Khối nợ công khổng lồ từ chính quyền tiền nhiệm và tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang đã đặt ra thách thức cho chính quyền của tân Thủ tướng Mahathir trong việc đương đầu với rủi ro tăng trưởng ở Malaysia.
Theo Bloomberg, ông Mahathir Mohamad vừa đánh dấu 100 ngày đầu tiên làm thủ tướng Malaysia với những rủi ro gia tăng trong nền kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội Malaysia trong quý 2/2018 có mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn một năm kể từ quý 4/2016, thặng dư tài khoản vãng lai thu hẹp mạnh và đồng tiền Ringgit đang đối mặt với áp lực khi xu hướng các thị trường mới nổi ngày càng xấu đi.
Sau chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 5/2018, nhà lãnh đạo 93 tuổi Mahathir Mohamad đã nhanh chóng thực hiện các cam kết chống tham nhũng, xem xét lại các dự án hợp tác với Trung Quốc và cắt giảm thuế tiêu thụ.
Trong nỗ lực đạt được điều khoản tốt hơn, ông Mahathir đã hủy bỏ và tạm đình chỉ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ, bao gồm dự án tuyến đường bờ biển phía Đông trị giá 20 tỷ USD và tuyến đường ống dẫn dầu của Trung Quốc.
Sự thay đổi về mặt chính sách phần nào đã tác động lên nền kinh tế, đầu tư công trong quý 2 của Malaysia đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2017, kéo theo tổng chi tiêu ngân sách của chính phủ giảm 1,4%. Lạm phát cũng được kiểm soát xuống còn 0,8% trong tháng cuối quý 2, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Trong khi đó, việc dỡ bỏ tức thời 6% thuế hàng hóa và dịch vụ của chính phủ ông Mahathir khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn được duy trì ở mức cao. Tổng mức tiêu dùng cá nhân đã tăng 8% trong quý 2, trong khi đầu tư tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia nhận định, chính các khoản cắt giảm chi tiêu công từ chính phủ đã khiến bức tranh tăng trưởng của Malaysia có vẻ khá khó khăn trong những tháng còn lại của năm.
Điều đó dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Malaysia đã hạ dự báo tăng trưởng GDP nước này xuống còn 5% trong năm 2018, thấp hơn 5 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra trước đó (5,5%).
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Malaysia trong quý 2 còn được cho là bị tác động bởi biến động gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu và căng thẳng thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc.
Mặc dù không bị giảm mạnh như các đồng tiền của Indonesia và Ấn Độ, đồng Ringgit của Malaysia so với đồng USD cũng bị suy yếu xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng, xuống còn 4,105 ringgit/USD.
Thống đốc NHTW Malaysia, bà Nor Shamsiah, cho biết tác động trực tiếp từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tới nước này sẽ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo nếu căng thẳng thương mại được mở rộng sang các hàng hóa của nhiều nước khác, Malaysia cũng sẽ không tránh khỏi vùng bị ảnh hưởng.
Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của NHTW Malaysia là tiếp tục kìm giữ lãi suất cơ bản không vượt quá 3,25%/năm, sau khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này đã tăng lãi suất cho vay từ hồi đầu năm 2018.
Chân Hồ (T/h)
Xem thêm:
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…