Thế Giới

Bắc Kinh giấu ‘chiêu trò’ sau lệnh đình chiến thương mại?

Mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong 90 ngày, nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với xuất khẩu đất hiếm, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý định giữ lại con bài chiến lược trong các cuộc đàm phán.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Ảnh từ Shutterstock.

Truyền thông Mỹ tiết lộ Trung Quốc chưa nới lỏng kiểm soát đất hiếm

Đài CNN dẫn lời các chuyên gia và những người trong ngành cho biết, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có ý định gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm mới nhất. Ngược lại, dường như Bắc Kinh đang tăng cường thực thi và giám sát liên quan, nhằm giữ vững con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Đại diện Thương mại Mỹ, ông Jamieson Greer, khi trả lời phỏng vấn ngày 12/5, đã thẳng thắn bày tỏ kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ nới lỏng các biện pháp đó. Hệ thống hiện tại yêu cầu “mỗi lô hàng một giấy phép”, tức mỗi lô phải nộp đơn xin cấp phép xuất khẩu riêng, khiến doanh nghiệp bị chậm trễ và lo ngại ảnh hưởng lan rộng đến ngành công nghiệp ô tô và quốc phòng Mỹ.

Theo CNN, trong thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ tại Geneva, Bắc Kinh cam kết sẽ dỡ bỏ các biện pháp trả đũa “phi thuế quan” đối với Mỹ được áp dụng từ ngày 2/4. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp hạn chế xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm và sản phẩm liên quan được thực thi từ ngày 4/4 có nằm trong cam kết dỡ bỏ này hay không. Những loại vật liệu từ đất hiếm nặng này được sử dụng rộng rãi trong iPhone, xe điện, chiến đấu cơ F-35 và hệ thống tên lửa, với chuỗi cung ứng toàn cầu gần như bị Trung Quốc chi phối.

Chủ tịch công ty tư vấn công nghiệp Stormcrow Capital tại Toronto, ông Jon Hykawy, cho rằng phát biểu của ông Greer giống như “điều mong muốn xảy ra” hơn là thực tế.

Giám đốc điều hành công ty chuỗi cung ứng tại Singapore, ông Thomas Kruemmer, nhận định rằng việc kiểm soát đất hiếm của ĐCSTQ vốn đã nhắm đến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, nên khó có khả năng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ ở điểm này.

Bà Gracelin Baskaran, Giám đốc Chương trình An ninh Khoáng sản Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết ĐCSTQ không hề dỡ bỏ kiểm soát, mà chỉ miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu tổng thể cho 28 công ty Mỹ, phần lớn là doanh nghiệp trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng; đồng thời loại bỏ 17 công ty Mỹ khỏi danh sách đen thương mại và đầu tư khác.

Bà nhấn mạnh rằng hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu Bắc Kinh sẽ chấp thuận các đơn xin xuất khẩu cho các công ty quân sự của Mỹ hay không.

Bà Baskaran cho biết, hệ thống cấp phép xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là một “thiết kế linh hoạt”, sẽ tồn tại lâu dài và cho phép Bắc Kinh tùy ý lựa chọn đối tượng xuất khẩu. Nếu Mỹ thay đổi lập trường, ĐCSTQ có thể ngay lập tức từ chối cấp phép. Hệ thống này rất linh hoạt, cho phép Bắc Kinh quyết định xuất khẩu đất hiếm và sản phẩm liên quan cho quốc gia và doanh nghiệp nào tùy theo tình hình.

Ông Thomas Kruemmer của Ginger International nhấn mạnh: “Kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc rõ ràng nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, tôi không thể tưởng tượng họ sẽ lùi bước.”

Ông bổ sung rằng các nhà thầu quốc phòng chắc chắn sẽ gặp phải quy trình xét duyệt phức tạp khi nộp đơn, thậm chí có thể bị trì hoãn hoặc từ chối.

