Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Mỹ Tucker Carlson hôm 5/12/2024 (ảnh lấy từ video của Bộ Ngoại giao Nga)
Hoa Kỳ và Nga đã có những bước đi đầu tiên hướng tới bình thường hóa bang giao sau thời kỳ bế tắc kéo dài nhiều năm dưới thời chính quyền Joe Biden.
Các phái đoàn từ Washington và Moskva đã gặp gỡ vào thứ Ba (18/2) tại thủ đô Riyadh, của Ả Rập Saudi, để thảo luận về việc khôi phục quan hệ ngoại giao, các cuộc đàm phán hòa bình liên quan đến Ukraine trong tương lai, và một hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Phái đoàn Hoa Kỳ gồm có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Phía Nga gồm có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Trợ lý Tổng thống Yury Ushakov và Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga Kirill Dmitriev.
Dưới đây là những điểm đáng chú ý mà các bên đã trao đổi từ cuộc họp kéo dài gần 4,5 giờ (theo góc nhìn từ phía Nga):
Theo Ngoại trưởng Lavrov, cuộc đàm phán rất hữu ích và cả hai phái đoàn đều đã làm việc “khá thành công” trong việc cải thiện mối quan hệ.
Ông Lavrov giải thích rằng một trong những bước đầu tiên được hai bên nhất trí trong cuộc gặp là giải quyết dứt điểm vấn đề về các phái bộ ngoại giao, bởi lẽ trong giai đoạn chính quyền Biden, hai nước đã tiến hành nhiều đợt trục xuất nhân sự ngoại giao, dẫn đến sự gián đoạn các kênh liên lạc chính thức giữa Moskva và Washington.
Như một phần của thỏa thuận này, Moskva và Washington đã cam kết nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ tại Nga và Hoa Kỳ, đồng thời dỡ bỏ những “rào cản nhân tạo” mà chính quyền Biden đã dựng lên nhằm “gây trở ngại nghiêm trọng” cho công tác của các phái bộ ngoại giao Nga và cản trở sự phát triển bang giao bình thường giữa hai quốc gia, ông Lavrov nhấn mạnh.
Các vị thứ trưởng bộ ngoại giao của hai nước sẽ sớm nhóm họp để giải quyết dứt điểm những vấn đề này, trong đó ông Lavrov liệt kê các vấn đề như việc tịch thu bất động sản của Nga tại Hoa Kỳ và những hạn chế đối với giao dịch ngân hàng mà phía Nga đang phải đối mặt.
Các phái đoàn Nga và Hoa Kỳ “không chỉ lắng nghe mà còn [thấu hiểu] nhau” trong suốt cuộc hội đàm, ông Lavrov tuyên bố. Ông cũng cho biết phía Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về lập trường của Nga, quan điểm mà Moskva đã nhiều lần trình bày trong suốt nhiều năm qua.
Dẫu vậy, Ngoại trưởng Lavrov cũng thừa nhận rằng xung đột lợi ích quốc gia giữa hai nước vẫn còn đó, nhưng điều quan trọng là cả hai bên đang nỗ lực thiết lập một kênh đối thoại.
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng cả Nga và Hoa Kỳ đã bày tỏ thiện chí nối lại các cuộc tham vấn nhằm giải quyết các vấn đề địa chính trị, đồng thời dỡ bỏ những rào cản đang cản trở sự hợp tác kinh tế. Ông Lavrov lưu ý rằng phía Hoa Kỳ đã thể hiện “quyết tâm” để “hướng tới” một giai đoạn mới trong bang giao song phương giữa Nga và Hoa Kỳ.
Phía Nga một lần nữa khẳng định lập trường của mình đối với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhấn mạnh rằng việc Kiev gia nhập NATO sẽ tạo ra một mối đe dọa trực tiếp đối với Moskva, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố sau cuộc hội đàm.
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng động thái triển khai binh sĩ của các quốc gia thuộc khối NATO tại Ukraine, dù dưới lá cờ của Liên minh châu Âu (EU) hay cờ quốc gia, đều là điều mà Nga không thể dung thứ.
Ngoài ra, phía Nga bày tỏ sự cảm kích đối với Tổng thống Trump vì đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thừa nhận rằng tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến cuộc chiến tranh này, ông Lavrov cho biết thêm.
