Báo cáo mới của phương Tây về nguy cơ ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc

Sau khi Mỹ và Úc đưa ra cảnh báo và đang tiến hành các biện pháp để đối phó với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị tại các nước này, vừa qua tổ chức nghiên cứu của châu Âu cũng cảnh báo về sự gia tăng ảnh hưởng chính trị nhanh chóng của Trung Quốc ở châu Âu, cho rằng Trung Quốc gây ảnh hưởng và truyền bá chủ nghĩa uy quyền là thách thức lớn đối với các giá trị nền dân chủ tự do của châu Âu. Báo cáo lập luận rằng nếu châu Âu muốn ngăn chặn đà này thì phải có hành động nhanh chóng và quyết đoán.

Ngày 01/2/2018, Thủ tướng Anh Theresa Mei và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự tiệc trà tổ chức tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Anh Theresa Mei mới có chuyến thăm chính thức Trung Quốc để thúc đẩy “thời kỳ vàng son” trong quan hệ hai nước tiếp tục phát triển, qua đó thể hiện quan điểm ủng hộ “Một vành đai một con đường” của Trung Quốc. Vào tháng Giêng năm nay, Tổng thống Pháp Macron cũng thăm Trung Quốc và cho biết muốn đưa mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc bước vào thế kỷ 21. Ông Macron là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc vào năm 2018, cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu đến thăm Trung Quốc kể từ Đại hội 19 Trung Quốc đến nay.

Cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực của Trung Quốc

Trong thời điểm nhiều lãnh đạo các nước châu Âu tìm cách phát triển quan hệ với Trung Quốc thì các viện nghiên cứu châu Âu lại cảnh báo cần cảnh giác trước những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu và những hậu quả có thể xảy ra, trong đó có thách thức đối với tự do dân chủ và hệ giá trị của châu Âu.

Trong Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách công Toàn cầu (GPPI) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin (Đức) cho biết, Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn toàn diện và linh hoạt để gây ảnh hưởng, chủ yếu nhắm vào ba khu vực: tầng lớp tinh anh chính trị và kinh tế, truyền thông và dư luận công chúng, xã hội dân sự và giới học thuật.

Báo cáo có tựa đề “Thúc đẩy chủ nghĩa uy quyền: Cần hành động đối với ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Âu”. Báo cáo cho biết, đồng thời mở rộng ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc đã lợi dụng tính cởi mở theo một chiều đối với châu Âu. Trong khi châu Âu cởi mở, Trung Quốc lại tìm cách hạn chế tư tưởng nước ngoài, nhà hoạt động xã hội và tư bản vào Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Loại ảnh hưởng gọi là quan hệ chính trị này đang thể hiện rõ trong phạm vi châu Âu. Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu có xu hướng điều chỉnh chính sách của họ đi theo hướng làm hài lòng Trung Quốc. Giới tinh anh chính trị châu Âu bắt đầu bám vào lợi ích có được từ Trung Quốc, bất kể điều đó có thể đi ngược lại lợi ích của nước họ hoặc châu Âu”.

Một kết luận tương tự cũng đã được Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu đưa ra trong một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái.

Theo bản báo cáo mới công bố này, tinh thần đoàn kết của Liên minh châu Âu đang bị tổn hại vì chính sách chia để trị của Trung Quốc, đặc biệt là trong việc bảo vệ các quyền con người và các giá trị tự do. Bắc Kinh cũng được hưởng lợi từ sự hợp tác tích cực của giới chuyên gia và nhân vật chính trị châu Âu sẵn sàng quảng bá các giá trị và lợi ích của Trung Quốc.

Năm tác giả của báo cáo nghiên cứu đã tìm hiểu những con đường bí mật cũng như công khai của Trung Quốc trong việc dùng hệ thống tín dụng để gây ảnh hưởng chính trị đối với châu Âu, bao gồm  đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Âu và các nước miền nam châu Âu thiếu vốn như Hy Lạp. Sự cải thiện quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Na Uy vừa khớp với việc Na Uy đã không chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền. Trung Quốc cũng quảng cáo trên khắp các phương tiện truyền thông châu Âu để xây dựng hình ảnh của họ.

Động cơ và mục tiêu của Trung Quốc

Đối với các nhà nghiên cứu này, giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng chính trị ở châu Âu được điều khiển bởi hai động cơ liên đới nhau. Trên tất cả là tìm cách đảm bảo cho sự ổn định chính trị của Trung Quốc. Thứ hai là Bắc Kinh muốn quảng bá thứ triết học chính trị của họ cho thế giới thấy như là một mô hình chính trị – kinh tế đầy sức hấp dẫn. Được dẫn dắt bởi những động cơ này, Bắc Kinh hy vọng thực hiện ba mục tiêu liên quan: thứ nhất là tìm kiếm ủng hộ quốc tế thông qua các chương trình nghị sự chính sách cụ thể, bao gồm thiết lập một mạng lưới vững chắc ở châu Âu với các chính trị gia, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông, chuyên gia cố vấn và các trường đại học, qua đó có được ủng hộ của nhiều tầng lớp khác nhau đối với lợi ích của Trung Quốc; thứ hai, Trung Quốc tìm cách làm suy yếu tình đoàn kết của phương Tây, gồm cả trong châu Âu và giữa châu Âu với Mỹ; thứ ba, Bắc kinh cố gắng xây dựng hệ thống chính trị và kinh tế Trung Quốc được quốc tế nhìn nhận tích cực hơn, xem nó như là một mô hình thay thế cho hệ thống dân chủ tự do.

