Nền kinh tế ảm đạm và dư thừa sản lượng của Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây đã thúc đẩy nước này tìm lối thoát ở thị trường các nước, trong đó láng giềng Việt Nam là địa chỉ “đổ hàng” nhanh và tiện lợi nhất.
Là khách hàng quen thuộc trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, chị Hương (TP.HCM) cho biết lâu nay đã lên mạng đặt hàng quốc tế giao về Việt Nam, từ mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại đến đồ gia dụng đều đặt hàng từ Trung Quốc thay vì mua ở nội địa.
“Giá rẻ, cước thấp, giao hàng nhanh chóng, tính ra tiết kiệm hơn mua và giao hàng trong nước nên đâu chỉ mình tôi mà rất nhiều người khác cũng mua từ Trung Quốc“, chị Hương cho hay.
Để chứng minh, Hương kể mua một chiếc ấm nước loại 2,5l, cước vận chuyển từ Trung Quốc về TP.HCM giá 17.000 đồng nhưng nếu mua tại TP.HCM thì phí giao về nhà là 20.000 đồng, còn nếu mua của shop từ Hà Nội vào thì giá cước lên tới 60.000 đồng.
Nếu như trước đây việc đặt hàng từ Trung Quốc phải thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử Tao Bao, 1688,… và phải thông qua các bên trung gian tại Việt Nam thì khoảng 2-3 năm gần đây, các shop nổi tiếng trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc đã đổ bộ vào các sàn thương mại điện tử Việt hấp dẫn nhiều khách Việt.
Hỗ trợ việc đưa hàng Trung Quốc xuyên biên giới đến tận tay người tiêu dùng Việt là một ngành công nghiệp đồ sộ, một chiến lược tổng thể, quy mô có sự hỗ trợ cấp Chính phủ.
Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, tổng doanh thu thương mại điện tử toàn Việt Nam năm 2023 đạt 498.868 tỷ đồng, trong đó 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop chiếm 232.134 tỷ đồng (47%).
Trong 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam thì có 4 sàn do Trung Quốc quản lý trực tiếp hoặc có ảnh hưởng chi phối, bao gồm là Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok shop. Sendo – sàn TMĐT duy nhất còn thuộc sở hữu và quản lý của người Việt thì chiếm doanh số rất nhỏ (3,8% thị phần).
Năm 2023, doanh số TMĐT trên 5 sàn có tốc độ tăng trưởng 54,3% nhưng số lượng shop bán được hàng lại giảm 1,3%. Ngược chiều với sự đổ bộ của các shop chủ hàng Trung Quốc trên các nền tảng TMĐT Việt Nam, hàng chục ngàn shop người Việt đã lặng lẽ rời khỏi thị trường vì không có nổi đơn hàng trên chính thị trường của mình.
Với sự hỗ trợ của Chính quyền Trung Quốc, ngày càng nhiều kho hàng, khu trung tâm TMĐT mọc lên sát biên giới Việt – Trung.
Chỉ riêng huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), các công ty Trung Quốc đang hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà. Dự án nằm giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, cách Hà Nội chỉ khoảng 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km.
Dự án có diện tích gần 86.000 m2, vốn đầu tư khoảng 250 triệu nhân dân tệ (gần 35 triệu USD). Các doanh nghiệp tại khu vực này dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn với khối lượng giao dịch hằng năm ước tính hơn 2 tỉ nhân dân tệ.
Mục tiêu đầu tư dự án là để phát triển xuất nhập khẩu TMĐT xuyên biên giới, TMĐT trong nước, trung tâm livestream, hậu cần và vận tải xuyên biên giới…
Ngoài huyện Hà Khẩu, tại Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), cách TP Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ một con sông, chính quyền tại đây cũng đã thành lập khu TMĐT từ tháng 7-2022. Đồng thời, họ cũng đẩy mạnh phát triển khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây…
Các khu thương mại này tập trung hàng trăm ngàn nhà bán hàng, được tích hợp kho bãi, chế biến, xuất nhập khẩu… cho phép thông quan tại chỗ kèm hệ thống hậu cần hiện đại.
