6 đồ dùng thường ngày ẩn giấu nhựa bên trong
- Minh Minh
- •
Thật khó để không sử dụng đồ nhựa. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều sử dụng nhựa nhiều hơn cả dự tính. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với môi trường sống, bởi vậy cần phải dùng đồ nhựa như thế nào cho hiệu quả.
Việc sử dụng sản phẩm thay thế hay có thể tái chế là một phần quan trọng trong việc giúp cho những đồ nhựa khỏi bị vứt ra bãi chôn lấp hoặc theo đường thủy mà ra sông, biển – nơi mà cá hay chim và các sinh vật khác có thể ăn, nuốt chúng.
Nhưng có những loại chất dẻo (plastic) đang được “cất giấu” ở những vật dụng, thậm chí là đồ uống mà bạn không hề nghi ngờ gì, ví dụ như túi lọc đựng trà. Vì vậy, trước hết bạn cần phải biết những thứ mà bạn đang dùng có chứa nhựa hay không, bởi vì khi bạn nhận thức được, bạn có thể sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng và xử lý nó.
Dưới đây là 6 món đồ mà chắc chắn một trong số chúng đang hiện hữu trong nhà bạn.
1. Trà túi lọc
Túi lọc trà có thể chứa một lượng nhỏ nhựa được bổ sung để giúp chúng giữ nguyên hình dạng khi được nhúng vào nước sôi. Các bao bì của loại trà lọc có túi bọc riêng cũng có thể có lớp lót bằng nhựa.
Khắc phục: Hãy dùng những loại trà có túi lọc không được làm bằng nhựa, hoặc mua trà lá rời, lá trà xanh tươi và sử dụng bình pha trà sứ, hay thủy tinh tuyền thống để pha/hãm trà, vừa đảm bảo không có chất thải nhựa có trong túi lọc mà còn tránh được nhiều chất thải giấy liên quan đến việc dùng trà.
2. Kim tuyến
Dù là trong các món đồ mà bạn đang sử dụng hay ở ngoài bãi rác thì kim tuyến cũng không bao giờ biến mất.
Kim tuyến rất khó để loại bỏ, khi những hạt kim tuyến lóng lánh bám lên người, quần áo, ghế, thảm hay sàn nhà thì đều rất khó để làm sạch, thậm chí nhiều ngày sau vẫn còn dấu ấn của chúng. Ngay cả khi bạn gắng sức làm sạch và đổ chúng vào thùng rác, thì chúng cũng sẽ “sống” trong bãi rác một thời gian rất dài.
Theo National Geographic, kim tuyến thường được làm từ các tấm nhựa. Nếu nó nổi lên khỏi mặt nước, nó sẽ trở thành một phần rác nhựa biển được “tiêu thụ” bởi các sinh vật phù du, cá, động vật có vỏ, chim biển và các sinh vật khác. Những con chim nuốt chất dẻo plastic trong dạ dày có thể chết vì đói.
Khắc phục: Tránh sử dụng kim tuyến nếu có thể.
3. Cốc (ly) giấy
Đừng để từ giấy trong từ “cốc giấy” đánh lừa bạn. Cốc giấy không hoàn toàn làm từ giấy. Mặc dù hầu hết thành phần của cốc giấy là giấy, nhưng những chiếc cốc dùng một lần này thường được lót một lớp nhựa mỏng. Bởi nếu một chiếc cốc được làm 100% từ giấy, thì khi đổ nước nóng già vào nó sẽ bị oằn, biến dạng.
Khắc phục: Khi đi ra ngoài, bạn hãy chuẩn bị một chai nước uống và cốc cà phê để mang theo bên mình nếu có thể. Khi ở nhà, tốt nhất hãy sử dụng đồ sứ, thủy tinh.
>> 14 cách đơn giản để giảm thiểu rác thải nhựa
4. Quần áo lót lông
Bạn có biết là trong lông lót áo có nhựa không?
