Ba Lan đang chuẩn bị đề nghị NATO cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine trong nỗ lực thúc đẩy liên minh can dự vào cuộc khủng hoảng sau cuộc xâm lược của Nga.
Theo Reuters, hôm thứ Sáu, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ đệ trình chính thức việc gửi một phái bộ gìn giữ hòa bình tới Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo.
Ông Morawiecki đã đến thăm Kyiv vào thứ Ba cùng với lãnh đạo đảng cầm quyền của Ba Lan Jaroslaw Kaczynski.
Cùng với họ có Thủ tướng Séc Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa. Đây là chuyến thăm của phái đoàn cấp cao quốc tế đầu tiên tới thủ đô Ukraine kể từ cuộc chiến.
Ông Kaczynski đã công bố ý tưởng về một lực lượng gìn giữ hòa bình có vũ trang trong chuyến thăm Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng cần phải có một sứ mệnh hòa bình, [của] NATO, hay có thể là [của] một cấu trúc quốc tế rộng lớn hơn”, ông Kaczynski nói, theo hãng tin Ukrinform. “Nhưng sứ mệnh này sẽ có thể tự vệ, và sẽ hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.”
Ông Kaczynski nói rằng sự hiện diện của một lực lượng gìn giữ hòa bình với sự cho phép của Ukraine sẽ không phải là cái cớ cho các hành động thù địch tiếp theo.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, các đồng minh NATO đã từ chối ủng hộ lời kêu gọi của Warsaw. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói: “Tôi e rằng chúng ta vẫn còn quá sớm để nói về điều đó.”
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet cho biết sứ mệnh gìn giữ hòa bình là “một trong những khả năng có thể xảy ra” nhưng bất kỳ hoạt động triển khai nào cũng cần có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông sẽ cần “xem xét các chi tiết” trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về sứ mệnh gìn giữ hòa bình như vậy.
Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng đã nhiều lần kêu gọi tổ chức phải làm nhiều hơn nữa để chống lại sự xâm lược của Nga.
Yêu cầu chủ yếu của Ukraine hiện tại là áp đặt một vùng cấm bay, nhưng liên minh đã bác bỏ điều này vì lo ngại rằng nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến với Nga.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng bày tỏ lo ngại rằng việc áp dụng vùng cấm bay có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, NATO đã nói rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kyiv. Các đồng minh NATO đã và đang gửi vũ khí đến trợ giúp các lực lượng Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa phòng không và chống tăng di động.
Hôm thứ Ba, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg của liên minh cho biết không có kế hoạch triển khai quân đội NATO trên bộ ở Ukraine.
Lê Vy (theo Newsweek)
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…