Sau bốn ngày nghỉ lễ, thị trường thịt lợn đã có những chuyển biến căn bản. Thương lái không còn khống chế giá bán lẻ, đồng loạt các siêu thị giảm giá, phương thức “đụng lợn”, các quầy bình ổn giá mọc lên ở các nơi… đã kéo mặt bằng giá thịt lợn xuống thấp đáng kể.

an-dung-thit-lon
Phương thức “đụng lợn” đã trở nên phổ biến hơn. (Ảnh minh họa: Nguoiduatin)

Trăm kiểu giải cứu thịt lợn không qua bán lẻ

Trong những ngày nghỉ lễ, sức mua tại các khu chợ, siêu thị thành phố giảm mạnh, do người dân đi du lịch, về quê. Tuy nhiên, tại các khu dân cư vẫn xuất hiện một số hàng thịt lợn “mới” của người nhà quê ra bán lợn giá rẻ. Thịt lợn được bán với mức giá khoảng 40-60 ngàn đồng/kg, tùy loại. Giá của các quầy hàng này đã kéo giá cả thịt lợn tại các chợ nội đô nhanh chóng xuống theo.

Tại tỉnh Đồng Nai, thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn phía Nam, UBND tỉnh đã chủ động lập ra những điểm bình ổn giá. Tại đây thu mua lợn của người chăn nuôi với giá 30 ngàn đồng/kg và bán lại cho bà con với mức giá từ 40 – 70 ngàn đồng/kg.

Ngoài ra, những gia đình có người nhà chăn nuôi ở quê cũng rủ nhau vài ba nhà chung nhau một con lợn để trữ đông ăn dần.

Lợn giá rẻ cũng khiến các nhóm từ thiện chuyển sang kêu gọi quyên góp cho mặt hàng này. Cơm có thịt là một dự án từ thiện đã nhiều năm của ông Trần Đăng Tuấn. Ông Tuấn cho rằng, mặc dù tình trạng dư thừa thịt lợn xảy ra trên toàn quốc nhưng trẻ em ở những vùng cao còn rất thiếu thịt trong các bữa ăn. Ông đang kêu gọi các nhà hảo tâm góp tiền mua thịt lợn tới các vùng xa, cấp cho trẻ em được có nhiều thịt hơn trong các khẩu phần ăn của mình.

Với phong trào cả nước dùng thịt lợn để hỗ trợ bà con chăn nuôi, một lượng lớn thịt lợn được tiêu thụ chỉ trong vài ngày. Thông tin về việc sụt giảm nhanh chóng số lượng dư thừa thịt lợn cũng khiến các thương lái Trung Quốc mạnh tay “cân thịt”. Tại Thái Bình, các thương lái Trung Quốc thu mua khoảng 500 – 600 con lợn mỗi ngày. Giá thịt hơi xuất chuồng cũng theo đó tăng lên 20 ngàn đồng/kg, tăng thêm 5.000-7.000 đồng/kg so với ngày hôm trước.

Thiếu vắng Bộ Công thương trong chiến dịch giải cứu thịt lợn

Có thể thấy, trong dịch giá lợn hơi lần này, nút tắc chính yếu nằm ở khâu trung gian bán lẻ. Giá bán lẻ bị giữ ở mức cao trong thời gian quá lâu, trong khi giá bán lợn hơi xuất chuồng ngày bị ép xuống khiến lượng hàng tồn kho lợn hơi bị tồn ứ chồng chất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Chỉ trong 1 tháng thịt lợn hơi bị giảm giá, người chăn nuôi đã thiệt hại khoảng 45 ngàn tỷ đồng.

Trong khi Bộ Công thương được biết đến như Bộ quản lý ngành thương nghiệp, bao gồm đầy đủ các cơ quan chức năng như Vụ Thị trường Trong nước, Cục Quản lý Thị trường, Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á, Cục Xúc tiến thương mại, Quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh,… thì Bộ này lại dường như đứng ngoài cuộc trong các chiến dịch giải cứu thị trường thịt lợn.

Ngày 27/4, chỉ một ngày trước nghỉ lễ, Bộ Công thương mới triệu tập cuộc họp có Bộ trưởng tham dự. Trong cuộc họp, chủ yếu đưa ra vấn đề nguyên nhân dư thừa thịt lợn do bà con chăn nuôi quá nhiều, sản xuất còn manh mún, chăn nuôi dựa vào nhu cầu xuất khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc… Việc ách tắc tại khâu trung gian không hề được Bộ Công thương nhắc đến như trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

Kết thúc cuộc họp, Bộ Công thương quyết định ban hành các văn bản chỉ đạo phối hợp với các ban ngành sở nhằm hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho thị trường và đảm bảo thu mua thịt lợn từ người chăn nuôi với giá hợp lý.

Hàng loạt phương án được đưa ra, có thể kể đến như:

Thứ nhất: Bộ sẽ chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.

Thứ hai: Chỉ đạo các Sở Công Thương kêu gọi các Doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.

Thứ ba: Xem xét việc kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh thịt lợn tăng lượng thu mua và trữ đông thịt lợn chăn nuôi trong nước.

Thứ tư: Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp tăng thu mua lợn thịt trên thị trường để tạo định hướng cho thị trường.

Trong khi những văn bản trên còn chưa được ban hành thì chỉ trong vài ngày lễ, với những thông tin về tình cảnh của người chăn nuôi được đăng tải trên các kênh thông tin đại chúng, sự hiệu triệu của Thủ tướng về việc chia sẻ với bà con chăn nuôi, phong trào giải cứu người chăn nuôi lợn đã lan rộng cả nước. Không qua bán lẻ, nhiều cách thức khác nhau nhằm đưa thịt lợn tươi ngon từ người chăn nuôi tới tận tay người tiêu dùng đã thật sự mang lại hiệu quả tích cực. Giá thịt lợn hơi không ngừng được nâng lên hàng ngày, lượng tiêu thụ dồi dào hơn trước.

Hy vọng trong một thời gian ngắn nữa, thị trường sẽ trở lại bình ổn, người chăn nuôi có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.  Nhìn lại “cơn đại nạn”, đối lập với sự thờ ơ, ích kỷ, tham lam, ta sẽ thấy rằng tình người, sự sẻ chia vẫn luôn luôn là những điểm sáng.

Nguyên Hương