Vi nhựa dễ dàng xâm nhập và tích tụ trong cơ thể con người, nhưng tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn còn khó nắm bắt.
Chiếc áo trên lưng bạn, tấm thảm dưới chân bạn và hộp đựng đồ ăn mang về từ bữa tối hôm qua đều có một bí mật đáng lo ngại: Chúng đang dần phân hủy thành các hạt vô hình xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ đỉnh Everest đến mạch máu của bạn.
Những mảnh nhựa cực nhỏ này, có kích thước từ vô hình đến gần bằng chiều rộng của cục tẩy bút chì, đã âm thầm xâm chiếm cơ thể con người theo những cách mà các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu hiểu được – và những tác động này thật đáng lo ngại, theo một bài đánh giá khoa học vào tháng 9.
“Vi nhựa gây ra nguy cơ đáng kể cho sức khỏe vì chúng có thể tồn tại trong môi trường và mang theo các hóa chất độc hại”, Tiến sĩ Paul Savage, chuyên gia về độc tố, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của MDLifespan, chia sẻ với The Epoch Times.
Ông nói, “Mỗi tuần, thông qua thực phẩm, 1 người có thể tiêu thụ 1 lượng nhựa tương đương với trọng lượng của 1 thẻ tín dụng. Sau khi ăn vào, các hạt này có thể phân hủy thành các hạt nano nhựa đủ nhỏ để can thiệp vào DNA của tế bào, có khả năng dẫn đến tổn thương di truyền và các vấn đề về sức khỏe mạn tính”.
Mỗi năm, từ 10 triệu đến 40 triệu tấn vi nhựa được thải ra môi trường. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
Ngay cả khi tất cả các chất thải mới được ngăn chặn ngay hôm nay thì mức vi nhựa hiện có vẫn sẽ tiếp tục tăng lên khi các mảnh vụn nhựa cũ phân hủy thành các hạt nhỏ hơn.
Một bài đánh giá được công bố trên Science (Tập san Khoa học) tóm tắt những hiểu biết hiện tại về ô nhiễm vi nhựa qua 2 thập kỷ sau khi thuật ngữ “vi nhựa” lần đầu tiên được giới thiệu. Các tác giả chỉ trích các ước tính trước đó về lượng nhựa tiêu thụ hàng tuần, cho rằng lên đến 5 gram – hoặc trọng lượng của một thẻ tín dụng – có thể là một ước tính quá cao.
Vi nhựa là các hạt nhựa rắn có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng thấm vào hệ sinh thái, ngấm vào thức ăn và nước uống của chúng ta và tìm đường vào cơ thể chúng ta.
Vi nhựa chủ yếu xuất phát từ quá trình phân hủy của các loại nhựa lớn hơn, nhưng chúng cũng có thể được giải phóng từ quá trình tái chế nhựa, hàng dệt may, lốp xe, sơn, quần áo và đồ nội thất mềm.
Nhiều người không nhận ra rằng, quần áo được làm từ nhựa, Aidan Charron, Phó giám đốc của Earth.org, một tổ chức chuyên đa dạng hóa, giáo dục và kích hoạt phong trào bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, nói với The Epoch Times.
“Thời trang nhanh hoàn toàn được làm từ polyester, nylon, spandex, v.v.”, ông Charron cho biết. Thời trang nhanh đề cập đến quần áo giá rẻ được sản xuất và bán trên quy mô lớn.
“Một sản phẩm ‘bí mật’ khác thường được làm từ hàng dệt may bằng nhựa là thảm, rèm cửa và bộ đồ ga giường“, ông Charron lưu ý rằng, những vật liệu này thải vi nhựa và hóa chất độc hại vào không khí mà chúng ta hít vào. Ông cho biết, chúng có xu hướng là một trong những nguồn vi nhựa có hại nhất vì chúng giải phóng các sợi trực tiếp vào không khí và đường nước khi giặt các sản phẩm này.
Một nghiên cứu cho thấy, hơn 90% vi nhựa trong nhà bao gồm polyester và sợi nhân tạo, cả 2 đều có nguồn gốc từ nhựa.
Vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua nhiều cách khác nhau:
Nghiên cứu cho thấy, vi nhựa đã xâm nhập vào nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể con người, bao gồm:
Mặc dù có bằng chứng cho thấy vi nhựa tích tụ trong cơ thể, nhưng nghiên cứu về tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn còn hạn chế.
Vì vi nhựa là vật thể lạ nên chúng kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, cơ thể không thể loại bỏ chúng hiệu quả, không giống như vi-rút và vi khuẩn. Sự hiện diện mạn tính này có thể dẫn đến căng thẳng oxy hóa và viêm, có khả năng gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe, bao gồm tổn thương DNA, phản ứng dị ứng, chết tế bào và ung thư.