Quần áo lông cừu được làm bằng sợi nhựa nhân tạo siêu mịn nhỏ li ti microfiber (vi hạt nhựa). Thông thường sợi lông được làm từ nhựa tái chế, và nguyên liệu thường được dùng là chai nhựa. Tuy nhiên, mỗi lần quần áo lông được giặt giũ, nó sẽ giải phóng “hàng ngàn vi hạt nhựa vào môi trường”, theo báo cáo của NPR. Khi những sợi nhỏ này đi vào nước uống hoặc vào đại dương, thì hoặc là chúng ta hoặc là các sinh vật biển sẽ nuốt chúng.
Khắc phục: Bạn có thể mua một bộ lọc cho máy giặt giúp loại bỏ nhiều sợi nhựa siêu nhỏ nhất có thể.
5. Đầu mẩu thuốc lá
Phần đầu lọc trong điếu thuốc lá được làm từ nhựa và sẽ không phân hủy sinh học.
Người ta thường ném đầu mẩu thuốc lá còn lại trên trên mặt đất – một điều kỳ quặc vẫn còn khá nhiều người chấp nhận – thay vì phải bỏ chúng một cách có trách nhiệm vào sọt rác. Khi bị vứt bừa bãi trên mặt đất, chúng có thể sẽ rơi và trôi theo vào dòng nước. Theo Science Alert, chỉ một đầu mẩu nhỏ thuốc lá có thể làm ô nhiễm một gallon (gần 4 lít) nước. Một phần của chất ô nhiễm đó là do nhựa được sử dụng làm đầu lọc thuốc lá gây ra.
Khắc phục: Đơn giản nhất hãy nói “KHÔNG” với thuốc lá, hãy cai bỏ thuốc lá. Tuy vậy, có rất ít người hút thuốc bỏ thuốc vì lý do sức khỏe, và họ cũng bỏ mặc “sức khỏe” của hành tinh này. Nếu bạn hút thuốc, đừng ném đầu mẩu thuốc lá xuống đất hoặc vào nước. Hãy bỏ chúng vào thùng rác hoặc trong các đồ đựng thuốc lá an toàn.
6. Khăn lau dùng một lần
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của khăn giấy dùng một lần. Khăn lau cho trẻ em, giấy vệ sinh cá nhân, giấy lau tay, khăn lau trang điểm,… có rất nhiều loại. Chúng thường được đóng gói trong túi hoặc hộp nhựa và chúng hiếm khi được tái chế. Chúng sẽ kết thúc vòng đời của mình trong thùng rác.
>> Làm cách nào để tiết kiệm khăn giấy?
Theo The Guardian, giấy lau có nhưng sợi nhựa không bị phân huỷ sinh học. Chúng làm tắc nghẽn ống cống và tạo ra những khối mỡ đông tụ hình thành do những miếng khăn lau và tã giấy khổng lồ kết hợp với chất béo như mỡ hoặc dầu ăn bị đổ xuống cống. Những chiếc khăn lau cuối cùng trôi nổi trong đại dương có thể sẽ khiến rùa ăn phải. Những khăn lau tiện dụng này sẽ trở nên rất bất lợi cho môi trường.
Khắc phục: Chỉ sử dụng khăn dùng một lần khi thật sự cần thiết. Hãy sử dụng những mảnh vải vụn để làm sạch bề mặt của đồ dùng thay vì dùng khăn lau kháng khuẩn dùng một lần (và giặt sạch miếng vải vụn đó sau khi dùng để tái sử dụng). Với trẻ sơ sinh, có thể tự làm giấy DIY tái sử dụng cho trẻ em và sử dụng chúng nhiều lần nhất có thể. Khi cần tẩy trang hãy dùng khăn rửa mặt. Nếu bạn sử dụng khăn lau dùng một lần, đừng vứt chúng vào bồn cầu.
Theo MNN
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa bảo vệ môi trường đồ nhựa vi hạt nhựa Ô nhiễm rác thải nhựa Bảo vệ sức khỏe