Tác giả: Randall Schweller, giáo sư Khoa học Chính trị và Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chính sách Đối ngoại thực dụng tại Đại học bang Ohio, Hoa Kỳ
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 tạo ra chấn động không kém một cơn thảm họa. Ít nhất, đây đã là và vẫn là niềm tin vững chắc của “bọn võ đoán” – từ mà Ben Rhodes, một cố vấn đối ngoại trong chính quyền Obama gọi những người từ cả 2 đảng và trong giới truyền thông lẫn các cơ quan ngoại giao mà bị thúc đẩy bởi lối suy nghĩ theo thói quen, trịch thượng và không có một tí xíu lòng trung thành nào với nước Mỹ, lo ngại về sự suy sụp của nước Mỹ.
“Chúng ta có lẽ rất gần sẽ chứng kiến một sự suy thoái toàn cầu mà không thấy điểm kết thúc”, tác giả Paul Krugman của tờ New York Times dự đoán sau đêm ông Trump thắng cử. Những người khác cũng tiên tri rằng ông Trump sẽ từ chức hoặc bị hất cẳng trong vòng một năm đầu tiên, rằng ông sẽ phải trốn chui trốn lủi trong Đại sứ quán Ecuador trong vòng 6 tháng (nhà bình luận phe cấp tiến John Aravosis), hoặc là nước Mỹ đang bước vào cùng một con đường mà Đức đã trải qua, từ nền Cộng hòa Weimar tới Đệ tam Đế Chế.
Tác giả của tiên tri trên chính là cựu Tổng thống Barack Obama. Khi nói chuyện tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago hồi tháng 12 năm ngoái, ông ta đã nhắc tới bóng ma của Đức Quốc xã như là tương lai đen tối của Hoa Kỳ nếu người Mỹ không “bỏ phiếu”, mà ai cũng biết rằng là bỏ phiếu cho Đảng dân chủ của ông ta.
“Chúng ta phải chăm sóc cho khu vườn dân chủ này, nếu không mọi thứ có thể sụp đổ rất nhanh. 60 triệu người đã chết, vì thế các bạn phải chú ý, và phải bỏ phiếu”. Tới nay, hơn 1 năm rưỡi sau khi Trump ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất ở Nhà Trắng, thế giới vẫn chưa kết thúc và tất cả các “tiên tri” chống lại ông Trump cũng không cái nào trở thành sự thực. Sau một năm nhiệm kỳ, Nhà nước Hồi giáo IS – phải nói rõ đây là một tổ chức phát xít – gần như đã bị đánh bại tại Syria và xóa sổ khỏi căn cứ tại Iraq, nhờ vào quyết định của chính quyền Trump là trang bị vũ khí cho nhóm dân quân người Kurd có sức chiến đấu chống IS tốt nhất tại Syria và cởi trói cho quân đội Mỹ có nhiều không gian chiến đấu hơn. Trong khi đó, ông Trump vẫn tiếp tục chiến lược của Obama là tránh chiến tranh toàn diện tại Trung Đông, nhưng lại thành công nơi ông Obama thất bại khi vạch một lằn ranh đỏ thực sự đối với việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học bằng cách thực hiện một cuộc tấn công chính xác, chớp nhoáng bằng tên lửa.
Ở Bắc Hàn, chiến lược “áp lực tối đa” của ông Trump đã làm giảm một nửa lượng ngoại tệ chảy về chế độ Bắc Hàn và buộc Kim Jong Un phải nhận ra rằng lựa chọn duy nhất cho ông ta là đàm phán. Ở mặt trận đối nội, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8% trong tháng 5 vừa qua, một con số chưa từng thấy từ những ngày nước Mỹ sống trong cơn sốt dot-com; tỷ lệ thất nghiệp trong những người Mỹ gốc phi và gốc latinh thì xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Dưới chiến lược “xóa bỏ thủ tục quan liêu” và cởi trói do doanh nghiệp, niềm tin của người tiêu dùng và thị trường chứng khoán ở mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, số lượng đơn vay tiền mua nhà ở Mỹ ở mức cao nhất trong vòng 7 năm, giá khí đốt đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm.
Cuối cùng, với việc thực hiện cam kết chấm dứt thời kỳ mà “các chính trị gia của chúng ta thích bảo vệ biên giới nước khác hơn biên giới nước mình” của ông Trump, nhập cư phi pháp giảm 38% từ tháng 11/2016 tới tháng 11/2017, và vào tháng 4/2017, Cảnh sát tuần tra biên giới Mỹ ghi nhận 15.766 vụ bắt giữ những người vượt biên trái phép tại biên giới đông nam – con số thấp nhất trong vòng 17 năm. Như những người phản đối ông Trump lên án, ông Trump quả thực đã từ bỏ rất nhiều giáo lý của trật tự quốc tế cấp tiến, một hệ thống nhiều mặt nhiều chân rết mà Mỹ và các đồng minh tạo ra và đã củng cố trong suốt 7 thập kỷ qua.