Hàng hóa cung cấp vào Việt Nam đa dạng chủng loại từ đồ ăn, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thiết bị điện tử, đồ gỗ… với giá bán rẻ tương đương như giá nhập sỉ cho các thương nhân Việt Nam.
Tại khu thương mại tự do xây dựng hàng loạt các phòng bán hàng livestream nhắm vào thị trường Việt Nam. Hệ thống bán hàng livestream với quy mô của những studio cỡ lớn được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại. Các nhân viên hoạt động 24/7, livestream bán hàng liên tục, họ thậm chí ăn ngủ nghỉ tại chỗ.
Khung cảnh một phiên livestream bán hàng. Nguồn ảnh: jefftowson.com
Để dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam, các nhà bán Trung Quốc thuê người Việt sang livestream bán hàng, có thể sáng đi chiều về. Nhiều nhãn hàng còn tuyển dụng cả KOC, KOL Việt Nam để thực hiện livestream bán hàng Trung Quốc.
Các trung tâm thương mại tự do xuyên biên giới còn chủ động liên kết với các công ty giao hàng tại Việt Nam để tối ưu phí vận chuyển và thời gian giao hàng. Vì có số lượng lớn, nên các công ty giao hàng thường ưu tiên các đơn hàng giao hàng từ Trung Quốc hơn, vì thế mà đơn lẻ của các tiểu thương Việt không được coi trọng. Nhiều tiểu thương Việt phải ra bưu điện gửi hàng, làm tăng thời gian giao hàng cũng như chi phí.
Dẫn chứng nghịch lý mua hàng từ Trung Quốc vừa nhanh vừa rẻ hơn trong nước, Báo Tuổi Trẻ kể lại câu chuyện một khách hàng tại Hà Nội đặt mua hàng trên trang thương mại điện tử có hàng tại Thâm Quyến (Trung Quốc) giá 88.000 đồng nhưng tốc độ giao hàng đến tay người mua chỉ trong 3 ngày, phí chỉ 15.000 đồng.
Một nhân viên giao hàng của công ty Logistics vốn Trung Quốc tại Việt Nam. Nguồn: Best Express
Trên các sàn TMĐT, hầu hết các món hàng từ Trung Quốc đều được trợ giá vận chuyển. Dường như chính sách hỗ trợ vận chuyển không phải do cá nhân kinh doanh đơn lẻ tự phát, mà nó có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Giới kinh doanh thông tin rằng mọi vận đơn hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Trung Quốc đều có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho rằng muốn sống sót trước “làn sóng” hàng Trung Quốc đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa nên từ bỏ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thời vụ và phải có kế hoạch đầu tư bài bản, có tính riêng biệt. Cùng với đó đẩy mạnh hệ thống logistics thì chắc chắn hàng Việt vẫn sẽ có chỗ đứng.
Bà Vũ Kim Hạnh trong trao đổi trên mục 5 phút thị trường của Maybe Podcast cho rằng thương mại điện tử hiện nay mới chiếm 6% tổng giá trị bán lẻ tại Việt Nam. Bên cạnh các hệ thống siêu thị đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thì hệ thống bán lẻ Việt còn duy trì được hệ thống các minimart gia đình, các chợ truyền thống và các mama shop vẫn đang cung cấp 80% tổng giá trị bán lẻ. Do vậy, các doanh nhân Việt ngoài việc duy trì chất lượng tốt, cần tính toán lại chiến lược, mô hình kinh doanh. Đồng thời, doanh nhân cũng cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới khi người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia cũng chỉ dừng lại ở lời khuyên. Phía Chính phủ Việt Nam cũng chưa có động thái cụ thể nào để bảo vệ các nhà bán hàng nội địa. Trong khi các nhà bán lẻ Việt vẫn không ngừng rời khỏi thị trường vì chẳng có nổi đơn hàng thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có một động thái nào cụ thể. Con số nhà bán lẻ Việt rời đi có lẽ sẽ không chỉ dừng ở hàng ngàn của năm 2023, mà năm nay có thể hàng chục ngàn, trăm ngàn nhà bán lẻ Việt sẽ bị thay thế bằng giọng nói lơ lớ từ phương Bắc.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.