Một báo cáo viên của EU đang nêu lên những quan ngại về sự can thiệp của nước ngoài vào Liên minh châu Âu, đặc biệt là sự can thiệp của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Bà Sandra Kalniete, nghị sỹ EU từ Latvia (Ảnh minh họa: Getty Images)
“Chúng tôi không thể chấp nhận thực tế rằng vẫn không có lực lượng đặc nhiệm giám sát sự can thiệp từ Trung Quốc,” bà Sandra Kalniete, một thành của Nghị viện Châu Âu từ Latvia tuyên bố trong báo cáo dự thảo của mình công bố vào tháng trước. Bà nhìn nhận các hành động can thiệp từ nước ngoài của Trung Quốc là nhằm “phá hoại hoạt động dân chủ đạt được sự ảnh hưởng nhất định”.
Bà Kalniete cũng là báo cáo viên của Ủy ban đặc biệt về can thiệp nước ngoài của Nghị viện Châu Âu. Bà đã trình bày báo cáo của mình tại cuộc họp ủy ban liên nghị viện châu Âu được phát trực tiếp hôm 9/11 vừa qua.
Báo cáo dựa trên hơn 40 cuộc điều trần của ủy ban từ hơn 100 chuyên gia kể từ tháng 9. Mặc dù ảnh hưởng của Nga cũng là một vấn đề đáng chú ý được đề cập trong báo cáo, nhưng mối quan ngại lớn nhất vẫn là sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một lĩnh vực gây ảnh hưởng to lớn là nhằm vào nắm bắt giới tinh hoa. Báo cáo nêu tên cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, người “tích cực tham gia thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc ở Pháp,” cũng như cựu Ủy viên Séc Stefan Fule vì “đã làm việc cho Tập đoàn Năng lượng CEFC Trung Quốc”.
Ông Raffarin, 73 tuổi, là thủ tướng Pháp trong 3 năm tính đến tháng 5/2005. Ông được cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thể hiện “tình bạn chân thành” vào năm 2003 khi cựu thủ tướng đến thăm Trung Quốc, giữa lúc dịch SARS đang bùng phát.
Những năm gần đây, ông thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Hồi tháng 4, kênh CGTN, nhánh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, đã dẫn lời ông phát biểu rằng châu Âu và Trung Quốc cần phải hợp tác và “sẽ không có tương lai nếu không có Trung Quốc”.
Tháng 9/2019, ông Raffarin là một trong sáu người nhận được huy chương hữu nghị, một giải thưởng do Bắc Kinh trao tặng cho những người nước ngoài có đóng góp cho Trung Quốc. Tân Hoa Xã cũng từng dẫn lời ông trên phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc rằng, ông “thực sự vui mừng” vì đã nhận được huân chương, nhờ nỗ lực suốt hàng thập kỷ của ông nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Tập đoàn Năng lượng CEFC Trung Quốc, một tập đoàn dầu mỏ kiếm được hàng tỷ đô la ở Nga, Đông Âu và một số khu vực của châu Phi, được thành lập bởi ông trùm dầu mỏ Trung Quốc Diệp Giản Minh (Ye Jianming). Năm ngoái, một báo cáo của Thượng viện Hoa Kỳ đã chỉ ra “các giao dịch đáng ngờ” giữa con trai của Tổng thống Joe Biden là Hunter Biden và các công dân Trung Quốc, bao gồm cả ông Diệp.
Tập đoàn Trung Quốc đã tiến hành một thương vụ mua bán ở Cộng hòa Séc vào năm 2015, mua cổ phần của một số công ty địa phương. Công ty tiếp tục thuê những người Séc có ảnh hưởng, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Tvrdik của nước này, cũng như ông Fule, cựu ủy viên châu Âu từ năm 2010 đến năm 2014.
Theo báo cáo, một lĩnh vực đáng quan tâm khác là tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc, đáng lưu ý là những nội dung tuyên truyền của ĐCSTQ “trá hình dưới dạng báo chí” đã được phát tán trên truyền thông.
Hồi tháng 5, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế có trụ sở tại Brussels đã đưa ra một báo cáo cảnh báo về việc Trung Quốc “đẩy mạnh thêm nhiều chiến thuật mới như phát tán thông tin sai lệch” khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng.
Báo cáo nêu ra ví dụ về hãng thông tấn nhà nước ANSA của Ý. Hãng này đã bắt đầu truyền tải nội dung truyền thông nhà nước của Trung Quốc sau khi ký một biên bản thỏa thuận với Tân Hoa xã vào năm 2019.
Báo cáo viết: “Mỗi ngày, ANSA đều dịch và xuất bản 50 bài viết của Tân Hoa xã trên mục tin tức của mình. Tân Hoa xã chịu trách nhiệm biên tập về nội dung trong khi ANSA đóng vai trò như một công cụ phân phối.”
Một báo cáo gần đây của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở Đông Nam Châu Âu, tại các quốc gia như Bosnia, Bulgaria, Bắc Macedonia và Serbia.
Báo cáo cũng cảnh báo sự hiện diện của khoảng 200 Viện Khổng Tử do ĐCSTQ tài trợ ở châu Âu. “Các Viện Khổng Tử đóng vai trò như một cơ sở vận động hành lang cho các lợi ích kinh tế Trung Quốc, cho cơ quan tình báo Trung Quốc và việc tuyển dụng gián điệp.”
Một số trường đại học châu Âu đã chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử Trung Quốc vì “nguy cơ gián điệp và can thiệp của Trung Quốc”, chẳng hạn như Đại học Düsseldorf của Đức vào năm 2016 và Đại học Hamburg vào năm 2020.
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức Anja Karliczek đã ban hành một lá thư, yêu cầu tất cả các trường đại học trong nước xem xét lại mối quan hệ của họ với Viện Khổng Tử.
Còn trong báo cáo cùa mình, bà Kalniete đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm bổ sung các biện pháp trừng phạt thích đáng hơn đối với các tác nhân đứng sau hành vi can thiệp.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…