Các tác giả của báo cáo cho biết, cùng với vị thế suy thoái của chính quyền Trump trong vai trò bảo vệ trật tự tự do quốc tế, Trung Quốc đã nhận ra rằng cánh cửa cơ hội để họ thực hiện mục tiêu đã được mở ra.

Không chỉ giới hạn ở châu Âu

Theo báo cáo, châu Âu không phải là mục tiêu đầu tiên cũng không phải là quan trọng nhất trong việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Báo cáo lấy dẫn chứng về mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng của Trung Quốc.

Báo cáo dẫn một bản tường trình của Chính phủ Úc vào năm 2017 cho thấy quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Úc, từ việc kiểm soát tài chính đã phát huy vai trò quan trọng đối với kiểm soát hệ thống lưới điện cho đến bến cảng và thị trường bất động sản của Úc. Theo tường trình, từ năm 2000 – 2016, 80% các khoản đóng góp chính trị từ nước ngoài cho các chính đảng của Úc đến từ Trung Quốc. Một số chính trị gia có ảnh hưởng sau khi về hưu đã được các công ty Trung Quốc thuê làm việc. Tình báo Úc đã xác nhận, có 10 ứng cử viên chính trị của Úc có quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo Trung Quốc.

Theo báo cáo, nhìn từ trường hợp của Úc, rõ ràng giới tinh hoa chính trị châu Âu hiện nay và trước đây từng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ trở thành điểm tựa quan trọng trong những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu của Trung Quốc. Sự việc gần đây cựu Thủ tướng Anh Cameron được Trung Quốc mời làm người phụ trách cấp cao quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD Mỹ, cho thấy điều này đã xảy ra.

Hậu quả nghiêm trọng hơn so với của Nga

Các tác giả báo cáo cảnh báo, cho dù những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ít bị chú ý hơn rất nhiều so với nước Nga dưới thời Putin, nhưng việc châu Âu đang ngày càng phớt lờ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có thể khiến họ chịu nguy hiểm. Theo quan điểm của họ, cách hoạt động của nhà cầm quyền Trung Quốc cộng với sức mạnh kinh tế, việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chính trị ở châu Âu về dài hạn gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với nỗ lực của điện Kremlin.

Phản ứng của châu Âu

Báo cáo lập luận rằng, nếu châu Âu muốn ngăn Trung Quốc gây ảnh hưởng tiếp tục thì cần hành động nhanh chóng và quyết đoán. Để đáp lại hành động mạnh mẽ của Trung Quốc, các chính phủ châu Âu cần phải đảm bảo thể chế tự do trong hệ thống chính trị và kinh tế của họ không bị tổn hại. Báo cáo cho rằng, áp dụng một số biện pháp hạn chế đối với cách làm của Trung Quốc là cần thiết, châu Âu không nên học theo chủ nghĩa phi tự do của Trung Quốc, phải nỗ lực bảo vệ tinh thần khai phóng để đối phó với ảnh hưởng từ chủ nghĩa uy quyền của Trung Quốc.

Báo cáo khuyến nghị châu Âu phải sử dụng tốt hơn vai trò của các quốc gia thành viên, khiến các nước ý thức mạnh mẽ bảo vệ lợi ích chung của châu Âu trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc; phải thực hiện độc lập, có chất lượng cao đối với thẩm định liên quan đến đầu tư của Trung Quốc; tìm kiếm các giải pháp thay thế (hoặc cam kết) khác nhau trong các đầu tư của Trung Quốc sang các nước châu Âu; tăng cường công cụ kiểm toán đầu tư một cách linh hoạt; tăng cường đầu tư vào hệ thống an ninh quốc gia và châu Âu, đặc biệt là an ninh mạng và phản gián; dùng sức mạnh phê phán của dư luận xã hội với các tổ chức xã hội dân sự để đẩy lùi ảnh hưởng của chủ nghĩa uy quyền Trung Quốc; cung cấp biện pháp hỗ trợ những cộng đồng người Trung Quốc sống ở châu Âu trong việc ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc

Hiện chưa thấy bất kỳ phản ứng nào của Trung Quốc đối với báo cáo này. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn cho rằng sự giao lưu giữa Trung Quốc và các nước châu Âu là “hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa bình thường”, đồng thời chỉ trích những quan điểm của các nước phương Tây đối với Trung Quốc là “tư duy thời Chiến tranh Lạnh và thiên kiến về ý thức hệ”.

Tuyết Mai

Xem thêm:

Tuyết Mai

Published by
Tuyết Mai

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

1 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

2 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

3 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

4 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

5 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

6 giờ ago