Tại sao giá bán lẻ thực phẩm của Việt Nam quá đắt?

Chi phí mặt bằng kinh doanh chiếm tới 30-40% giá bán hàng và không còn một người bán lẻ nào có thể sử dụng mặt bằng kinh doanh miễn phí của thành phố. Điều này lý giải phần nào giá thực phẩm tăng cao trong những ngày gần đây.

Cầm 100 ngàn đồng đi chợ, chị Hương chỉ có thể đủ tiền làm một món ăn đơn giản, canh khoai sọ và sườn cho 4 người ăn tươi cuối tuần. Rau củ đều tăng giá, thịt lợn tại khu chợ nội đô này vẫn giữ giá dù thịt lợn hơi xuất chuồng đã giảm gần một nửa. Hai tháng vừa qua, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè thành phố đã tác động đáng kể tới thị trường các mặt hàng thiết yếu.

Dọn vỉa hè tác động tới mạng lưới, phương thức và giá cung ứng hàng hóa thực phẩm hàng ngày cho nội đô

Chợ vỉa hè đóng một vai trò đáng kể trong mạng lưới cung ứng thực phẩm của thành phố. Từ 2-3 giờ sáng, trên các tuyến đường vào nội đô, người ta đã nhìn thấy những chiếc xe chở đầy rau quả, thực phẩm tươi sống hối hả tiến về thành phố. Khoảng 4-5 giờ sáng, các địa điểm bán buôn tại nhiều tuyến phố đã hoạt động. Tại đây, hàng hóa nhanh chóng được chia nhỏ để bán lại cho các tiểu thương, các gánh hàng rong, những người giao hàng cho các bếp ăn trường học, cơ quan, nhà hàng…

Khi giao thông thành phố tấp nập lên thì cũng là lúc các điểm tập kết trung chuyển này được dọn dẹp sạch sẽ. Công việc còn lại của các gánh hàng rong, những người giao hàng tiếp tục tỏa tới mọi ngóc ngách trong thành phố để tiêu thụ hàng hóa cho những người tiêu dùng cuối cùng. 

Tham gia vào mạng lưới phân phối là những người tiểu thương, nông dân, vừa trồng cấy, vừa bán buôn các nông sản của địa phương mình. Họ chấp nhận cuộc mưu sinh với mức thu nhập khá thấp, chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà đây cũng là mức thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với mức thu nhập thuần nông nơi miền quê của họ.

Kể từ khi vỉa hè không được sử dụng làm nơi tập kết hàng hóa trung chuyển, các gánh hàng rong không thể bán trên vỉa hè, người dân thành phố mất đi một phần mạng lưới cung ứng thực phẩm giá rẻ. Họ chỉ có thể tìm đến chợ truyền thống, các cửa hàng và siêu thị. Tất cả các vị trí tiêu thụ này đều có giá thuê rất đắt. Một cửa hàng bán rau tại phố chợ phải trả mức thuê 8-10 triệu đồng/tháng. Một sạp bán hàng chỉ 1- 2 m2 trong chợ trung tâm có giá chuyển nhượng tới vài tỷ đồng. Giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại khoảng 1,5 đến 2,5 triệu đồng/m2/tháng … Tham gia vào các mạng lưới phân phối hàng hóa nội đô chỉ có thể là các tiểu thương có vốn tương đối lớn.

Đồng thời, tất cả chi phí thuê hay sở hữu mặt bằng bán lẻ đều được phân bổ đều vào giá cả hàng hóa khiến cho giá bán tại các cửa hàng phải đẩy lên cao. Chi phí mặt bằng kinh doanh thường chiếm tới 30-40% giá bán hàng và gần như không còn người bán lẻ nào có thể sử dụng mặt bằng kinh doanh miễn phí của thành phố.

Chợ vỉa hè không còn, chợ truyền thống tiếp tục vật lộn với sức ép của các chuỗi siêu thị

Bước chân vào chợ truyền thống, chị Hương không thể tìm được các hàng hóa giá rẻ. Sản vật tươi ngon nhưng không rẻ, giá thậm chí cao hơn giá bán tại các siêu thị. Sự thu hút của chợ truyền thống duy nhất là tính phục vụ cao, những người bán hàng có thể giúp sơ chế các sản phẩm theo ý muốn của các bà nội trợ.

Tuy nhiên, ở chợ truyền thống người ta lại không thể tìm được một số sản phẩm chất lượng cao, do gần đây một số thương hiệu nước ngoài đã không còn cung ứng hàng hóa vào các quầy hàng của chợ truyền thống nữa. Họ định hướng hàng hóa của mình trên những giá kệ của siêu thị, cửa hàng tiện ích. Chi phí mặt bằng kinh doanh cao, nguồn hàng hạn hẹp là hai gọng kìm đang dần siết chặt các tiểu thương tại các khu chợ truyền thống nội đô.

