Không phải toàn cầu hóa, ông Trump là người theo đuổi chủ nghĩa quốc tế
- Leon Hadar
- •
Bài phát biểu gần đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước toàn thể Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ là một biểu hiện khác cho thấy rằng ông chủ Tòa Bạch Ốc – một người thường bị dán nhãn là theo đuổi “chủ nghĩa dân tộc” và “bài ngoại” đã đặt mục tiêu hủy bỏ trật tự quốc tế cấp tiến thời hậu Chiến tranh Lạnh. Điều đó đánh dấu khởi đầu của việc kết thúc Kỷ nguyên Khai Sáng, và là chỉ dấu cho thấy thời kỳ Khải Huyền đang tới.
Tổng thống Mỹ được cho là nên phải tôn vinh phần “Liên Hiệp” (United) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), chứ không phải là phần “Các Quốc gia” (Nations). Ông ta nên tán dương lời hứa về chủ nghĩa toàn cầu trong bài phát biểu của mình, chứ không phải là nhắc tới đặc tính của quốc gia-dân tộc hay chủ quyền quốc gia.
Trên tờ Washington Post gần đây, ông E.J.Dionne, một người ủng hộ chính phủ mới của Mỹ, đã bày tỏ rằng ông không ngạc nhiên khi ông Trump đã nhận được tràng pháo tay của các lãnh đạo thế giới khi ông ta nói rằng “các quốc gia nên luôn luôn đặt lợi ích của chính mình lên trên hết”. “Tính vị kỷ là phổ biến”, ông Dionne giải thích và nói thêm rằng: “Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nghi ngờ gì nữa đã gật đầu đồng ý khi họ được phiên dịch về những ngôn từ của ông Trump”.
Thực ra, không có ai ngạc nhiên nếu Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho đánh giá 5 sao khi Tổng thống Donald Trump phát biểu rằng: “Là Tổng thống của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước quý vị, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt đất nước của quý vị lên trên hết”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể tôn vinh hợp tác quốc tế trong các bài diễn văn. Tuy nhiên, trong thực tế họ duy trì cam kết bảo vệ lợi ích của quốc gia mình.
Trong nhiều năm, những người ủng hộ quan điểm cho rằng quốc gia-dân tộc đã chết, đã từng thúc giục Pháp và Anh – hai nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU), hãy từ bỏ vai trò thường trực của họ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) để nhường cho một vị đại diện cho EU hợp nhất. “Quý vị đang đùa, có phải không? Chúng tôi đặt Anh Quốc lên trên hết và nước Pháp lên trên hết”, đó là phản ứng từ London và Paris.
Trong thực tế, mọi tổng thống Mỹ đều đã từng đặt nước Mỹ trên hết và sẽ hoan nghênh ông Trump khi ông khẳng định rằng “nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ Mỹ là vì người dân, vì công dân của chúng ta – để phục vụ nhu cầu của họ, để trấn an sự an toàn của họ, duy trì các quyền của họ và bảo vệ các giá trị của họ“.
Ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama, thần tượng của đám đông tung hô “Một Thế giới”, cũng đã đặt nước Mỹ lên trên hết và bác bỏ những khái niệm đầy tính huyền diệu về chủ nghĩa toàn cầu khi ông ta điều động các máy bay tự động không người lái để phá hủy các mục tiêu tại Pakistan và tiêu diệt một công dân của nước này – Osama bin Laden. Quyền lợi Chủ quyền của Pakistan nhanh chóng bay ra khỏi cửa sổ của Phòng Bầu dục khi đem ra so sánh với lợi ích của Hoa Kỳ.
Trái với việc một số người chỉ trích về chương trình nghị sự “dân tộc” của Tổng thống Trump, thực tế là trật tự quốc tế cấp tiến hậu năm 1945, trong đó có LHQ và các thể chế đa phương khác, không dựa trên các nguyên tắc toàn cầu hóa, mà dựa vào tầm nhìn quốc tế hóa, cho rằng các chính phủ có thể và nên hợp tác nếu và khi họ kết luận rằng sự hợp tác đó phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.
Hơn nữa, các quyền hạn về quyền phủ quyết được trao cho Hoa Kỳ và các thành viên thường trực khác của HĐBA LHQ đã ghi nhận một chuẩn mực thực tế quan trọng khác là các cường quốc quân sự lớn có quyền và nghĩa vụ đưa ra các quyết định về chiến tranh và hòa bình quốc tế, bất kể quan điểm của phần còn lại của thế giới thế nào.
Giống như tất cả những tổng thống Mỹ trước đây, ông Trump không phải là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa. Như những người tiền nhiệm, ông là một người theo chủ nghĩa quốc tế, cam kết hợp tác với các quốc gia để đạt được những mục tiêu chung dựa trên các lợi ích chung.
Đó chính là cách để chúng ta hiểu được nghị trình nước Mỹ trên hết của Tổng thống Trump. Ông ta không theo đuổi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc – một cách tiếp cận tương tự mà Tổng thống Bill Clinton đã thực hiện khi theo đuổi các giao dịch thương mại với Nhật Bản trước đây.
Ông Trump cũng đề nghị rằng đã đến lúc người Mỹ phải đánh giá lại cấu trúc và mục đích của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – một tổ chức đã được thành lập từ năm 1949 với mục tiêu kiềm chế Khối Soviet. Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi của ông về việc chuyển đổi an ninh và tài chính cho các thành viên NATO tự do khác, cũng đã từng là chủ đề của tất cả những người tiền nhiệm của ông.
Ông Trump là một người theo chủ nghĩa quốc tế, và lời nhắc nhở lặp đi lặp lại của ông về cách tất cả các quốc gia nên ưu tiên lợi ích riêng của họ, là một thông điệp đặc biệt mang tính quốc tế. Ông nói rằng các chính sách quốc tế tốt nhất sẽ xuất hiện khi mà mỗi quốc gia phải tính đến lợi ích riêng của mình trong việc hợp tác với tất cả các nước khác.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không phải là một người theo chủ nghĩa toàn cầu, những người nghĩ rằng một quốc gia nên hy sinh lợi ích riêng của mình để tiến tới những nguyên tắc huyền ảo tiên tiến được đưa ra bởi một tầng lớp tinh hoa toàn cầu bao gồm các học giả và doanh nhân, những người tham dự các diễn đàn kinh tế thế giới Davos và những người ít quan tâm đến đồng bào của chính đất nước họ.
Tác giả: Tiến sĩ Leon Hadar, một chuyên gia phân tích cao cấp của Wikistrat – công ty tư vấn địa chiến lược, và từng là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Cata
Biên dịch: Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hoa Kỳ toàn cầu hóa