Theo một nghiên cứu mới, khả năng bảo vệ mà một người có được sau khi phục hồi khỏi COVID-19 giúp họ tránh khỏi nhiễm biến thể Omicron trong bối cảnh biến thể này đã trở nên thống trị ở Hoa Kỳ. Khả năng bảo vệ này được gọi là miễn dịch tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu của Phòng khám Cleveland tiết lộ, khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron của những người có miễn dịch tự nhiên và được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 cũng tương tự khả năng bảo vệ của những người không có miễn dịch tự nhiên nhưng được tiêm ba liều vắc-xin COVID-19. Đáng chú ý, những người đã được tiêm chủng đầy đủ một loại vắc-xin nhưng chưa được tiêm liều tăng cường (liều tiêm bổ sung) lại có nhiều khả năng nhiễm biến thể Omicron nhất.
Trong một thông báo gửi qua email cho tờ The Epoch Times, Tiến sĩ Nabin Shrestha, tác giả chính của nghiên cứu và là một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm nhận định: “Trong thời gian biến thể Omicron trở thành biến thể nổi trội gây ra việc lây nhiễm, thì việc nhiễm COVID-19 trước đó đã cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả chống lại việc nhiễm bệnh trong ít nhất 6 tháng ngay cả khi không tiêm chủng.”
Biến thể Omicron đã thay thế biến thể Delta trở thành biến thể thống trị ở Hoa Kỳ kể từ tháng 12/2021. Theo nghiên cứu, biến thể này có thể né tránh tốt hơn trước khả năng bảo vệ của cả tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên.
Tiến sĩ Shrestha và các đồng nghiệp đã phân tích hồ sơ của các nhân viên Phòng khám Cleveland, nhiều người trong số họ đã tiêm ít nhất hai liều vắc-xin COVID-19 của Pfizer hoặc Moderna, trong khi một số vẫn chưa tiêm chủng. Trong nỗ lực để đảm bảo dữ liệu chính xác cho phân tích của mình về việc nhiễm bệnh và tiêm chủng trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ khảo sát những nhân viên đã làm việc ít nhất kể từ ngày 16/12/2020.
Khi các nhà nghiên cứu phân tầng các trường hợp nhiễm bệnh theo thời gian kể từ lần nhiễm bệnh trước đó, họ phát hiện rằng khả năng miễn dịch tự nhiên dường như bắt đầu suy giảm sau khoảng 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Những nhân viên có miễn dịch tự nhiên có nhiều khả năng có kết quả xét nghiệm dương tính sau 6 tháng khỏi bệnh, tuy nhiên rủi ro này sẽ giảm xuống nếu họ được tiêm ít nhất một liều vắc-xin sau khi khỏi bệnh. Những người được tiêm chủng đầy đủ cũng cải thiện khả năng bảo vệ nếu họ được tiêm liều thứ ba, còn được gọi là liều tiêm tăng cường.
Trong nghiên cứu được công bố trên trang web medRxiv, các nhà nghiên cứu lưu ý: “Trong các phân tích hồi quy về mối nguy theo tỷ lệ Cox đa biến, việc tăng cường [khả năng bảo vệ] bằng vắc-xin COVID-19 được thiết kế cho một biến thể trước đó có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ bị nhiễm biến thể Omicron ở những người đã tiêm chủng trước đó hoặc đã bị nhiễm bệnh trước đó so với những người đã trải qua hơn 6 tháng kể từ khi bị nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng trước đó.”
Tuy nhiên, thật kỳ lạ, phân tích chỉ ra, những người khỏi bệnh COVID-19 nếu được tiêm hai liều vắc-xin thì thực sự có nguy cơ tái nhiễm bệnh cao nhất, thậm chí còn cao hơn những người chưa tiêm chủng. Kết quả phân tích cho thấy, trong số những người có miễn dịch tự nhiên, những người được tiêm ba liều vắc-xin sau khi khỏi bệnh có khả năng bảo vệ tốt hơn so với những người không tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào. Tuy nhiên đáng ngạc nhiên, những người chỉ tiêm một liều vắc-xin duy nhất lại có khả năng bảo vệ tốt nhất. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn lý do tại sao lại như vậy, và họ đang khuyến khích các nhà khoa học khác kiểm tra điều này trong các nghiên cứu trong tương lai.
Tiến sĩ Shrestha nhận xét: “Đối với những người đã từng nhiễm COVID-19 trước đó, việc tiêm nhiều hơn một liều vắc-xin không mang lại lợi ích gì so với việc tiêm một liều vắc-xin duy nhất trong việc bảo vệ trước biến thể Omicron.”
Ông nhấn mạnh: “Một cách hiệu quả, việc nhiễm bệnh trước đó ít nhất nên được coi là biện pháp bảo vệ chống lại việc nhiễm bệnh trong tương lai giống như khả năng bảo vệ của hai liều vắc-xin mRNA. Điều này không có ý nói rằng nhiễm bệnh thì tốt hơn là tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu ai đó đã bị nhiễm bệnh và sống sót, thì khả năng bảo vệ mà họ có được từ việc nhiễm bệnh tự nhiên nên được thừa nhận.”
Vắc-xin của Pfizer và Moderna được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA.
Hạn chế của nghiên cứu này là chỉ tập trung vào tất cả các ca nhiễm COVID-19, do không có khả năng thu thập dữ liệu đầy đủ về các ca nhập viện và các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng.
Nghiên cứu được công bố ngay sau khi các nhà khoa học ở Qatar phát hiện rằng miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ tốt trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, ngay cả khi các ca nhiễm do biến thể Omicron gây ra.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…