Khi thách thức chính những nền móng cốt lõi nhất của thể chế toàn cầu hóa, ông Trump đã lên án Tổ chức thương mại thế giới, cắt giảm trợ cấp cho Liên Hiệp Quốc, công kích NATO, đe dọa chấm dứt các thỏa thuận thương mại đa phương, kêu gọi Nga tái gia nhập G-7 và quay lưng với những kêu gọi giải quyết các vấn đề toàn cầu – như thay đổi khí hậu. Nhưng bất chấp những gì đám đông tại Davos (Thụy Sĩ) đang kêu gào, những chính sách này của ông Trump nên được hoan nghênh chứ không phải là lên án. Cách tiếp cận theo lối giao dịch của của ông ta đối với các vấn đề đối ngoại đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Mỹ: Quan tâm hơn tới việc đạt được lợi ích trong ngắn hạn hơn là duy trì các mối quan hệ trong dài hạn.
Ông Trump đã gửi đi thông điệp rằng Mỹ từ giờ sẽ chăm sóc cho lợi ích của mình – theo một nghĩa hẹp – chứ không phải lợi ích của cái gọi là cộng đồng quốc tế, thậm chí điều này làm mất lòng các liên minh lâu đời của họ. Quan điểm đối ngoại này, về bản chất là của một người thực dụng chứ không phải bảo hộ. Trong khi vận động tranh cử lẫn khi ngồi trong Phòng Bầu Dục, ông Trump luôn lập luận rằng nước Mỹ cần các đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm tài chính trong việc bảo vệ bản thân họ. Ông cũng yêu cầu các thỏa thuận thương mại phải tốt hơn và công bằng hơn thực trạng bất lợi đối với doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Ông thề sẽ bảo vệ ngành sản xuất nội địa khỏi những kẻ thao túng tiền tệ. Ông ta là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Ông tin rằng các yếu tố chính trị phải quyết định các quan hệ kinh tế, rằng toàn cầu hóa không tạo ra sự hòa thuận giữa các quốc gia, và sự phụ thuộc kinh tế chồng chéo nhau làm quốc gia dễ bị tổn thương hơn.
Ông cũng cho rằng nhà nước nên can thiệp khi mà lợi ích của các nhân tố trong nước vượt khỏi vai trò của nó, chẳng hạn ông kêu gọi tẩy chay Apple vì công ty này từ chối giúp FBI phá khóa iPhone của tên khủng bố đã thực hiện vụ tấn công ở San Bernardino năm 2015. Quan điểm thực tế này không chỉ chính đáng mà còn phản ánh mong muốn của cử tri Hoa Kỳ, những người đã nhận ra một cách đúng đắn rằng nước Mỹ không còn trị vì trong một thế giới đơn cực kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh nữa, thay vào đó, họ đang sống trong một thế giới đa cực, nơi Mỹ thường xuyên bị cạnh tranh và thách thức.
Ông Trump đơn giản là người dám bỏ đi cái vỏ lỗi thời và nhìn thẳng vào bản chất của nền chính trị thế giới như nó vẫn luôn là: một mặt trận cạnh tranh khốc liệt nơi bất kỳ bên nào tham gia cũng là các quốc gia đặt lợi ích của mình lên trên hết, coi trọng an ninh và phúc lợi kinh tế cho mình nhất. Chiến lược “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump chỉ gây sốc cho những sinh viên quá ngây thơ, quá cải lương bởi nó cũng bình phàm như bất kỳ quốc gia nào khác: thúc đẩy lợi ích của đất nước lên trên mọi thứ khác.
Một nội dung quan trọng trong chính sách của ông Trump là tái cân bằng cán cân mậu dịch với các nước khác. Mục tiêu là giải quyết thực trạng mất cân bằng thương mại quá đáng một cách có hệ thống với các nước giàu có ở Đông Á và Châu Âu, trong khi bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng đối với an ninh nước Mỹ. Cán cân thương mại là khoảng chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia. Khi một nước nhập nhiều hơn xuất, nước đó phải chịu thâm hụt mậu dịch, tức là họ phải phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc vay tiền ở thị trường quốc tế để bù vào. Trong dài hạn, việc thâm hụt mậu dịch quá lớn và liên tục làm giảm tổng nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong một quốc gia, giảm tăng trưởng và giảm công ăn việc làm. Năm 2017, thâm hụt mậu dịch của Mỹ tăng 12%, lên 566 tỷ USD, mức lớn nhất kể từ năm 2008. Xét về con số thâm hụt này, thật lạ khi ông Trump lại bị gán nhãn là kẻ “theo chủ nghĩa bảo hộ” và “kẻ liều chết phá hủy trật tự kinh tế tự do” bởi những nước được cho là “bạn hữu và đồng minh của Mỹ”. Với những kẻ phản trắc này, chính quyền Trump gửi một thông điệp thẳng thắn: “Quý vị sẽ không thể coi Mỹ như một thằng ngu nữa. Nói cách khác: Chú Sam không còn là ông chú nuôi ngờ nghệch”.