Vi nhựa cũng chứa các hóa chất có thể phá vỡ chức năng hormone bình thường và các quá trình trao đổi chất. Các chất có hại này có thể rò rỉ từ vi nhựa và xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình hấp thụ hoặc tiêu hóa qua da.
Ông Charron cho biết: “Vi nhựa hoạt động như các tác nhân mang theo vi-rút và vi khuẩn, sau đó xâm nhập vào cơ thể chúng ta nếu chúng ta hít phải hoặc nuốt phải vi nhựa”.
Nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa việc tiếp xúc với vi nhựa với nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ví dụ, theo nghiên cứu về mẫu nước bọt, việc tiếp xúc có thể khiến mọi người có nguy cơ mắc các bệnh về phổi cao hơn, biểu hiện bằng các triệu chứng như ho, khó thở, thở khò khè và bệnh viêm ruột nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, sự hiện diện của nhựa trong các mảng xơ vữa động mạch (chất béo tích tụ trong động mạch) làm tăng khả năng đau tim, đột quỵ hoặc tử vong.
Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về nguy cơ sức khỏe nhưng vẫn chưa có cách nào để đánh giá về nguy cơ từ vi nhựa hoặc đo lường mức độ phơi nhiễm của con người.
“Một rào cản lớn là thiếu các thử nghiệm chuẩn hóa về việc giải phóng vi nhựa trong nước uống và các vật dụng tiêu dùng khác”, Tiến sĩ Savage cho biết. Ông nói thêm rằng, việc tạo ra các thử nghiệm như vậy đòi hỏi có các nghiên cứu toàn diện hơn, các giao thức chuẩn hóa để đánh giá mức độ phơi nhiễm và tác động đến sức khỏe. Thách thức trong việc đo các hạt này trong các mẫu sinh học là do chúng có kích thước và thành phần rất khác nhau.
“Các phương pháp phát hiện được cải thiện sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về mức độ và tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người, cho phép thực hiện các nghiên cứu toàn diện hơn và các chiến lược can thiệp hiệu quả hơn”, ông cho biết.
Mặc dù việc loại bỏ nhựa khỏi cuộc sống của chúng ta là không thực tế, nhưng có những bước hành động mà chúng ta có thể thực hiện để giảm thiểu phơi nhiễm.
“90% các chất độc hại nhất đã có trong hầu hết các hộ gia đình, nghĩa là mọi người có thể giảm đáng kể mức phơi nhiễm bằng cách đưa ra những lựa chọn có ý thức trong việc tìm nguồn thực phẩm và lựa chọn sản phẩm gia dụng”, Tiến sĩ Savage cho biết.
Ông Charron cho biết: “Nên tiến hành kiểm tra nhựa trong nhà của bạn và ghi lại các loại nhựa đang sử dụng hàng ngày. Sẽ không thể điều chỉnh được nếu không biết bạn đang sử dụng nhiều nhựa nhất ở đâu”.
Ông cho biết, sau cuộc kiểm tra này, nên xác định nguồn nhựa phổ biến nhất được sử dụng trong nhà của bạn và tìm một giải pháp thay thế bền vững hơn.
Ngoài việc tránh sử dụng nhựa dùng một lần, ông khuyến nghị:
Ông khuyên rằng, quan trọng nhất là nên ủng hộ Luật giảm thiểu việc sử dụng nhựa. “Lệnh cấm thuốc lá và túi nhựa ở một số khu vực cực kỳ hiệu quả trong việc cắt giảm chất thải môi trường”.
Những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại ô nhiễm vi nhựa đang thu hút sự chú ý của cộng đồng. Vào tháng 3/2022, Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc đã quyết định tạo ra một Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả nhựa biển. Kế hoạch là sẽ hoàn thiện Hiệp ước này vào cuối năm 2024. Một Hiệp ước như vậy sẽ yêu cầu các quốc gia phải thực hiện các hành động cụ thể theo luật pháp quốc tế, với các hình phạt cho hành vi không tuân thủ – một bước quan trọng hướng tới hợp tác toàn cầu về rác thải nhựa.
Liên minh Châu Âu đã thông qua một chiến lược nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và tăng tái chế trên khắp các quốc gia thành viên. Tương tự như vậy, các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh đã cấm các hạt vi nhựa trong mỹ phẩm để giải quyết một nguồn chính của vi nhựa.
Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem thêm:
Đường dây mại dâm xuyên biên giới vừa bị phá. Trong đó, bé gái 15…
Bằng lời lẽ trào phúng, Tổng thống Ukraine Zelensky đã gạt bỏ thỏa thuận ngừng…
Giữa giờ nghỉ trưa, một học sinh lớp 8, học lực giỏi tại Thủy Nguyên…
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thảo luận về…
Mỹ đã bắt giữ một công dân Trung Quốc điều khiển máy bay không người…
Và tại Kasganj, từng có một cậu bé tên là Ajay, đã qua đời trong…