Ấn Độ gần đây đã tập trung cho chiến lược phát triển Quần đảo Andaman và Nicobar (gọi tắt là ANI) tại Ấn Độ Dương, nơi chiếm vị trí quan trọng trong giao thương hàng hải Đông – Tây, với một loạt các dự án về cơ sở hạ tầng, kinh tế và quốc phòng, theo The Epoch Times. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp ích cho Ấn Độ và các đồng minh của họ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để đối đầu với Trung Quốc.
Theo các bài báo trên truyền thông địa phương ngày 25/8, Ấn Độ đang nâng cấp hai phi đạo trên quần đảo thành căn cứ máy bay chiến đấu chính thức. Thủ tướng Narendra Modi cũng đã khởi động các dự án phát triển khác trong vài tuần qua.
Ông Pratik Dattani, cố vấn của tổ chức tư vấn chính phủ Bridge India đặt tại London, nói với The Epoch Times trong một email rằng “quần đảo Andaman và Nicobar có vị trí thiết yếu với quyền tiếp cận các điểm ra vào chính ở khu vực Ấn Độ Dương. Chúng giám sát Eo biển Malacca, một vị trí án ngữ nối tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.”
“Về lý thuyết, bằng cách kiểm soát khu vực này, Ấn Độ hoặc Hoa Kỳ có thể ngăn chặn sự di chuyển của Trung Quốc đi qua Eo biển, cắt đứt tuyến đường cung cấp năng lượng chính của Trung Quốc từ Trung Đông,” ông Dattani nói.
Quần đảo Andaman và Nicobar là một chuỗi 572 hòn đảo gần với kênh vận chuyển hàng hải của Eo biển Malacca, nằm giữa Malaysia và Indonesia. Mặc dù chỉ có 38 hòn đảo có người ở, nhưng chúng tạo thành 30% Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ.
Quần đảo này làm tăng ranh giới hàng hải của Ấn Độ sâu vào Ấn Độ Dương, và bởi ở vị trí gần với Eo biển Malacca, nên các tuyến thương mại hàng hải đều cần phải đi ngang qua vùng EEZ của Ấn Độ.
“Quần đảo này nằm ở vị trí chiến lược, có thể giám sát các tuyến vận tải đường biển quan trọng của Trung Quốc, do đó tạo cho Ấn Độ lợi thế rất trọng yếu,” ông Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu và là người đứng đầu Chương trình nghiên cứu chiến lược thuộc tổ chức Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại New Delhi, nói với The Epoch Times.
Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) lưu ý rằng 80% thương mại toàn cầu tính theo số lượng và 60% tính theo giá trị đi qua vùng biển này và 60% trong số này đi qua Eo biển Malacca.
Một báo cáo của CSIS cho biết: “Vùng biển của Ấn Độ đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc; các nước này đều phụ thuộc Eo biển Malacca kết nối với Biển Đông, nói rộng ra là kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.”
Ông Girish Kant Pandey, một nhà phân tích chính trị và là phó giáo sư Khoa nghiên cứu quốc phòng thuộc Đại học Gorakhpur ở miền trung Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng 80% giao thương dầu của Trung Quốc và 60% tổng thương mại của nước này đi qua Eo biển Malacca, và do đó phải đi qua EEZ của Ấn Độ.
Ông Pandey cho biết “trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công trong tương lai, Ấn Độ và các đồng minh có thể đối phó với cuộc xâm lăng của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn hoạt động thương mại hàng hải của họ. Việc đóng lối vào Malacca sẽ buộc Trung Quốc phải đi đường vòng dài hơn, điều này sẽ làm tăng giá hàng hóa của họ một cách đáng kể.”
Kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu vào ngày 15/6 giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại Galwan, khu vực biên giới dọc Himalaya, Ấn Độ đã triển khai lực lượng đến các điểm nóng trên đất liền cũng như tại các biên giới trên biển.
Nước này cũng cho thấy đang tập trung phát triển trở lại quần đảo ANI cả về mặt kinh tế và chiến lược. Truyền thông Ấn Độ đăng tin hôm 25/8 cho biết New Delhi đang nâng cấp hai phi đạo trên ANI dùng cho mục đích quân sự.
“Quần đảo này sẽ giống như hàng không mẫu hạm mới của Ấn Độ, giúp mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Ấn Độ tại khu vực xa đất liền,” một tư lệnh ba lực lượng nói với nhật báo Ấn Độ Hindustan Times.
Ông Dattani cho biết điều này sẽ giúp Ấn Độ đảm bảo an ninh từ Vịnh Bengal đến Eo biển Malacca. Ông nói: “Hiện tại, đây là yêu cầu cấp thiết đối với Ấn Độ để chống lại một loạt động thái hung hăng của Trung Quốc, nhưng cần phải biến nó thành một phần của kế hoạch anh ninh hàng hải nhất quán và mạnh mẽ.”