Những kẻ “võ đoán” lo ngại rằng các chính sách gần đây của chính quyền Trump là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ không còn muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu nữa, tuy nhiên việc ông Trump đe dọa đánh thuế và các biện pháp bảo hộ khác nên được xem là con bài thương lượng để mở cửa các thị trường nước khác. Các biện pháp này cũng đại diện cho cách vận dụng ngoại giao thương mại tới một mức độ xuất sắc chiến lược, sử dụng chế tài và các hình thức khác trong khả năng kinh tế của một quốc gia để gây áp lực buộc nước khác làm những gì Washington muốn. Cuối cùng thì Mỹ vẫn là một thị trường xuất khẩu hàng đầu và đây là lợi thế vô cùng lớn trong các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng trong quá khứ, ít có tổng thống nào tận dụng tối đa lợi thế này như ông Trump, bởi vì động chạm tới khả năng một nước khác có thể xuất khẩu với Mỹ sẽ ngay lập tức thu hút những công kích từ “lực lượng bảo vệ tự do thương mại thế giới”, cũng như châm biếm rằng Mỹ là kẻ “bắt nạt” các nước yếu. Không giống các lãnh đạo trước, ông Trump không sợ bị gọi là “kẻ bắt nạt” hay “kẻ mị dân”, ông ta đơn giản là cứ làm những gì mà ông ta cho là đúng. Với Trung Quốc, đối thủ tiềm tàng duy nhất có khả năng vươn lên ngang hàng với nền kinh tế Mỹ, ông Trump đã vận dụng ngoại giao thương mại để gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ ở nhiều trường hợp.
Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc là 375 tỷ USD trong năm 2017; trong các cuộc đàm phán hồi tháng 5, truyền thông đưa tin rằng Bắc Kinh đã đồng ý giảm con số này xuống 200 tỷ USD vào năm 2020. Chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt cái mà Washington gọi là trợ cấp không công bằng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã lần lượt mua lại nhiều công nghệ quan trọng của Mỹ trong khi doanh nghiệp Mỹ bị Trung Quốc cấm làm điều tương tự khi hoạt động ở Trung Quốc. Nhưng nay, Nhà Trắng đã khôn ngoan hơn, buộc Trung Quốc phải làm ăn theo những điều kiện tương tự nhau. Tờ New York Times hồi tháng 3/2018 đưa tin Mỹ “đang chuẩn bị giới hạn đầu tư Trung Quốc trong các ngành công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ, từ vi mạch cho tới công nghệ 5G không dây”. Trong một bước hướng tới tái cân bằng quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, chính quyền Trump đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng là máy giặt và tấm năng lượng mặt trời của Trung Quốc, đồng thời cũng áp thuế lên thép và nhôm với lý do an ninh quốc gia. Hồi tháng 4, chính quyền Trump dọa áp thuế lên khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong danh mục khoảng 1.300 loại hàng hóa, đặt ra thách thức thương mại mạnh mẽ nhất đối với Bắc Kinh trong hàng thập kỷ qua. Trung Quốc xuống nước đề nghị mua thêm 70 tỷ USD hàng Mỹ nếu ông Trump bỏ qua không đánh thuế.
Hồi tháng 5/2018, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 25% xuống 15% (thuế này ở Mỹ là 2,5%). Ông Trump loan báo rõ ràng rằng kể cả các nước hàng xóm và đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng không được miễn thuế. Cuối tháng 5, ông tiến hành kế hoạch đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm từ Canada, Mexico và EU, thực hiện lời hứa tranh cử của mình. Lý do của việc này là, theo kết luận của Bộ Thương Mại Mỹ, việc nhập khẩu các kim loại giá rẻ này gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và gây thiệt hại cho cơ sở công nghiệp Mỹ. Canada tuyên bố đáp trả bằng thuế và tất cả các nước thành viên G-7, trừ Mỹ, ra một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại và thất vọng”đối với quyết định của Mỹ.
Không xét tới sự tức giận của quốc tế, quyết định đánh thuế của ông Trump không nằm ngoài nội dung cơ bản của Chủ nghĩa thực dụng. Như nhà khoa học chính trị Jonathan Kirshner đã chỉ ra, trong một thế giới hỗn loạn, “các quốc gia sẽ cố gắng vì sự độc lập tự chủ của mình, để có thể đảm bảo khả năng sản xuất các phương tiện cần thiết để tự vệ, cũng như giảm tính dễ bị tổn thương mà có thể sinh ra từ việc các dòng kinh tế toàn cầu trong thời bình đột ngột bị cắt đứt”. Quả thực, trong một bài phát biểu trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã trình bày dứt khoát về quan điểm đối ngoại này của mình: “Chưa có quốc gia nào từng thịnh vượng mà không đặt lợi ích của mình trước tiên. Cả bạn hữu lẫn kẻ thù của ta đều đặt đất nước họ lên trước chúng ta, và chúng ta, trong khi công bằng với họ, phải bắt đầu làm như thế. Chúng ta sẽ không tiếp tục đầu hàng quốc gia này và nhân dân của nó cho khúc ca lầm lạc của chủ nghĩa toàn cầu. Quốc gia – nhà nước vẫn là nền tảng chân chính của hạnh phúc và hòa hợp”.
(…)
Trọng Đức biên dịch
Xem thêm:
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…