không phải được tạo ra để phản ánh hạnh phúc. Chỉ trích nó thất bại trong việc đo lường mọi thứ quan trọng trong cuộc sống thì cũng giống như đổ lỗi cho một cái thước đo mà không thể cho chúng ta biết về cân nặng hay tính cách của một người. .
Đó là một sự phản đối hợp lý nếu “nền kinh tế” chỉ như một khái niệm thông thường khác, một trong nhiều cách thức mà chúng ta dùng để đo lường những gì chúng ta đang làm trong xã hội.
Tuy nhiên, vượt xa khái niệm thông thường, tăng trưởng kinh tế đã trở thành một loại “cuồng tín”, nó đại diện cho mọi thứ mà chúng ta quan tâm, một loại điện thờ mà chúng ta sẵn sàng hiến dâng tất cả vì nó.
Đuổi theo tăng trưởng, chúng ta được cho biết rằng chúng ta có thể phải làm việc trong nhiều giờ hơn, cắt giảm các dịch vụ công, chấp nhận bất công tăng lên, từ bỏ quyền riêng tư và để cho các nhà ngân hàng “tạo ra sự giàu có” thoải mái không bị kiểm soát.
Nếu các nhà môi trường nhận định đúng, việc theo đuổi tăng trưởng vô hạn thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại, tàn phá sự đa dạng sinh học của chúng ta và đẩy chúng ta đến mức tiêu dùng vô tội vạ và phát thải nhiều khí CO2, những thứ khiến cho hành tinh của chúng ta, vốn là nơi mang đến sự giàu có cho chúng ta, bị hủy hoại.
Chỉ trong kinh tế học thì sự mở rộng bất tận mới được xem là cao cả. Trong sinh vật học nó được gọi là ung thư.
Dẫn dắt bạn hiểu được một cách nhẹ nhàng các khía cạnh kỹ thuật của GDP là một trong những mục đích của các chương sách này. Các giải pháp thay thế tiềm tàng cũng sẽ được bóc tách như vậy, dù không cái nào là hoàn hảo – từ đo lường sự giàu có, bình đẳng và bền vững cho đến các chỉ số ‘giàu có khách quan’ (hạnh phúc đối với cả bạn và tôi).
Mục đích của cuốn sách này không phải là tuyên chiến với “tăng trưởng”, như cách nhiều người có thể đang hiểu lầm về nó, mà là chỉ ra điều gì là sai với phép đo tăng trưởng của chúng ta với hy vọng rằng chúng ta có thể thoát khỏi sự tôn thờ nó.
Cách mà chúng ta đo lường nền kinh tế có logic của nó, dù nó ngày càng trở nên kém logic hơn khi chúng ta chuyển đối từ sản xuất sang dịch vụ và từ kỹ thuật tương tự sang kỹ thuật số. Nhưng đó là một cách đo lường rất hạn hẹp, chỉ giống như nhìn thế giới qua khe cửa sổ. Chúng ta cần mở rộng tầm nhìn của mình để hình ảnh mà chúng ta có được phản ánh cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn.
Thực tế méo mó qua lăng kính kinh tế học
Cuốn sách này xuất hiện bởi vì, sau 20 năm làm công việc báo cáo cho Financial Times từ khắp năm châu, tôi đã đi đến kết luận rằng thói quen nhìn mọi thứ của chúng ta qua lăng kính tăng trưởng kinh tế đã làm méo mó quan điểm của chúng ta về điều gì là quan trọng nhất. Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã được học để làm như vậy.
Trong thời đầu khi đưa tin từ Mỹ Latin trong những năm 1990, tôi đã dạy cho mình cách để so sánh từng con số đối với GDP và nhắc đến nó trong hầu hết các bài báo – để làm tăng sức nặng cho phân tích. Tôi không dành quá nhiều thời gian để nghĩ xem GDP chính xác là cái gì hoặc nó có ý nghĩa gì.
Chỉ đến những năm sau đó, tôi mới bắt đầu nghĩ về nó. Một nhân tố ảnh hưởng là trải nghiệm của tôi ở Nhật Bản vào giữa những năm 2000, khi tôi đưa tin về một đất nước mà kinh tế của họ, theo cách hiểu thông thường, là đã bị đình trệ. Nhật Bản thường xuyên được coi là một trường hợp bế tắc và không có khả năng thoát khỏi sự trì trệ. Nhưng tôi cảm thấy những nhận xét này đều không đúng. Chắc chắn là Nhật Bản có những vấn đề của nó, và sự thật rằng nền kinh tế thần kỳ từng khiến thế giới phải kinh ngạc trong những năm 1980, đã chạy hết nhiên liệu.
Tuy nhiên, sự khốn cùng của Nhật Bản – theo cách đo lường GDP danh nghĩa – thực sự là một nhận định sai lầm. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, giá cả ổn định hoặc giảm và mức sống của hầu hết người dân đang tăng lên. Các cộng đồng rất lành mạnh, đặc biệt so với Mỹ, Anh và Pháp. Tỷ lệ tội phạm thấp, ma túy gần như không tồn tại, chất lượng thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng đẳng cấp thế giới, sức khỏe và tuổi thọ thuộc trong số các nước cao nhất thế giới.
Thế nhưng, qua lăng kính kinh tế học, Nhật Bản là một sự thất bại. Các nhân tố kinh tế có thể đưa ra một cái nhìn méo mó về thế giới. Vì vậy, rất nhiều điều quan trọng với chúng ta, từ không khí sạch cho đến đường phố an toàn và từ công việc ổn định đến tâm trí an định, đều nằm ngoài tầm nhìn của kinh tế.
Tất nhiên, chúng ta có thể chỉ việc phủi tay và để người khác lo nghĩ về định nghĩa chính xác của tăng trưởng kinh tế là gì. Nhưng điều đó có nghĩa là tự rút lui khỏi các cuộc tranh biện. Nó có nghĩa là để lại mọi vấn đề trong cuộc sống cho các chuyên gia tự phong. Và hãy xem điều đó đã dẫn chúng ta đến đâu.
Trong cuốn sách này, trừ những chỗ được tuyên bố cụ thể, các thuật ngữ “Nền kinh tế” và “GDP” có thể hoán đổi cho nhau vì chúng ta xác định nền kinh tế đo bằng kích cỡ GDP. “Nền kinh tế” đôi khi cũng xuất hiện như là “thu nhập quốc dân”. Tăng trưởng GDP đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế.
Trích từ cuốn “Ảo Tưởng Tăng Trưởng” (The Growth Delusion) của tác giả David Pilling,
Liên Hương biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Tăng trưởng kinh tế kinh tế học Hạn chế của GDP mặt trái của tăng trưởng sùng bái tăng trưởng