IPO Lọc hóa dầu Dung Quất, ngân sách thu về 5.576 tỷ đồng
- Chân Hồ
- •
Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 242 triệu cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã diễn ra thành công với mức giá trúng thầu trung bình là 23.043 đồng/cp, dự kiến giúp Nhà nước thu về hơn 5.576 tỷ đồng.
Ngày 17/1/2018, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR Quảng Ngãi) – đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.
Tổng khối lượng cổ phần đăng ký trong đợt IPO lần này lên đến gần 652 triệu cổ phần – gấp 2,7 lần lượng chào bán, trong đó lượng đặt mua của nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 248 triệu cổ phần, của tổ chức nước ngoài là hơn 338 triệu cổ phần. Đáng chú ý, có nhà đầu tư đặt mua với mức giá cao khó tin lên đến 14,8 triệu đồng/cp, trong khi mức giá khởi điểm chỉ vào khoảng 14.600 đồng/cp. Tuy nhiên, mức đấu giá thành công bình quân là 23.043 đồng/cp, với giá trúng thầu thấp nhất là 20.800 đồng. Dự kiến, Nhà nước sẽ thu về hơn 5.576 tỷ đồng sau đợt IPO này của Công ty BSR.
Được Bộ Công Thương định giá 3,2 tỷ USD, BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa. Đây cũng là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, cung cấp khoảng 1/3 lượng xăng dầu trong nước.
Theo kế hoạch, sau đợt đấu giá này, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần, tương đương 1,5 tỷ USD, dự kiến sẽ thu về cho ngân sách gần 1 tỷ USD. Nhà nước nắm giữ 43% cổ phần còn lại.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 2/2009 với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ của Việt Nam, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sau gần 9 năm đi vào hoạt động, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862.500 tỷ đồng (gần 38 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143.100 tỷ đồng (gần 7 tỷ USD).
Hiệu quả kinh tế của nhà máy là vấn đề luôn được nhắc tới kể từ khi đi vào vận hành đến nay bởi mặc dù nhận được hàng loạt ưu đãi nhưng nhà máy vẫn thua lỗ lớn.
Từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành nhiều ưu đãi cho dự án: thời gian khấu hao dự án là 20 năm (dài hơn thời gian 15 năm nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%. Dự án còn được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo thống kê, tính chung từ năm 2010-2014, nhà máy lọc dầu Dung Quất lỗ trên 1.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ ưu đãi và trợ giá bằng thuế ra khỏi giá sản phẩm thì trong thời gian này, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỷ đồng.
Câu hỏi về hiệu quả kinh tế của nhà máy Dung Quất tiếp tục được đặt ra khi giữa năm 2015, dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thông qua với vốn đầu tư 1,82 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nâng công suất chế biến dầu thô từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 30%, vốn vay tối thiểu chiếm 70%, tức phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho nhà máy này sẽ tăng từ trên 3 tỷ USD lên tới gần 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2017, việc thu xếp vốn cho dự án vẫn bế tắc do phần vốn vay rất lớn. Để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án, Petro Vietnam cho rằng cần thiết phải có cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.
Theo đó, cùng với việc tiếp cận các ngân hàng, tổ chức vay vốn để đề xuất, tìm kiếm khả năng tài trợ vốn, Petro Vietnam và BSR làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho dự án.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nhà máy lọc dầu Dung Quất