Năm 2017, giá các loại tiền ảo đều tăng mạnh, trong đó đồng Bitcoin tăng hơn 1.600%. Rất nhiều người không thể lý giải được Bitcoin là gì và tại sao nó lại tăng giá đến chóng mặt như vậy. Cơn sốt Bitcoin đã lan đến nhiều nơi và giới đầu tư đã vào cuộc, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ Bitcoin. Câu hỏi đạt ra là liệu khi nào cơn sốt tăng giá Bitcoin sẽ kết thúc và liệu rằng có xảy ra một sự đổ vỡ bong bóng Bitcoin trong năm 2018?
Bitcoin hay tiền số, về bản chất là một cuốn sổ cái điện tử lưu thông tin về số tài khoản và số Bitcoin mà mỗi người nắm giữ. Bất kỳ ai có tài khoản Bitcoin cũng có thể lưu giữ cuốn sổ cái này và họ có thể dễ dàng thực hiện chuyển tiền sang tài khoản của những người khác mà không cần đến sự vận hành của một ngân hàng trung ương, không lo lắng về tỷ giá hay sự giới hạn của biên giới quốc gia. Tức là một người ở Mỹ có thể chuyển tiền “Bitcoin” cho một người ở Việt Nam mà không cần phải đến ngân hàng và xuất trình các giấy tờ hợp pháp, cũng không cần phải đợi mất vài ngày để tiền có thể đến nơi.
Để đảm bảo số cái này không bị sửa chữa hay tài khoản của ai đó tự tiện bị thay đổi, mỗi chủ tài khoản đều có một mã cá nhân bí mật. Khi một giao dịch được thực hiện, cần có những người tham gia giải mật mã bí mật này thông qua một thuật toán để xác nhận giao dịch đó là có thật. Quá trình giải mật này gọi là “đào Bitcoin”. Sau khi thuật toán được giải xong, sổ cái này sẽ được cập nhật lại toàn bộ thông tin. Các giao dịch trên sổ cái được công khai cho tất cả mọi người. Những người đào Bitcoin thực chất là những người giúp xác nhận các giao dịch giữa các chủ tài khoản, hay còn gọi là những người giúp duy trì sổ cái. Họ được trả Bitcoin cho mỗi lần đào. Để tham gia đào Bitcoin thì thợ đào cần phải có máy tính có phần mềm để đào Bitcoin. Điện năng để duy trì các máy đào này là rất lớn. Và những người đào Bitcoin này, thực chất có chức năng tương tự như những công nhân làm việc cho nhà máy in tiền hay những công nhân khai thác hoặc chế tác vàng.
Với cơ chế hoạt động này, Bitcoin tương tự một hình thức thanh toán bằng điện tử, là một sự tiến bộ trong công nghệ tài chính. Giống như hiện nay, các giao dịch thanh toán tiền tệ (USD, EUR,…) cũng được thực hiện nhờ hệ thống điện tử. Còn đối với tiền ảo, người ta không cần đến những loại tiền tệ cụ thể nào.
Nếu chỉ có vậy thì có lẽ không có gì nhiều đáng để bàn. Nhưng Bitcoin, nhờ những tiện ích của nó trong thanh toán đã khiến nhiều người ngày càng muốn thực hiện thanh toán bằng Bitcoin và được thị trường định giá. Trong năm 2017, giá Bitcoin tăng chóng mặt dù giá trị thị trường của tiền ảo hiện chỉ vào khoảng 600 tỷ USD, một con số khá nhỏ. Nhờ vào chơi tiền ảo, nhiều người đã trở thành triệu phú tỷ phú, dường như sự ưa thích tiền ảo chưa dừng lại và vẫn còn phát triển mạnh.
Bitcoin vừa được định giá thông qua đồng Đô-la với giá ngày càng tăng, lại vừa có thể được dùng như một đơn vị thanh toán hay phương tiện thanh toán. Tiền ảo như Bitcoin khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi là Bitcoin là tiền tệ hay là vàng? Và cũng nhiều người lại xem nó như là sự đầu cơ hay trò lừa bịp. Trong lúc dư luận còn chưa ngã ngũ thì Tháng 12/2017 vừa qua, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) đã cho phép Bitcoin được giao dịch trên sàn tương lai CBOE và CME. Theo chủ tịch CFTC – ông Christopher Giancarlo thì: “Bitcoin, một loại tiền ảo, là một loại hàng hóa (commodity) không giống bất kỳ loại hàng hóa nào mà Ủy ban đã cho phép giao dịch trước đây.” Vì vậy ông cũng lưu ý rằng: “Cần có những thảo luận sâu hơn với các sàn giao dịch liên quan đến các hợp đồng đã được soạn thảo và CME, CFE và Cantor đã đồng ý để có những biện pháp bảo vệ khách hàng và duy trì ổn định thị trường.”
