Hai hãng ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota và Honda tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2018 do Nghị định 116 thắt chặt kiểm tra đối với xe nhập khẩu.
Thông tin từ Nikkei Asian Review cho hay hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản là Toyota Motor và Honda Motor vừa quyết định ngừng việc xuất khẩu xe sang Việt Nam từ năm 2018 do ảnh hưởng bởi Nghị định 116/2017 của Chính phủ Việt Nam về điều kiện sản xuất, lắp rắp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Trước đó vào ngày 17/10/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP liên quan đến các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Điều đáng nói là Nghị định được ban hành có hiệu lực tức thời và ngay trước thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm từ mức 30% về mức 0% từ ngày 1/1/2018.
Nghị định 116 được ban hành một cách nhanh chóng được xem là một nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế “cánh cửa mở” của nhập khẩu ô tô và có lợi đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động đầu tư, sản xuất ô tô tại thị trường này. Trên thực tế, việc thực hiện giảm thuế suất của Việt Nam đã chậm hơn 2 năm so với các nước khác trong khối ASEAN.
Ngay tại thời điểm ban hành, cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu kinh doanh ô tô đều lên tiếng phản đối vì những quy định ngặt nghèo khiến cho ô tô nhập khẩu khó tràn vào Việt Nam, cho dù thuế nhập khẩu có về 0% vào năm 2018.
Cụ thể, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Đại sứ quán Nhật Bản đã đồng loạt kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để bày tỏ quan ngại đối với Nghị định 116/2017. Trong thư gửi Bộ Công Thương, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng các quy định mới được ban hành trong Nghị định 116 có thể vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng giữa sản phẩm của nhà cung cấp nước ngoài và sản xuất trong nước.
Phía Toyota cho biết hãng đã ngừng việc xuất khẩu ô tô sang thị trường Việt Nam. Hiện lượng xe Toyota xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản vẫn đáp ứng nguồn cung khoảng 20% cho thị trường Việt.
Chủ tịch Toyota Thái Lan, ông Michinobu Sugata phát biểu với báo chí: “Chúng tôi chờ đợi một bước nhảy vọt trong năm 2018 nhưng rào cản phi thuế quan mà Chính phủ Việt Nam đưa ra khiến chúng tôi không thể xuất khẩu xe sang thị trường này”.
Hàng rào phi thuế quan mà ông Sugata đề cập là Nghị định 116, trong đó nổi bật là yêu cầu về các bài kiểm tra khí thải và an toàn kỹ thuật (phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của nước sản xuất, phải có đường thử chuyên dụng, phải kiểm từng lô thay vì chứng nhận theo chủng loại…). Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), một bài kiểm tra khí thải có thể mất tới hai tháng và tốn 10.000 USD, yêu cầu này sẽ gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc. Trước đây, chỉ có lô hàng nhập khẩu đầu tiên của mỗi chủng loại phải thực hiện yêu cầu kiểm định.
Về phía Honda Motor, hãng đã phải chuyển sản xuất CR-V, dòng xe SUV chủ đạo của mình, từ thị trường Việt Nam sang Thái Lan vào tháng 1. Trước đó, linh kiện nhập từ Thái Lan được lắp ráp và hoàn thiện tại Việt Nam vì Honda cho rằng có thể dùng lợi thế mức thuế nhập khẩu bằng 0% để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, việc sản xuất những chiếc xe cũng bị đình chỉ, khiến kế hoạch nhập khẩu 10.000 chiếc CR-V năm 2018 (tương đương tăng 70% lượng sản xuất ở Việt Nam vào năm 2017) đã phá sản. “Công ty đã nhận được khoảng 200 đơn hàng cho mẫu SUV mới, nhưng những chiếc xe khó lòng được giao trước tháng 4”, Nikkei dẫn lời một chủ đại lý Honda tại Hà Nội.
Mitsubishi Motor cũng phải ngừng sản xuất dòng xe thể thao SUV Pajero cho thị trường Việt Nam tại Thái Lan. Ford Thái Lan cũng bày tỏ lo ngại với báo giới trong nước về nghị định mới của Việt Nam khi kiểm tra hàng hóa xuất khẩu.
Trước đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng và cho rằng những quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ô tô sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí, giá ô tô sẽ khó giảm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. VAMA kiến nghị Chính phủ tạm hoãn Nghị định này ít nhất trong vòng 6 tháng và chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Nghị định số 116/2017/NĐ-CP: Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô: Khoản 2 Điều 6 Chương I quy định đối với ô tô nhập khẩu: a) Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu – Khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các giấy tờ sau: Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; – Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định. Trường hợp mẫu ô tô được kiểm tra, thử nghiệm không đáp ứng các quy định về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật thì doanh nghiệp nhập khẩu phải tái xuất toàn bộ ô tô thuộc cùng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu đó; – Ô tô nhập khẩu có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới thì thực hiện theo thỏa thuận. b) Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu – Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải là ô tô đã đăng ký lưu hành tại các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam; – Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định; – Khi tiến hành thủ tục kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. |
Chân Hồ
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…