Bầu cử quốc hội Thái Lan: Đảng thân quân đội dẫn đầu

Hôm Chủ Nhật (24/3), Thái Lan đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội lần đầu tiên sau 5 năm đất nước này nằm dưới quyền lãnh đạo của quân đội. Kết quả sơ bộ cho thấy đảng thân quân đội đang dẫn đầu, theo BBC đưa tin.

Các cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Bangkok, Thái Lan hôm 24/3/2019. (Ảnh: Yusuke Harada/NurPhoto via Getty Images)

Theo BBC, với hơn 90% số phiếu đã được kiểm đếm, đảng Palang Pracha Rath – một đảng thân quân đội mới được thành lập đã giành được 7,6 triệu phiếu bầu, nhiều hơn nửa triệu phiếu so với đảng Pheu Thai (Vì người Thái).

Đảng Vì người Thái là đảng chính trị có liên quan tới cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Đảng này đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử tại Thái Lan từ năm 2001.

Giới chức bầu cử Thái Lan cho biết kết quả chính thức sẽ được thông báo vào cuối ngày thứ Hai (25/3).

Tuy nhiên, với kết quả sơ bộ hiện tại, khả năng đảng thân quân đội sẽ có đủ số ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ và lãnh đạo hiện tại, Tướng Prayuth Chan-ocha vẫn sẽ là Thủ tướng. Ông Prayuth Chan-ocha là người chỉ huy cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014. Bà Yingluck là em gái của ông Thaksin Shinawatra.

BBC cho rằng số liệu kiểm phiếu sơ bộ cho thấy kết quả ngoài dự đoán. Trước bầu cử, đảng Palang Pracha Rath được dự báo chỉ có thể về thứ ba.

Hãng tin AFP cho biết có khoảng 64% trong số hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đủ điều kiện bầu cử tham gia bỏ phiếu hôm 24/3.

Đất nước Thái Lan đã hứng chịu bất ổn chính trị trong nhiều năm qua. Sau khi chiếm giữ quyền lực, quân đội đã hứa sẽ khôi phục trật tự và dân chủ, nhưng họ nhiều lần trì hoãn cuộc tổng tuyển cử.

Trước thềm cuộc bầu cử này, Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã phát đi tuyên bố kêu gọi “hòa bình và trật tự” trong tiến trình bầu cử.

Tuyên bố của Nhà Vua Thái Lan được phát trên truyền hình quốc gia hôm thứ Bảy (23/3) cũng kêu gọi cử tri hãy “ủng hộ những người tốt.”

Quân đội vẫn kiểm soát nền chính trị Thái Lan

Cuộc bầu cử quốc hội tại Thái Lan lần này được xem như một cuộc cạnh tranh chính giữa các đảng thân quân đội và những đồng minh của ông Thaksin.

Ông Thaksin bị lật đổ vào năm 2006 và sống lưu vong tại nước ngoài để tránh bị truy tố tội lạm dụng quyền lực. Dù không trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị trong nước, nhưng vị cựu Thủ tướng này vẫn có số lượng người ủng hộ đáng kể, phần lớn là các cử tri ở vùng nông thôn và tầng lớp bình dân.

Tướng Prayuth được đảng Palang Pracha Rath thân quân đội chỉ định là ứng viên thủ tướng duy nhất của đảng này.

Trong số các đảng chính trị nổi bật khác tham gia tranh cử lần này có đảng Dân chủ do cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva lãnh đạo và đảng Tương lai Phía trước do tỷ phú viễn thông trẻ tuổi Thanatorn Juangroongruangkit làm chủ tịch.

Vào thời điểm tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, quân đội Thái Lan nói rằng họ muốn khôi phục trật tự và ổn định và ngăn chặn các cuộc biểu tình trên phố đã nổ ra liên tiếp trong nhiều năm.

Nhưng sau đó chính phủ quân sự đã bị cáo buộc tiếp cận quyền lực theo cách chuyên chế, kiểm soát nghiêm ngặt truyền thông và sử dụng luật pháp tùy tiện ví như ban hành luật trừng phạt bất kỳ chỉ trích nào đối với quân đội nhằm bịt miệng những người đối lập.

Chính phủ quân sự cũng giới thiệu hiếp pháp mới và đã được chuẩn thuận qua một cuộc trưng cầu dân ý. Những nhà phê bình nói rằng bản hiến pháp này được soạn thảo để đảm bảo quân đội tiếp tục duy trì vị thế trung tâm trong chính trị Thái Lan.

Đáng lưu ý, cuộc bầu cử quốc hội hôm 24/3 chỉ bầu ra 500 ghế Hạ viện. Trong khi, theo hiến pháp mới, quân đội được quyền chỉ định toàn bộ 250 ghế tại Thượng viện.

Cũng theo hiến pháp, hai viện quốc hội Thái Lan sẽ cùng nhau thống nhất chọn ra thủ tướng. Một ứng viên thủ tướng chỉ cần đạt đa số quá bán phiếu ủng hộ tại lưỡng viện là có thể giành chiến thắng.

Do đó, theo lý thuyết, ứng viên của đảng Palang Pracha Rath, Tướng Prayuth chỉ cần có sự ủng hộ của 126 Hạ nghị sĩ là có thể nắm quyền thủ tướng. Đảng cầm quyền hoặc liên minh các đảng cầm quyền cũng có thể chỉ định một người không phải là thành viên quốc hội làm thủ tướng.

Hiến pháp mới do quân đội soạn thảo cũng đặt giới hạn về số lượng ghế trong quốc hội đối với bất kỳ đảng phái nào, bất kể số phiếu đã giành được. Bất kỳ chính phủ Thái Lan nào trong tương lai cũng đều bị ràng buộc theo hiến pháp theo kế hoạch 20 năm mà quân đội đặt ra cho quốc gia này.

Như Ngọc

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by

Recent Posts

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

12 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

35 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

2 giờ ago