(Ảnh minh họa)

Còn tại các đại siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích có tiếng, ngoài phần lớn hàng nhập khẩu, là không ít các sản phẩm do siêu thị tự sản xuất, đóng gói. Các đại siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện ích đều xây dựng các chuỗi cung ứng khép kín của mình.

Cùng với đó, điều kiện để sản phẩm thuần Việt vào siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích càng ngày càng trở nên khó khăn: tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, điều kiện chiết khấu cao, phí đánh mã hàng, doanh số tối thiểu,… đều được đặt ở mức cao, khiến các hàng hóa thuần Việt không cách nào tìm được chỗ đứng. Sự cạnh tranh càng gay gắt khi chính các nhà cung cấp sản phẩm thuần Việt không liên kết được thành những tổ chức đủ mạnh để đàm phán với các siêu thị và chịu cảnh đứng ngoài lề các kênh phân phối hiện đại hiện nay.

Thị trường bán lẻ bị thâu tóm bởi các hãng nước ngoài, nông sản Việt sẽ càng khó khăn hơn

Không chỉ những người tiêu dùng cần quan tâm tới điều gì đang diễn ra với các kênh phân phối bán lẻ mà cả những nhà quản lý đô thị cũng cần có cái nhìn tổng thể, lâu dài với hệ thống bán lẻ. Vì sao?

Thứ nhất, hệ thống bán lẻ bị mất kênh phân phối chi phí thấp sẽ dẫn tới mức sinh hoạt của người dân tăng cao. Trong khi lợi thế của nền kinh tế Việt cho đến nay vẫn dựa trên lao động giá rẻ, mà có được lao động giá rẻ chính là nhờ mức chi phí sinh hoạt thấp.  

Hiện nay, mức thu nhập trung bình của người lao động Việt chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. Với 4 triệu đồng/tháng, người lao động tồn tại được ở thành phố là nhờ mạng lưới cung ứng thực phẩm giá rẻ. Nay mạng lưới cung ứng giá rẻ mất đi, lực lượng lao động này sẽ gặp khó khăn hơn trước, khiến các doanh nghiệp đang sử dụng lao động giá rẻ sẽ khó hơn khi tìm kiếm nhân công.

Thứ hai, hệ thống bán lẻ bị thâu tóm, đặc biệt bởi các hãng nước ngoài, sẽ đẩy hàng Việt vốn yếu về năng lực cạnh tranh vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đặc biệt, nông sản của người nông dân càng ngày sẽ càng khó tìm nơi tiêu thụ. Khi hơn 70% dân cư vẫn sống dựa vào nông nghiệp, thì vấn đề giải quyết đầu ra cho nông sản thực sự là một bài toán không dễ có lời giải.

Dọn dẹp vỉa hè khi chưa có không gian bán lẻ giá rẻ thay thế đã góp phần làm tăng chi phí trung gian trong chuỗi phân phối

Hiển nhiên chiến dịch dọn dẹp vỉa hè vừa qua không phải là lý do duy nhất khiến nông sản Việt trở nên đắt đỏ, nó chỉ thêm tác động làm bộc lộ rõ nét hơn chuỗi phân phối thiếu hiệu quả này. Quá nhiều bất cập trong quản lý và chính sách khiến người nông dân phải bán nông sản với mức giá rẻ mạt, nhưng người tiêu dùng phải mua với mức giá rất cao. Chưa kể đến nông sản Việt không cách nào cạnh tranh với hàng nhập khẩu tràn ngập trong các siêu thị và cửa hàng tiện ích.

Sự chênh lệnh giá từ khâu sản xuất đến tiêu dùng quá cao do các chi phí trung gian lớn như chi phí vận tải với các cung đường bắt buộc phải trả phí BOT, phí môi trường trong xăng dầu, chi phí mặt bằng bán lẻ ngày một đắt đỏ và khan hiếm do mặt bằng bán lẻ đang bị thôn tính bởi các hãng nước ngoài,… khiến chi phí nông sản tăng mạnh khi đến tay người tiêu dùng, người sản xuất nông sản và người tiêu dùng chịu thiệt hại lớn nhất và trở thành các đối tượng ít được bảo vệ nhất của nền kinh tế.

Thiết nghĩ việc duy trì các không gian bán lẻ giá rẻ là điều cần thiết cho sự phát triển của các đô thị Việt Nam. Nếu không thể là vỉa hè thì hãy nghĩ tới một hình thức khác, không gian khác thay thế.

Nguyên Hương

Xem thêm:

Nguyên Hương

Published by
Nguyên Hương

Recent Posts

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

44 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

4 giờ ago