Truyền thông Ấn Độ cũng đăng tin rằng việc nâng cấp đang được thực hiện gấp rút để chống lại Trung Quốc khi Bắc Kinh đang thúc đẩy Thái Lan xây dựng một kênh đào đi xuyên qua bán đảo Malay nhằm tạo ra một tuyến đường hàng hải mới thay thế cho Eo biển Malacca.
Vào ngày 10/8, ông Modi đã khánh thành dự án tuyến cáp quang biển dài khoảng 2.300km (OFC) nối từ thành phố ven biển Chennai đến Port Blair, thủ phủ của ANI.
Ông Dattai cho biết “dự án này đã được thực hiện một thời gian và sẽ giúp cho việc liên lạc với quần đảo tức thời. Nhưng nó chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược hàng hải lớn hơn nhiều mà Ấn Độ cần phải thực hiện để kết hợp với Bộ tứ kim cương QUAD và các đối tác khác trong khu vực.” QUAD là Nhóm đối thoại an ninh bốn bên gồm có Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Úc.
Một ngày trước khi khánh thành OFC, ông Modi cho biết Ấn Độ đã chọn được 12 hòn đảo của ANI để thực hiện các dự án “có ảnh hưởng lớn” nhằm biến các hòn đảo này thành một trung tâm kinh tế trên biển và là một nơi quan trọng cho việc khởi nghiệp hàng hải.
Nước này đang mở rộng sân bay tại Port Blair và cũng đang tăng tốc xây dựng tuyến đường cao tốc quốc gia dài 300km xuyên qua quần đảo.
Ông Pant cho biết trong quá khứ, việc phát triển quần đảo bị đình trệ do không được quan tâm đúng mức.
Ông nói: “Mặc dù các quần đảo ANI là nơi có Bộ Tư lệnh tác chiến duy nhất của Ấn Độ, nhưng trong quá khứ, chúng bị xuống cấp là do sự trì trệ quan liêu và đối đầu trong cạnh tranh dịch vụ. Ngày nay, [việc phát triển lại] trở thành vấn đề cấp thiết trong bối cảnh mối quan hệ Trung – Ấn ngày càng xấu đi.”
> Ấn Độ tiếp tục cấm thêm 118 ứng dụng di động của Trung Quốc
Các chuyên gia cho biết quần đảo ANI có thể được phát triển thành căn cứ quân sự hiện đại cho Ấn Độ và các đối tác của họ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Pandey nhận định rằng “Ấn Độ có thể phát triển Quần đảo Andaman Nicobar thành một căn cứ hiện đại để đối phó với những sự cố bất ngờ trong tương lai do vị trí chiến lược của chúng trên tuyến đường hàng hải. Chúng tôi đã có một tư lệnh ba lực lượng ở đó và chúng tôi đã tham gia cuộc tập trận Malabar ở đó cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.”
Cuộc tập trận Malabar là cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc, nước mới tham gia năm nay.
Ông Pandey cho biết, “Trung Quốc có thể tiếp quản 14 hòn đảo ở Thái Bình Dương vốn đang nợ chồng chất và thay đổi chính sách hàng hải của họ. Các tuyến đường giao thương của Úc lại đi qua những hòn đảo này, và đó là lý do tại sao Úc ngày càng quyết đoán hơn đối với Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao Úc cùng tham gia vào cuộc tập trận Malabar.”
Trong bản tóm tắt chính sách hôm 26/7 về việc tận dụng tiềm năng chiến lược của ANI, ông Sujan R. Chinoy, tổng Giám đốc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar, một tổ chức tư vấn chính phủ do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tài trợ, cho biết Ấn Độ nên mở cửa các quần đảo cho hải quân của các nước bạn bè như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Ống Chinoy nói: “Khi nói đến Hoa Kỳ, không có tàu hải quân hay máy bay nào của họ được phép tiếp cận Quần đảo ANI trong quá khứ. Đây là vấn đề cần phải được điều chỉnh trong bối cảnh Ấn Độ và Hoa Kỳ có quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện và Hoa Kỳ ngày nay là đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ.”
Ông Pant cho biết quần đảo này có thể trở thành tiền đồn quan trọng nhất của Ấn Độ để gia tăng sức mạnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng New Delhi sẽ phải hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng.
Ông Pant nói: “Việc hợp tác công nghệ cấp cao với Hoa Kỳ sẽ là chìa khóa để phát triển quần đảo ANI thành một tiền đồn hải quân hiện đại, đặc biệt nó có thể được dùng để theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.”
Theo The Epoch Times
Gia Huy biên dịch
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…