Phục hồi kinh tế TP.HCM: Cần hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho NLĐ; bớt chế tài cực đoan

Số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là trên 1 triệu người, chiếm 41,2% trong gần 2,5 triệu lao động tham gia BHXH – PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật cho hay, đề xuất Chính phủ và TP.HCM cần các gói hỗ trợ khả thi khi việc làm suy giảm, doanh nghiệp kiệt quệ. Theo TS Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, việc gãy đổ kinh tế tại TP.HCM không phải do thị trường gãy mà do phòng chống COVID-19 gây ra, cần mở ra để nền kinh tế tự phục hồi… 

Các ý kiến trên vừa được một số chuyên gia các lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội đưa ra tại hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 16/10 để lấy tham vấn.

Ông Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật, tại hội thảo sáng 16/10, TP.HCM. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

TP.HCM cần chấp nhận số ca tăng trong tầm kiểm soát

Với tỷ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa và 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM) cho rằng “TP.HCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần”, có thể chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng miễn là trong tầm kiểm soát.

Do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn, theo ông Dũng, người dân vẫn cần thực hiện 5K, vẫn phải có quy định phòng ngừa dịch tại các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, cần có chiến lược xét nghiệm, có mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó.

“TP.HCM có thể chấp nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát; đồng thời, không cần thiết cách ly người F1 nếu họ đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin” – ông Dũng đề xuất, đồng thời cho hay số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng.

“Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, ông Dũng nói.

Dẫn chứng từ Singapore, ông Dũng cho biết quốc gia này đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc-xin là 85%. Tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cách thì số ca mắc tăng lại, khiến Chính phủ Singapore phần nào e dè và trì hoãn mở cửa. Theo ông Dũng, không chỉ Singapore mà các quốc gia thực hiện tốt chính sách Zero Covid trong quá khứ đều gặp khó khăn khi nới lỏng. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu hay TP.HCM từng bị dịch bệnh hoành hành sẽ có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn.

Đưa ra ý kiến tương đồng, TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright) cho hay vấn đề các nước có độ phủ vắc-xin mũi 2 cao phải đối mặt là khi mở cửa tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại. Ông Thành cho rằng vắc-xin sẽ khiến tỷ lệ người nhiễm chuyển nặng và tử vong được kiểm soát ở mức thấp, theo đó, các nền kinh tế đã mở cửa đều thực hiện chính sách không tái giãn cách xã hội trên diện rộng, ngay cả khi số ca nhiễm bùng phát.

Theo ông Thành, từ kinh nghiệm quốc tế, những nơi không may mắn bị dịch tác động, đã trải qua điều tệ nhất sẽ trở thành nơi đầu tiên mở cửa phục hồi.

Để phục hồi kinh tế, không thể dùng cơ chế , tư duy hiện nay

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật nhận định dịch COVID-19 bùng phát lần 4 “đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu”.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng ở tất cả các ngành của TP.HCM đạt 5,46% – tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng theo giá hiện hành, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tháng 7/2021 ghi nhận tổn thương nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ (vốn chiếm lần lượt xấp xỉ 25% và 62% GRDP của TP). Tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8/2021 khi doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường; ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7. Nghiêm trọng nhất ở sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, dệt, sản xuất da.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tổn thất xấp xỉ 1 tỷ USD trong tháng 7 và 3,63 tỷ USD trong tháng 8/2021.

Trong tháng 9/2021, mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành nhưng quy mô nền kinh tế đang vận hành chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020.

“Tốc độ ban hành chính sách chậm gây tổn thất không thua kém tác động của COVID-19. Phục hồi kinh tế thì không thể dựa trên cấu trúc hiện nay, mà bắt buộc phải dựa trên nền tảng của mô hình mới, cấu trúc mới, tư duy mới” – PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Trường đại học Kinh tế – Luật). 

