Categories: Kinh TếKinh doanh

Thu giữ 14.000 chai rượu Penfolds giả được bán trên mạng của Alibaba

Ba tháng sau khi Công ty rượu vang Úc Treasury Wine Estates khởi kiện Alibaba bán hàng giả khi phát hiện sản phẩm rượu Penfolds của họ được bán với “giá thấp bất thường” trên mạng Taobao do Alibaba sở hữu, cảnh sát Thượng Hải đã thu giữ 14.000 chai rượu giả.

Các chai rượu giả bị thu giữ từng được bán trên trang Taobao của Alibaba trong một cuộc họp báo ở Thượng Hải vào ngày 16 tháng 11 năm 2017. (Ảnh: Alibaba)

Theo tờ Sydney Morning Herald, các sản phẩm làm giả nhãn hiệu rượu vang cao cấp Penfolds của Úc đã được rao bán trên trang web bán hàng trực tuyến Taobao.com của Tập đoàn Alibaba, cũng như xuất hiện tại nhiều tiệm karaoke, quán rượu, quán bar ở thành phố Thượng Hải. Chúng được rao bán với giá chỉ từ 200 tệ/chai, trong khi rượu thật được bán lẻ với giá từ 600 đến 3000 tệ/chai.

Sau khi phát hiện vụ việc, tháng 8 vừa qua hãng rượu Úc Treasury Wine Estates đã gửi đơn khiếu nại tới Alibaba và tập đoàn thương mại điện tử này đã báo cảnh sát. Sau 3 tháng điều tra, đã có 13 người liên quan đến đường dây làm rượu giả trên bị bắt giữ, thu được 14.000 chai rượu giả. Số lượng rượu giả thu được ước tính có giá trị lên tới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 34 tỷ đồng).

Trong nỗ lực để ngăn chặn gian lận tại Trung Quốc, hãng rượu Treasury Wine Estates đã bắt đầu khắc trên các chai rượu bằng thủy tinh đắt nhất của mình để tránh hàng giả. Tại Trung Quốc, hàng giả là một vấn đề đáng lo ngại khi không chỉ có rượu được làm giả tràn lan mà còn có thể là bất cứ thứ gì từ nước rửa chén cho đến sữa bột của trẻ sơ sinh.

Taobao là sàn thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba, được xem như Ebay tại Trung Quốc. Tuy nhiên, từ lâu trang này đã bị chỉ trích vì có quá nhiều vi phạm về bán hàng giả được phát hiện. Cuối năm 2016, Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã liệt kê Taobao vào danh sách đen về những thị trường nổi tiếng về bán hàng giả mạo và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù Alibaba tuyên bố họ đã có những động thái mạnh mẽ để loại bỏ hàng giả, từ việc giải quyết các từ khóa thương hiệu, phát triển công nghệ để ngăn người bán hàng giả mở lại cửa hàng dưới tên mới, cho đến việc khiếu kiện những người bán hàng giả, song các nhà sản xuất và các thương hiệu lớn như Gucci, Yves Saint Laurent vẫn cáo buộc Alibaba chưa đủ nỗ lực trong việc loại bỏ hàng giả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.

>> Trước vó ngựa chinh phạt của Alibaba?

Áo len Cashmere hàng nhái thương hiệu Zara, được đổi với tên Za17ra trên Taobao với giá 55 tệ (khoảng 200 nghìn đồng), trong khi hàng chính hãng có giá 3 triệu đồng (Ảnh chụp màn hình)

Hiện tại, khi người dùng thử tìm kiếm những từ khoá về sản phẩm nhái của những thương hiệu nổi tiếng như đồng hồ Rolex, túi Louis Vuitton; hoặc khi tìm kiếm những từ khoá như “shuihuo,” (tiếng Trung có nghĩa là “hàng nhái”) hoặc “gaofang” (nghĩa là “hàng nhái cao cấp”) sẽ không thấy hiện lên kết quả trên Taobao. Tuy nhiên, theo một số người mua hàng “có kinh nghiệm” trên Taobao thì họ vẫn có thể biết được nơi bán những sản phẩm nhái này. Theo đó, các chủ cửa hàng đã khéo léo thay đổi tên gọi hay mô tả sản phẩm để hệ thống quét không nhận diện được.

Lu Zhenwang, giám đốc điều hành của trang 10000qing.com, nói rằng Taobao “đã khá nỗ lực trong việc giảm thiểu các sản phẩm giả mạo rẻ tiền của các thương hiệu lớn của nước ngoài,” bởi đây là những mặt hàng thuộc “loại nhạy cảm và dễ nhận thấy nhất”. Tuy nhiên, hàng giả vẫn tràn ngập trên mạng, chỉ đơn giản là khó tìm hơn, ông Lu cho biết.

Theo Ma Ce, luật sư tại hãng luật Tengzhi tại Hàng Châu, vấn đề không chỉ nằm tại sự xảo trá của người bán, mà nỗ lực của Alibaba về loại bỏ hàng nhái xem ra cũng “giả tạo”. Theo ông Ma, Alibaba vẫn tạo cơ hội cho chủ cửa hàng tiếp tục kinh doanh ngay cả sau khi họ bị xử lý vấn đề giả mạo, chỉ trừ phi đó là vi phạm “cực kỳ nghiêm trọng,” hoặc tái phạm việc bán hàng lậu ba lần thì một gian hàng trên Taobao mới thật sự bị đóng.

Vi phạm “cực kỳ nghiêm trọng” có nghĩa là khi một thương gia cung cấp số lượng hàng hoá giả mạo “rất lớn” và bị cảnh sát can thiệp. Còn đối với những vi phạm ít nghiêm trọng hơn, chủ gian hàng có thể bị đình chỉ việc niêm yết các mặt hàng mới trên Taobao trong 14 ngày hoặc bị chặn tìm kiếm trong một tuần. 

Theo các chuyên gia trong ngành tại Trung Quốc, khoảng 80% doanh thu của Taobao đến từ việc cung cấp nền tảng dịch vụ cho các gian hàng nhỏ. Đó có thể là lý do khiến Alibaba khá “nhẹ tay” khi xử lý việc vi phạm của những gian hàng này.

Tuệ Minh

Xem thêm:

Tuệ Minh

Published by
Tuệ Minh

Recent Posts

Indonesia nới lỏng hạn chế nhập khẩu trước thời hạn áp thuế của Hoa Kỳ

Các quan chức Indonesia cho biết họ sẽ bắt đầu nới lỏng hạn chế nhập…

27 phút ago

Bộ GD&ĐT: Đề thi tốt nghiệp 2025 vẫn trong giới hạn Chương trình 2018

Bộ GD&ĐT cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không vượt chương trình 2018,…

2 giờ ago

Đau khổ vì thất tình có thể gây ung thư! Trung y chỉ bạn 3 cách hóa giải

Xã hội hiện đại có nhiều người yêu sớm, cũng có nhiều người thất tình…

2 giờ ago

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn

Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm thứ Ba (1/7) đã đình chỉ chức vụ…

2 giờ ago

Tổng thống Trump tiếp tục ép Israel chấm dứt xung đột tại Gaza

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gây áp lực lên nhà nước Israel nhằm…

3 giờ ago

Em bé đầu tiên được sinh ra nhờ sự hỗ trợ của AI

Quy trình này giúp giảm nguy cơ lỗi, tăng tỷ lệ thành công, đồng thời…

3 giờ ago