Ngoài CFTC ra, chưa có quốc gia nào cho phép giao dịch trên thị trường tài chính phái sinh mặc dù Bitcoin đã được chấp nhận thanh toán khi mua hàng tại một số quốc gia. Đối với các nhà ngân hàng tiền ảo vẫn còn khá mới mẻ. Đa số các nhà quản lý chỉ có thể cảnh báo người dân về những tiềm ẩn có thể phát sinh đối với tiền ảo. Tuy nhiên một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam hay Maroc lại có xu hướng bảo thủ hơn khi đưa ra lệnh cấm.
Thống đốc ngân hàng Dự trữ Úc Philipp Law cho rằng: “Nếu chỉ đơn thuần là phương tiện thanh toán, nó có vẻ thu hút những người muốn thực hiện các giao dịch trong nền kinh tế ngầm hoặc bất hợp pháp hơn là các giao dịch thông thường. Vì vậy sự thích thú hiện nay với những đồng tiền này có vẻ như là do yếu tố đầu cơ hơn là tiện ích thanh toán.” Theo ông, giá đồng Bitcoin rất biến động, số lượng các giao dịch còn thấp với chi phí điện năng tiêu thụ lớn và không được sử rụng rộng rãi như các hình thức thanh toán thông thường hiện nay.
Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tục cảnh báo về rủi ro đầu tư vào tiền ảo. Phó Thống đốc Vitor Constancio phát biểu vào tháng 9/2017 rằng Bitcoin không phải là tiền tệ mà là một loại hoa tulip – bong bóng tài sản vào thế kỷ 17 ở Hà Lan. Trong khi đó Randal Quarles – Phó chủ tịch giám sát của Fed nói rằng Fed chưa có chính sách về tiền ảo nhưng đây chắc chắn là vấn đề đáng để suy nghĩ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Nga cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro tiềm tàng của tiền số, Thống đốc Elvira Nabiullia phát biểu: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối tiền tư nhân, dù nó dưới dạng ảo hay thực.”
Tại Trung Quốc nơi có số lượng máy đào Bitcoin lớn nhất trên thế giới nhờ vào giá điện rẻ, chính phủ nước này tuyên bố cấm các giao dịch Bitcoin.
Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại nước này.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Maroc cũng tỏ thái độ cứng rắn khi cho rằng Bitcoin là sự vi phạm luật pháp.
Tuy nhiên cũng có những quốc gia đã nhanh chân nghiên cứu về tiền ảo. Ngân hàng trung ương Hà Lan đi đầu trong vấn đề này. Hai năm trước, ngân hàng này đã tạo ra loại tiền ảo lưu thông trong nội bộ gọi là DNBcoin, nhằm mục đích để hiểu hơn về cơ chế hoạt động của nó. Ông Ron Berndsen, người chịu trách nhiệm về dự án nói công nghệ blockchain có thể được ứng dụng trong thanh toán các giao dịch tài chính phức tạp.
Dự đoán tương lai là một điều vô cùng khó. Liệu một ngày nào đó những đồng tiền ảo như Bitcoin có thể thay thế các loại tiền tệ trên thế giới để trở thành một công cụ thanh toán hữu hiệu hay không?
Có lẽ công nghệ blockchain trong việc tạo ra tiền ảo sẽ được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, một khi các nhà quản lý để mắt tới sự phát triển này, có thể sẽ có thêm nhiều luật lệ được ban hành. Bởi vì tiền ảo dù có rất nhiều ưu điểm nhưng nó cũng đi kèm những rủi ro. Chẳng hạn như mã cá nhân phải được cất giữ rất bí mật nếu không nó có thể bị đánh cắp trên internet và một khi mã này bị mất đi thì tiền ảo của bạn sẽ không cánh mà bay. Hoặc những giao dịch tiền ảo có thể bị giới rửa tiền hoặc thế giới ngầm lợi dụng. Và với sự phát triển không ngừng của công nghệ, có thể công nghệ blockchain này sẽ bị thay thế bởi công nghệ khác hoặc có thể bị hack, bị tấn công khiến cho toàn bộ hệ dữ liệu và tài khoản của khách hàng biến mất…
Mặc cho những nghi ngại xung quanh tính bảo mật và hợp pháp của Bitcoin, ngày càng có nhiều “nhà đầu tư” tham gia đầu tư vào Bitcoin với hy vọng không bỏ lỡ cơ hội làm giàu nhanh chóng. Và liệu rằng trong năm 2018, giá Bitcoin sẽ tiếp tục gia tăng chóng mặt như năm 2017, hay nó sẽ đạt đỉnh điểm và bắt đầu “xì hơi” để khơi mào cho một chu kỳ khủng hoảng tài chính trên quy mô lớn. Cùng chờ đợi câu trả lời trong thời gian sắp tới.
Liên Hương
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…