Cố vấn Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov, nhận định rằng hai phái đoàn đã có một “cuộc thảo luận hết sức nghiêm túc về mọi vấn đề” mà đôi bên mong muốn giải quyết. Tuy nhiên, ông Ushakov thừa nhận rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu lập trường của Moskva và Washington thực sự đã xích lại gần nhau hay chưa.
Dẫu vậy, ông Ushakov lưu ý rằng Nga và Hoa Kỳ đã nhất trí “tôn trọng lợi ích của nhau” trong khi tiếp tục thúc đẩy bang giao song phương.
Ông Ushakov cho biết, mặc dù Hoa Kỳ và Nga đã trình bày rõ lập trường của mình về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, nhưng tiến trình đàm phán cụ thể sẽ do “các nhóm thương thảo” của hai nước đảm nhiệm, với mục tiêu đạt được những bước tiến thực chất “vào thời điểm thích hợp”.
“Người Mỹ cần bổ nhiệm đại diện của họ, chúng tôi cũng sẽ chỉ định đại diện của mình, và sau đó, có lẽ, [tiến trình thương thuyết] sẽ chính thức khởi động”, ông Ushakov phát biểu.
Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cho biết các cuộc trao đổi diễn ra với tinh thần “tôn trọng” và trên cơ sở bình đẳng. Ông Dmitriev cũng bày tỏ quan điểm rằng hai bên có thể đạt được những tiến triển đáng kể trong vòng hai hoặc ba tháng tới.
Tuy nhiên, ông Dmitriev cũng thừa nhận rằng vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ sự nhượng bộ nào, song cuộc hội đàm lần này đã đặt ra “nền tảng quan trọng” để khởi động một giai đoạn đối thoại mới. Các quan chức hai bên nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và mở rộng các cơ hội kinh tế có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
“Chúng ta cần theo đuổi các dự án chung, chẳng hạn như ở Bắc Cực và nhiều lĩnh vực khác”, ông Dmitriev nhấn mạnh.
Sau cuộc hội đàm hôm thứ Ba (18/2), ông Ushakov cho biết hiện vẫn chưa thể ấn định một ngày cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh cấp cao giữa ông Putin và ông Trump, đồng thời nhấn mạnh rằng khả năng hội nghị diễn ra vào tuần tới, như một số cơ quan truyền thông đã dự đoán, là điều “khó có thể xảy ra”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo sau cuộc hội đàm rằng Ngoại trưởng Marco Rubio và phái đoàn của ông đã đạt được thỏa thuận với phía Nga trong việc thiết lập một “cơ chế tham vấn” để giải quyết những bất đồng trong quan hệ song phương và bình thường hóa hoạt động của các phái bộ ngoại giao của hai nước.
Theo đó, ông Rubio tuyên bố rằng Nga và Hoa Kỳ đã nhất trí khôi phục lại số lượng nhân sự ngoại giao tại đại sứ quán của mỗi bên tại Moskva và Washington, vốn đã bị cắt giảm đáng kể trong những năm qua do căng thẳng chính trị.
Ngoài ra, ông Rubio cho biết thêm Moskva và Washington cũng sẽ phải xem xét các phương án hợp tác địa chính trị và kinh tế trong tương lai, một khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine được giải quyết.
Washington cũng thông báo rằng Nga và Hoa Kỳ đã đồng ý thành lập các nhóm công tác cấp cao nhằm tìm ra một lộ trình giải quyết cuộc chiến tranh Nga-Ukraine trong thời gian sớm nhất, đồng thời bảo đảm một nền hòa bình lâu dài và được tất cả các bên chấp nhận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Tammy Bruce, nhấn mạnh rằng “một cuộc điện đàm [giữa ông Putin và ông Trump], tiếp theo là một cuộc họp” không đủ để thiết lập một nền hòa bình bền vững tại Ukraine. Bà Bruce khẳng định rằng, dù cuộc gặp hôm thứ Ba (18/2) là “một bước tiến quan trọng”, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Thiên Vân, theo RT
Mức thuế chống phá giá áp dụng với sản phẩm thép cán nóng từ Trung…
Philippines thông báo rằng hành động trấn áp lừa đảo trên Internet của họ đã…
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tối hậu thư cho Ukraine về việc…
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu không…
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (20/2) thông báo rằng họ đã ra lệnh…
Người đàn ông trong video được cho là vừa xin tha cho người vi phạm,…