Là một quốc gia xuất khẩu dầu thô và đầu tư hai nhà máy lọc dầu nhưng đến nay Việt Nam chỉ có dự trữ xăng dầu tiêu thụ gần 7 ngày và trong tư thế phải nhập khẩu xăng thành phẩm với chi phí cao. Để khắc phục vấn đề, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đề xuất xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ xăng dầu lên tới 18,5 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tập đoàn PVN vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nguyên nhân đầu tư được PVN đưa ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm lọc hóa dầu lớn nhất là miền Nam chiếm 45% nhưng chưa có nhà máy lọc dầu nào được xây dựng.
Hiện nguồn cung xăng dầu và sản phẩm hóa dầu cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam được vận chuyển từ hai nhà máy lọc dầu và từ nguồn nhập khẩu với chi phí cao.
Bên cạnh đó, PVN tính toán Việt Nam sẽ thiếu khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu mỗi năm cho tiêu dùng trong nước vào năm 2030, và con số này tăng lên 49 triệu tấn vào năm 2045.
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước hiện khoảng 18 triệu tấn mỗi năm và sẽ tăng lên 25 triệu tấn vào 2025 và 33 triệu tấn vào 2030.
Tuy vậy, sản lượng từ cả hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đạt 12,2 triệu tấn một năm và khoảng 13,5 triệu tấn vào 2025 (sau khi tăng công suất) cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Trong 3 – 7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 7,2 – 12 triệu tấn. Giai đoạn sau đó tỷ lệ thiếu hụt mỗi năm sẽ tăng bình quân 3-6%.
Theo phương án dự kiến, tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ tùy thuộc vào quy mô công suất tổ hợp.
Quy mô công suất của tổ hợp đối với dự án lọc dầu dự kiến được chia làm hai giai đoạn, với tổng công suất là 24 – 26 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án kho dự trữ quốc gia, sản phẩm xăng dầu công suất 1 triệu tấn/năm với dầu thô và 500.000 m3/năm với sản phẩm xăng dầu.
PVN cho hay giai đoạn 1 sẽ cần vốn từ 12,5 – 13,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là gần 5 tỷ USD. Như vậy, tổng cho cả hai giai đoạn là khoảng 18,5 tỷ USD.
Theo báo cáo về quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn dầu thô ra nước ngoài và thu về hơn 1,07 triệu USD.
Năm 2021, Việt Nam khai thác gần 11 triệu tấn dầu thô, trong đó 9,1 triệu tấn từ các mỏ trong nước và gần 1,9 triệu tấn khai thác từ các mỏ nước ngoài mà PVN hợp tác, đầu tư. Trong 6 năm qua, sản lượng khai thác trong nước tính bình quân mỗi năm sản lượng giảm một triệu tấn.
Theo báo Vnexpress, hai phần ba lượng dầu thô khai thác trong nước dành để cung ứng tại thị trường nội địa, cho nhà máy lọc dầu Dung Quất – đơn vị có công suất thiết kế sản xuất 6,5 triệu tấn/năm. Phần còn lại được xuất bán.
Năm ngoái, Việt Nam xuất đi 3,1 triệu tấn dầu thô, nhưng cũng nhập về 9,9 triệu tấn để lọc. Với sản lượng dầu thô nhập về, chủ yếu cũng sử dụng cho hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, trong đó nhà máy Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu.
Điều này cũng lý giải vì sao từ năm 2018, thời điểm nhà máy này vận hành thương mại, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam hằng năm tăng hơn gấp đôi.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…