Một vấn đề đáng lo khác là tổn thương của nhóm lao động. Dẫn nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế – Luật, ông Khánh cho hay trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5-9/2021 đã có 338.730 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 665.946 lao động nghỉ không hưởng lương. Theo đó, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là trên 1 triệu người, chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia BHXH.

Doanh nghiệp không suy kiệt đơn lẻ. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn còn gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian. Nguyên liệu thiếu hụt và tăng giá trong khi tiền lương, chi phí sản xuất gia tăng theo yêu cầu 5K, 3T và/hoặc phải ngưng hoạt động, hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài khiến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính.

“Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn” – nhóm nghiên cứu dự báo.

Gợi ý về các chính sách để hồi phục kinh tế của TP.HCM, ông Khánh cho hay với nguyên tắc tuân thủ mục tiêu tối thượng là đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ, chính sách tiền tệ được sử dụng hạn chế trong việc thiết kế chính sách phục hồi kinh tế do COVID-19.

Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư trong ngắn hạn nhưng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, theo ông Khánh, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều.

Ông Khánh gợi ý Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14/2021/TT-NHNN để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Về chính sách tài khoá, ông Khánh cho rằng ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, mức rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn. Do đó, ông Khánh đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP, được xác định là “con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam”.

Riêng TP.HCM, ông Khánh khuyến nghị cần sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói tức thời và gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn như tái phân bổ chi ngân sách, kiến nghị ngân sách trung ương cấp bổ sung, phát hành trái phiếu đô thị, chuyển nhượng tài sản công…

TP cần tái tạo việc làm, vì tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm qua; giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng lại số lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP (qua chương trình nhà ở giá hợp lý, bao gồm cả sở hữu, thuê tài chính, thuê dài hạn, ngắn hạn…).

“TP.HCM cần sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022 chia làm hai giai đoạn: đến 12/2021 và quý 1/2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP của TP”, ông Khánh đề xuất.

Ngoài ra, để phục hồi kinh tế, ông Khánh còn đề xuất từng bước chuyển đổi mô hình chợ truyền thống; mở rộng chương trình hỗ trợ lãi suất hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày…), logistics trong giai đoạn hồi phục kinh tế để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn chi phí thấp, kích thích đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu. Ước tính quy mô hỗ trợ lãi suất khoảng 800 tỷ đồng/năm.

Nhà nước cần mở để kinh tế phục hồi

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng việc gãy đổ kinh tế tại TP.HCM không phải do thị trường gãy mà do phòng chống COVID-19 đã gây ra nên khi Nhà nước mở chỗ nào thì chỗ đó phục hồi tự nhiên theo kinh tế thị trường. Việc phục hồi kinh tế không chỉ là vấn đề của riêng TP mà là vấn đề chung của quốc gia, trước hết là vấn đề của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long…

Ông Lịch khuyến nghị 3 tiêu chí để TP khoanh vùng hỗ trợ doanh nghiệp: đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của TP, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.

“Trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 62% và khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 25%. Trong đó 4 ngành công nghiệp chủ lực chiếm khoảng 10% (cơ khí; chế biến thực phẩm; điện tử – viễn thông và hóa chất) và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực chiếm khoảng 56% (thương mại; vận tải – kho bãi – cảng; kinh doanh bất động sản; tài chính – ngân hàng, bảo hiểm; khoa học – công nghệ; du lịch – khách sạn – nhà hàng; giáo dục; y tế và công nghệ thông tin – truyền thông)”, ông Lịch cho hay.

Dựa trên các tiêu chí này, ông Lịch đề nghị lựa chọn 4 nhóm công nghiệp chủ lực (trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu); ngành xây dựng; kinh doanh bất động sản; ngành du lịch (gồm lưu trú, lữ hành, vận chuyển và các dịch vụ có liên quan) và thương mại (nội địa và xuất – nhập khẩu) để hỗ trợ.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Nguyễn Minh

Published by
Nguyễn Minh

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

2 giây ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

16 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

26 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

30 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

53 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago