Châu Âu lo ngại về các kế hoạch của Trung Quốc và Nga tại Afghanistan
- Xuân Lan
- •
Sau một tuần bị chính các cơ quan lập pháp của nước mình chỉ trích kịch liệt vì cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, các quan chức hàng đầu ở châu Âu và Anh Quốc vẫn chưa có câu trả lời về khoảng trống quyền lực tiềm tàng ở đất nước Trung Á, nhưng cho biết họ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc và Nga trong khu vực.
(Ảnh: Ông Joseph Borrell)
Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu và nhà ngoại giao hàng đầu của khối, đã nói với Nghị viện châu Âu trong tuần này rằng cuộc khủng hoảng Afghanistan là “sự kiện địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi Crimea sáp nhập”.
“Trung Quốc đã công nhận Taliban, Nga cũng sẽ làm tương tự. Điều này sẽ thay đổi cán cân địa chính trị về quyền lực,” ông Borrell nói.
“Chúng ta cần tích cực tham gia với các bên trong khu vực và quốc tế có liên quan đến tương lai của Afghanistan, và hiện chúng ta đang nhận thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nga sẽ có cơ hội mới để gia tăng ảnh hưởng ở đó.”
EU cũng đang bối rối trước lời cam kết của Joe Biden với các đồng minh khi ông này nhậm chức Tổng thống rằng “nước Mỹ đã trở lại.” Sự nghi ngờ về độ tin cậy của Washington dường như đang tăng lên.
Trong một phiên họp khẩn cấp của Nghị viện châu Âu hôm thứ Năm, các thành viên đã chỉ trích các nhà lãnh đạo EU, cáo buộc rằng họ quá tôn trọng chính sách đối ngoại của Mỹ và thiếu một chiến lược rút quân có thể ngăn Trung Quốc và Nga thống trị khu vực.
Assita Kanko, một thành viên bảo thủ người Bỉ của Nghị viện châu Âu, cho biết: “Nếu EU muốn chống lại Taliban, mà với ‘mức độ quyết liệt’ giống như các đại diện cấp cao của chúng ta đang thể hiện ngay lúc này, thì Taliban có thể tiếp tục cảm thấy an toàn và không lo lắng gì ở Afghanistan hết”.
David McAllister, chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Nghị viện, nói rằng “EU cần một cách tiếp cận mới đối với Afghanistan và toàn bộ khu vực, trong đó cần tính đến các tình huống mới và thực tế là các bên như Nga và Trung Quốc sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống”.
Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, nói rằng bất chấp những tuyên bố chống độc tài tại Hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây ở Cornwall, phương Tây hiện đã “đồng lõa trong việc cho phép một chế độ độc tài khác hình thành trong khi chúng ta trở nên cô lập hơn”.
Đề cập đến Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Borell cho hay EU cần tăng cường làm việc với các quốc gia này.
Ông cũng gợi ý rằng EU sẽ phải tăng cường “quyền tự chủ chiến lược” về chính sách đối ngoại – tức là đi theo một con đường khác với con đường của Mỹ.
Tại Anh, Quốc hội nước này đã có cuộc tranh luận căng thẳng về khủng hoảng Afghanistan, trong đó nhiều người lên án mối quan hệ đặc biệt của London với Washington và cho rằng hiện giờ phương Tây đã giao cho việc xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan vào tay Trung Quốc và Nga.
Không còn sự hiện diện trên thực địa, không rõ ràng các chính trị gia châu Âu sẽ làm gì để chống lại nguy cơ nhường khu vực cho Trung Quốc và Nga.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết ưu tiên hàng đầu hiện tại là xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, dù dường như không mặn mà lắm với việc phải tiếp nhận một dòng người di cư mới đến châu Âu.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện