Ấn Độ tố cáo Trung Quốc lại khiêu khích ở biên giới
- Trần Minh
- •
Ấn Độ buộc tội Trung Quốc “khiêu khích quân sự” tại lãnh thổ tranh chấp, vi phạm đồng thuận biên giới chung đạt được trong cuộc đàm phán hòa bình gần đây.
Âm mưu của Trung Quốc là nhằm thay đổi nguyên trạng ở khu vực Ladakh, New Delhi nói. Đây là cáo buộc mới nhất của Ấn Độ, đưa ra sau nhiều vòng đàm phán kể từ vụ xung đột chết người hồi tháng Sáu.
Khi đó, ít nhất 20 binh lính Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ bằng nắm đấm, gạch đá và vũ khí thô sơ với binh lính Trung Quốc. Trung Quốc không công bố số liệu thương vong phía mình.
Hai quốc gia hạt nhân đổ tội cho nhau đã xâm lấn sang đường phân ranh lỏng lẻo ở biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc đều khẳng định đối phương mới là người khiêu khích trước, châm ngòi xung đột.
Trung Quốc chưa bình luận về cáo buộc mới nhất của Ấn Độ.
Chính quyền Delhi nói lính Ấn Độ đã “chặn đầu” các hành động của Trung Quốc tại “Bờ Nam hồ Pangong Tso”, trong đêm 29/8.
“Chúng tôi đã hành động để tăng cường vị thế của mình và phá vỡ mưu đồ đơn phương thay đổi hiện trạng trên mặt đất của Trung Quốc”, chính quyền Ấn Độ ra tuyên bố nói.
Tuyên bố nói thêm rằng Delhi cam kết đàm phán hòa bình, nhưng cũng “kiên quyết như vậy khi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.
BBC cho hay các nhà phân tích nói việc Ấn Độ ra thông báo công khai như vậy cho thấy tình trạng hòa bình tương đối với Trung Quốc ở khu vực biên giới đã bị phá vỡ.
Vụ đụng độ tháng Sáu
Các bản tin truyền thông quốc tế cho biết quân đội 2 bên đã ẩu đả trên một sườn núi dốc ở độ cao 4.300m. Một số lính Ấn Độ bị ngã xuống dòng sông Galwan chảy xiết ở nhiệt độ lạnh gần 0 độ C.
Ngoài 20 lính Ấn thiệt mạng, còn ít nhất 76 lính bị thương, theo các bản tin.
Các vụ ẩu đả biên giới Trung-Ấn diễn ra không có tiếng súng do hai nước ký thỏa thuận cấm súng ống và thuốc nổ ở khu vực này vào năm 1996.
Từ năm đó, hai nước đã tổ chức nhiều cuộc họp quân sự để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, hai bên vẫn liên tục chỉ trích đối phương vì không bên nào chịu dừng công trình xây dựng ở biên giới. Tới nay, các vụ đụng độ nhỏ vẫn xảy ra. Vụ đụng độ tháng Sáu là lớn nhất từ khi chiến tranh biên giới kết thúc.
Các nhà phân tích cho hay sau vụ ẩu đả quy mô lớn tháng Sáu, tình hình biên giới Trung-Ấn vẫn như ngồi trên đống lửa.
Nguyên nhân xung đột?
Đường Kiểm soát Thực ở biên giới Ấn-Trung được ấn định rất lỏng lẻo. Vì địa hình có sông hồ và đỉnh núi tuyết phủ khiến đường kiểm soát này có thể bị thay đổi.
Binh lính từ cả 2 bên thường xuyên giáp mặt nhau ở nhiều điểm chốt trên đường ngăn cách này. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã huy động hàng ngàn lính tới Thung lũng Galwan và tố Trung Quốc chiếm 38.000 km2 lãnh thổ của mình.
Nhiều vòng đàm phán diễn ra trong suốt 3 thập kỷ, nhưng đều không giải quyết được tranh chấp biên giới. Tuy vậy, chiến tranh Trung-Ấn mới nổ ra một lần vào năm 1962. Khi đó Ấn Độ thảm bại.
Gần đây Ấn Độ cho xây một con đường ở vùng xa xôi hẻo lánh nhất đất nước tại Ladakh. Việc này được cho là có thể tăng khả năng điều động chóng vánh nhân lực và hỏa lực nếu xung đột xảy ra. Các nhà quan sát cho rằng việc này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.
Trần Minh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Ấn Độ Xung đột biên giới Trung-Ấn Dòng sự kiện