Vào những ngày làm việc cuối cùng trước nghỉ Tết Nguyên đán, Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.HCM bất ngờ ban hành văn bản số 07/QĐ-VC3-KDTM ngày 28/1/2018 bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm số 51/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 14/1/2019 của Viện trưởng VKSND TP.HCM đối với Bản án số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018 của Toà án nhân dân TP.HCM.
Nội dung kháng nghị ban đầu không được tiết lộ, nhưng kháng nghị bổ sung đã được công bố tới nhiều cơ quan báo chí ngay ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Nội dung kháng nghị bổ sung tập trung về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của Grab; về yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun; về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại – hành vi trái pháp luật và yếu tố có lỗi của Grab.
Đây là lần thứ tư, Viện Kiểm sát thay đổi quan điểm pháp lý của mình đối với cùng một vụ án theo các cấp độ khác nhau. Sau đây là các quan điểm và luận cứ về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của Grab từ phía hai cơ quan xét xử và công tố.
Tại kháng nghị bổ sung số 07/QĐ-VC3-KDTM ngày 28/1/2019, Viện kiểm sát cấp cao tại TP.HCM cho rằng hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Luận cứ mà Viện Kiểm sát đưa ra như sau:
– Grab được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép tham gia “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” theo Quyết định số 24 (gọi tắt là Đề án thí điểm số 24);
– Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản gia hạn thời hạn hiệu lực của Đề án thí điểm 24 tới khi có Nghị định 86 sửa đổi thay thế;
– Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi cho Grab với ngành nghề đăng ký kinh doanh là vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành.
Với các luận cứ trên, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao cho rằng Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cho phép. Hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách của Grab không vi phạm pháp luật. Viện Kiểm sát cấp cao Tp.HCM cho rằng Bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86/2014/CP là không có cơ sở.
Tại Bản án 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018, Toà án nhân dân TP.HCM cho rằng mặc dù được cấp phép hoạt động theo Đề án 24 là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nhưng trên thực tế Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải taxi, là kinh doanh không đúng Đề án 24; Vi phạm nghiêm trọng Nghị định 86/2014 của Chính phủ; Vi phạm Khoản 4 Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ (khuyến mại trái pháp luật). Cụ thể:
– Theo Đề án 24, Grab được cấp phép là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối giữa hành khách và đơn vị vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nhưng trên thực tế Grab trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình Grab như Grabcar, Grabtaxi, Grabshare; Thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe; Xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm Quy chế do Grab đặt ra.
– Giao dịch của Grab không phải là một giao dịch hợp đồng điện tử đầy đủ, bởi không đáp ứng các điều kiện cần thiết của một hợp đồng theo quy định pháp luật Việt Nam (vi phạm Luật giao dịch điện tử, Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại, Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô; Thông tư 63 về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô ). Bởi vì, người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ Grab không tìm ra được nội dung hợp đồng cho mỗi chuyến đi; Không xác định được cụ thể chủ thể tham gia ký kết hợp đồng là ai; Quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch này như thế nào không được thể hiện khi giao kết hợp đồng; Các điều khoản về giải quyết tranh chấp, phương thức giải quyết tranh chấp không có, điều khoản về bảo hiểm đối với nguồn nguy hiểm cao độ không được thể hiện trong các giao dịch; ….
– Trong quá trình triển khai đề án 24, Sở GTVT đã xử phạt hàng loạt phương tiện có sử dụng phần mềm Grab vi phạm các lỗi như xe không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định; không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định, không mang phù hiệu, không niêm yết tên, số điện thoại đơn vị vận tải, vi phạm luật giao thông, ….
– Grab cung cấp dịch vụ Grabshare (đi chung xe) không nằm trong phạm vi dịch vụ của Đề án 24 cho phép.
– Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại: không đăng ký đầy đủ các chương trình khuyến mại với Sở Công thương TP.HCM.
Từ các chứng cứ pháp lý, tranh tụng tại phiên toà, lời khai của các nhân chứng là các hợp tác xã vận tải, các vi bằng được thiết lập, Toà án Nhân dân TP.HCM cho rằng Grab trong thời gian thực hiện Đề án 24 đã vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86, Đề án 24.
Trong bản án, Toà án Nhân dân TP.HCM nhận định trong quá trình triển khai thực hiện đề án 24 của Bộ GTVT, Grab đã ứng dụng công nghệ kết nối phần mềm trong hoạt động kinh doanh vận tải, đem lại nhiều tiện lợi cho người dân, cần khuyến khích, duy trì phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực thì hoạt động của Grab cũng bộc lộ nhiều hạn chế như cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động Grab, phần lớn người tham gia Grab đầu tư xe để hoạt động kinh doanh vận tải taxi chứ không phải đơn thuần xe nhàn rỗi như các nước khác, Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại dập khuôn mô hình kinh tế chia sẻ của các nước, tiếp tục duy trì đề án 24 dẫn đến bùng phát phương tiện giao thông, gây ách tắc giao thông tại các thành phố lớn,…
Với mô hình vận tải như Grab thì trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi nội dung đề án 24 của Bộ GTVT lại tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với hoạt động kinh doanh vận tải để triển khai là không thực tế. Vì vậy, Bộ GTVT cần xem xét Grab là doanh nghiệp vận tải để có chính sách quản lý phù hợp và cần phải sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này.
Bên cạnh đó, Toà án kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội trong chức năng nhiệm vụ của mình cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh, về thực hiện nghĩa vụ thuế giữa loại hình Grab và taxi, tình trạng người lao động Grab không được đóng bảo hiểm, không được hưởng các cơ chế bảo đảm phúc lợi xã hội lâu dài, tình trạng tăng giảm giá cước tuỳ tiện, tình trạng phát triển phương tiện ồ ạt,… Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp gia nhập hình thức dịch vụ taxi mới như Grab nhằm chống độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người lao động là lái xe.
Kiến nghị của Viện Kiểm sát được đưa ra đúng vào thời điểm Bộ GTVT trình Chính phủ Nghị định 86 sửa đổi. Nếu kháng nghị bổ sung này được chấp nhận, dịch vụ Grab sẽ giữ nguyên như hiện tại, không cần phải điều chỉnh như phán quyết của Toà án nhân dân TP.HCM. Còn nếu không được chấp thuận, theo bản án sơ thẩm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải điều chỉnh khung pháp lý phù hợp cho Grab và Grab cũng phải thực hiện nhiều cam kết với người tiêu dùng, người lao động và nhà nước.
Có thể thấy kiến nghị của Toà án đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhà nước và người lao động về lâu dài nhưng lại gây tốn kém hơn cho bộ máy của Grab. Đây là vấn đề nhiều người quan tâm trước kháng nghị bất ngờ của Viện kiểm sát cấp cao TP.HCM ban hành đúng vào thời điểm Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô – một văn bản quan trọng quy định khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của Grab.
Tuệ San
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…