Chuyên gia tiết lộ hoạt động xảo quyệt bên trong của ĐCSTQ

Vào ngày 12/5 – cùng ngày Bắc Kinh và Washington công bố giảm thuế, ĐCSTQ cũng triệu tập nhiều tỉnh thành tổ chức họp chống buôn lậu khoáng sản chiến lược, tăng cường giám sát sản xuất và chuỗi cung ứng. Tài khoản mạng xã hội “Ngọc Uyên Đàm Thiên” (liên kết với Đài truyền hình trung ương CCTV) hôm đó cũng nhấn mạnh: “Việc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm vẫn đang tiếp tục.”

Dù gần đây ĐCSTQ đã bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu một số vật liệu nam châm đất hiếm, bao gồm cả xuất khẩu sang các công ty châu Âu như Volkswagen, giới doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tín hiệu nào cho thấy có sự nới lỏng. Hệ thống hiện tại vẫn đang được thực thi một cách nghiêm ngặt.

Theo quy định mới của ĐCSTQ, đơn xin xuất khẩu phải ghi rõ người sử dụng cuối cùng, thời gian xét duyệt có thể kéo dài đến 45 ngày làm việc. Ông Kruemmer cho rằng ĐCSTQ có thể lợi dụng điều này để đưa ra câu hỏi gây khó khăn cho phía Mỹ, hoặc yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xác minh, nhằm trì hoãn hoặc từ chối cấp phép.

Hệ thống này cũng cho phép Bắc Kinh kiểm soát điểm đến cuối cùng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Ông James Kennedy, chủ tịch một công ty tư vấn đất hiếm ở bang Missouri, cho biết: “Bạn vẫn có thể nhận được vật liệu, nhưng phải cung cấp đầy đủ thông tin về người dùng cuối cho phía Trung Quốc. Điều này giúp Trung Quốc giám sát khách hàng hạ nguồn và các điểm yếu tiềm năng, đó là một chiến thuật địa chính trị xảo quyệt.”

Bà Baskaran nhận định việc Trung Quốc ưu tiên cấp phép xuất khẩu cho hãng xe Đức Volkswagen lần này rõ ràng mang thông điệp địa chính trị.

“Đức đang ở trung tâm cơn bão địa chính trị. Mỹ bất mãn với việc quan hệ Đức – Trung quá thân thiết. Động thái của Trung Quốc rõ ràng là thông điệp thiện chí với mối quan hệ này,” bà nói. “Trong thời kỳ cạnh tranh Mỹ – Trung leo thang, hệ thống cấp phép xuất khẩu có thể trở thành công cụ quyền lực lớn hơn của Bắc Kinh.”

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các quốc gia khác đã phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm. Việc kiểm soát xuất khẩu lần này không phải là lần đầu tiên ĐCSTQ dùng công cụ này để gây áp lực.

Ngoài đất hiếm, ĐCSTQ cũng lần lượt áp đặt hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng khác như gallium, germanium, antimony và các vật liệu siêu cứng.

Dương Thiên Tư

Published by
Dương Thiên Tư

Recent Posts

Màn trình diễn 10.500 drone tại TP.HCM xác lập kỷ lục thế giới dù gặp sự cố

Màn trình diễn 10.500 drone tại TP.HCM tối 28/4/2025 được Tổ chức Kỷ lục Guinness…

45 phút ago

Tàu Trung Quốc neo lại gần cáp ngầm Thái Bình Dương

Báo cáo nhận định hoạt động của tàu Trung Quốc này có thể liên quan…

52 phút ago

TQ: Nhà máy bị đốt nghi do nợ lương; Làn sóng đòi lương tập thể lan rộng

Gần đây, một nhà máy dệt ở Nghi Tân, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã xảy…

1 giờ ago

Việt Nam: 3 cơ quan báo chí lớn bị tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu

Số liệu từ VNPT cho thấy trong năm 2024, số lỗ hổng bảo mật mới…

1 giờ ago

Hoa hậu Thùy Tiên bị tước danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị tước danh hiệu…

1 giờ ago

ĐBQH đề xuất đánh thuế đất bỏ hoang để tiết kiệm tài nguyên

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng với diện tích đất hoang hóa lớn như…

2 giờ ago