Việc tiền điện tháng 1 và tháng 2 được tính gộp vào một hóa đơn khiến tiền điện phải trả tăng gấp đôi đang là chủ đề được nhiều người dân sống tại Hà Nội thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Những ngày đầu tháng 3/2024, nhiều người dân ở Hà Nội cho biết họ có nhiều thắc mắc về việc tính tiền điện tháng 1 và tháng 2 gộp vào một hóa đơn khiến tiền điện phải trả tăng gấp đôi. Người dân đặt câu hỏi vì sao công ty điện lực không tách riêng từng tháng một. Điều này được cho là không làm hóa đơn tiền điện tăng đột biến, đồng thời cũng không làm thay đổi số tiền phải đóng.
Độc giả Duy Tuấn có để lại ý kiến sau khi đọc bài viết “Người dân lo bị thiệt khi Điện lực Hà Nội gộp hóa đơn” đăng trên Báo Lao Động như sau: “Là người sử dụng điện, tôi chỉ mong được thanh toán theo điện một giá, không theo bậc thang, không lũy tiến. Lúc đó muốn thanh toán đầu tháng hay cuối tháng, tôi cũng vui lòng”.
Tương tự, độc giả Nguyễn Phong viết: “Dù được giải thích là điều chỉnh bậc giá, nhưng việc gộp 2 tháng, rồi tính trên một hóa đơn theo thang bậc lũy tiến là không hợp lý”.
Độc giả Trang Trần đề nghị đơn vị điện lực chốt số công tơ những ngày còn lại của tháng 1 riêng (chốt hết ngày 31/1) và chốt chỉ số công tơ của tháng 2 riêng (từ ngày 1/2 đến 29/2).
Nếu chốt riêng như vậy thì người sử dụng điện sẽ không bị thiệt thòi do cách tính điện theo phương pháp lũy tiến. Còn nếu chốt gộp cả tháng 1 và tháng 2 như ngành điện áp dụng, số tiền thanh toán của tháng 2 sẽ tăng khoảng 27%.
Một tài khoản khác có tên Nội thất Hòa Phát bình luận: “Quá bất hợp lý! Nhà tôi từ trước đến nay chưa bao giờ dùng đến một hóa đơn đến tiền triệu mà riêng tháng 2/2024, một hóa đơn đã lên đến gần 2 triệu đồng! Hàng tháng nhà tôi có 2 hộ khẩu nên 2 công tơ mỗi công tơ chỉ dùng khoảng 5 – 600 nghìn tiền điện. Do thay đổi cách ghi tháng này nhà tôi 2 công tơ lên đến gần 4 triệu đồng tiền điện. Không biết ông điện lực tính lũy tiến kiểu gì mà khủng khiếp vậy? Cứ cho là tính hẳn 2 tháng đi thì cũng khoảng 2 – 2,5 triệu là cùng đằng này phát sinh thêm có từ mồng 8 – 29/2 là 21 ngày mà tăng gấp gần 3 lần là sao?”
Trả lời về việc tăng lượng điện tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, trên báo Lao Động ngày 6/3, đại diện EVN Hà Nội cho biết cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi.
Theo đó, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3 và bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh. Sở dĩ có con số này bởi kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50kWh, giờ kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.
EVN Hà Nội khuyến cáo khách hàng có thể kiểm tra sản lượng điện, sử dụng công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến để tra cứu và tính hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Cũng theo đại diện EVN Hà Nội, lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước, song các tháng tiếp theo sẽ trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội.
Khánh Vy (t/h)
Bộ Chính trị cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký…
Theo ước tính sơ bộ, trong 10 tháng năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam…
Nữ bệnh nhân tử vong tại khu nhà trọ gần Bệnh viện Ung bướu cơ…
Việc thu hồi Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" đối với Nguyễn Đỗ Trúc Phương…
Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (Hà…
Trẻ dưới 16 tuổi có bố mẹ là đoàn viên, người lao động qua đời…