Phiên tòa Vinasun kiện Grabtaxi đột ngột bị dừng ngày 7/2 vừa qua. Có thông tin cho rằng vụ án có thể bị trả lại hồ sơ vì Tòa án thụ lý sai thẩm quyền. Vậy luận điểm của các bên như thế nào trong vụ việc này?
Về thẩm quyền xét xử, ông Lưu Tiến Dũng – Luật sư đại diện Grabtaxi cho rằng đối với cáo buộc của Vinasun cho rằng Grabtaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật cũng như cáo buộc vi phạm Đề án thí điểm số 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật là Bộ GTVT; còn đối với cáo buộc rằng Grabtaxi vi phạm pháp luật về khuyến mại thì thẩm quyền thuộc về Bộ Công thương. Vậy nên thẩm quyền xử lý vụ việc là thuộc cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải của Tòa án. Luật sư này đề nghị Tòa ra quyết định đình vụ án.
Phía luật sư bảo vệ Vinasun – ông Nguyễn Hải Vân khẳng định Vinasun hoàn toàn có quyền khởi kiện. Bởi lẽ theo Quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự “cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Công ty Vinasun nhân danh chính mình để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại cho mình, việc này phù hợp Điều 186 Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS), và không thuộc nội dung loại trừ của Điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP về người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Do vậy, Vinasun hoàn toàn có quyền khởi kiện theo luật định.
Còn về thẩm quyền xét xử, ông Vân cho biết đơn kiện của Vinasun đã ghi rất rõ quan hệ tranh chấp là “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” đối với bị đơn là Công ty TNHH Grabtaxi, chứ Vinasun chưa thực hiện khiếu nại hành chính Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016. Theo Điều 30 BLTTDS, đây là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Dư luận lo ngại những tranh cãi về thẩm quyền giải quyết vụ việc của tòa án có thể dẫn tới việc kiện bị đình chỉ hoặc kéo dài, hay bằng cách này cách khác bị trả cho phía các Bộ quản lý xử lý. Nếu điều này xảy ra sẽ đặt ra lo ngại về tính độc lập tư pháp bị xâm phạm.
Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể để áp dụng”. Cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh – người đặt nền móng cho nền tư pháp Việt Nam nói rõ công tác tư pháp và công việc hành chính là được giao cho hai cơ quan khác nhau, và công tác giữa các cơ quan là độc lập. Việc phân quyền và đảm bảo tính độc lập tư pháp là một điều kiện thiết yếu để đảm bảo quyền lợi của người dân không bị xâm phạm bởi những quy định trái luật hay vi hiến.
Độc lập tư pháp không chỉ độc lập về mặt thiết chế, tổ chức của tòa án mà còn là sự độc lập của cá nhân thẩm phán trước cả ba nguồn áp lực: các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong bộ máy cầm quyền, bao gồm cả lãnh đạo của tòa án, thẩm phán của tòa án cấp trên; các bên đương sự trong vụ việc và dư luận xã hội.
Trở lại vụ việc Vinasun khởi kiện Grabtaxi, đây là vụ kiện tranh chấp thương mại có thể nói là tiên phong ở Việt Nam, nó cũng thể hiện một tư duy đổi mới của doanh nghiệp trong việc lấy tinh thần thượng tôn pháp luật làm cơ sở hoạt động trong cơ chế thị trường. Nếu như niềm tin vào hệ thống tư pháp để phân giải tranh chấp bị vùi dập ngay từ những nỗ lực đầu tiên, điều này sẽ tạo nên tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam khi những quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động không tìm được nơi công minh, chính trực để giải quyết thỏa đáng.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…