Không đưa tin chuẩn xác về chiến tranh Israel, nhân đạo hóa nạn nhân nếu là người Israel, cố ý bỏ qua bối cảnh lịch sử quan trọng, v.v. là những cáo buộc mà 8 phóng viên BBC tố cáo chính tờ BBC (Anh), được gửi cho Al Jazeera (Qatar).
Khi chiến tranh Israel-Palestine đang diễn ra, đặc biệt khi Quân đội Israel (IDF hoặc IOF tùy cách gọi) tấn công Dải Gaza, thì hãng tin BBC (Anh) bị chính các phóng viên của mình cáo buộc thiên vị Israel và không đưa tin trung thực. Cáo buộc được nêu trong một bức thư dài 2.300 từ được ký bởi 8 nhà báo đang làm việc cho BBC gửi cho Al Jazeera (Qatar), theo như bài báo cáo của Al Jazeera đăng hôm Thứ Năm (23/11).
Theo nhìn nhận của Al Jazeera, thì không chỉ BBC, mà còn nhiều hãng tin dòng chính của phương Tây, cũng đang đưa tin kiểu “tiêu chuẩn kép” về cuộc chiến Israel đang diễn ra.
Đặc biệt là nếu so sánh và đối chiếu với chiến tranh Ukraine vừa mới bắt đầu trước chiến tranh Israel chỉ 1 năm, thì các hãng tin đó, gồm cả BBC, đã chỉ trích Nga thậm tệ như thế nào khi miêu tả những tai họa mà người Ukraine phải gánh chịu bởi chiến tranh, nhưng giờ đây, cũng chính các hãng tin đó, đang đưa tin một cách thoáng qua phớt lờ như thế nào về hàng chục ngàn người dân thường Palestine bị giết bởi bom đạn của Israel —con số nay đã gần 15.000 người chỉ trong 1 tháng rưỡi— và hàng loạt các “tội ác chiến tranh” mà Israel đang trắng trợn phạm phải khi 2/3 dân chúng Palestine bị buộc phải sống cuộc sống vô gia cư, và toàn bộ 2,3 triệu người dân sống trong Dải Gaza vẫn đang trong cảnh phải ‘sống mòn’ trong điều kiện sống cùng cực nhất.
Lo sợ bị trả thù khi viết thư tố cáo, nhóm các nhà báo yêu cầu giấu tên. Nhóm không định gửi bức thư cho các giám đốc điều hành của BBC vì tin cách làm đó khó có thể đem lại điều gì có ý nghĩa, chẳng hạn như một cuộc thảo luận nghiêm túc.
Là những người làm báo của một hãng tin lớn và lâu đời như BBC, các nhà báo là những người nắm vững tình huống đang diễn ra ở Israel, ít nhất là họ có được nhiều thông tin hơn quảng đại quần chúng nói chung, hiển nhiên là như vậy.
Nhóm đã gửi bức thư cho Al Jazeera khi thảm họa nhân đạo ở Gaza ngày càng leo thang và khi các cột mốc nghiệt ngã đang dần đạt đến. Vào thời điểm hiện nay, hơn 14.800 người Palestine được phía Palestine báo cáo là đã thiệt mạng vì các vụ dội bom và công kích của Israel, trong đó có ít nhất 6.000 trẻ em. Israel tiến hành hoạt động quân sự này dựa trên lý do rằng Hamas đã tấn công Israel trước vào ngày 7/10, dẫn đến 1.200 người Israel thiệt mạng, và khoảng 240 người bị bắt cóc làm con tin.
“BBC đã không kể chính xác và trọn vẹn câu chuyện này —do bỏ qua nhiều và rất ít phê phán các tuyên bố của Israel— cho nên đã không thể giúp công chúng hiểu đúng và có thể can thiệp những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Gaza,” bức thư viết. “Hàng ngàn người Palestine đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10. Con số này phải là bao nhiêu mới đủ cao để khiến tổng biên tập của chúng tôi thay đổi lập trường?”
Hiện nay, cư dân mạng đã bắt đầu không gọi quân đội Israel bằng cái tên mà bản thân họ tự đặt cho mình —IDF, Lực lượng Phòng vệ Israel— mà chuyển sang gọi bằng cái tên khác —IOF, Lực lượng Tấn công của Israel.
Các nhóm nhân quyền và hàng trăm ngàn người biểu tình trên toàn thế giới phẫn nộ trước số người Palestine thiệt mạng ngày càng tăng ở Gaza, đã kêu gọi ngừng bắn.
Theo Al Jazeera, chiến tranh cũng đã chia rẽ các hãng thông tấn trên toàn cầu, chứ không chỉ BBC, với những bất đồng về cách miêu tả mỗi bên tham chiến, mức độ đồng cảm được cho là không đồng đều dành cho các nạn nhân Israel và Palestine, cũng như cách dùng từ ngữ.
Theo các nhà báo của BBC, trong các báo cáo mà BBC đăng tải, các thuật ngữ như “thảm sát” và “tàn bạo” là “chỉ được dành riêng cho Hamas, coi nhóm này là kẻ chủ mưu và thủ phạm bạo lực duy nhất trong khu vực. Điều này không đúng sự thật nhưng phù hợp với lập trường đưa tin tổng thể của BBC.”
Cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, mặc dù “kinh hoàng và tàn khốc… nhưng không thể được dùng để biện minh cho việc giết hại bừa bãi hàng ngàn thường dân Palestine. Cái logic đó là điều mà BBC không thể ủng hộ, hoặc không chất vấn,” lá thư viết.
“Chúng tôi đang yêu cầu BBC phản ánh tốt hơn và tuân theo những phát hiện dựa trên bằng chứng của các tổ chức nhân đạo chính thức và không thiên vị.”
Nhóm nhà báo kêu gọi hãng BBC phải “đảm bảo đối xử bình đẳng với dân thường là trọng tâm của việc đưa tin.”
Nhóm tuyên bố rằng các chương trình truyền hình của BBC đã miêu tả cẩn thận nỗi đau khổ của người Israel, chẳng hạn như bằng cách tường thuật tên các nạn nhân, đưa tin về đám tang của từng cá nhân và phỏng vấn các gia đình bị ảnh hưởng.
“So sánh, luôn thiếu đưa tin tình trạng nhân đạo về thường dân Palestine. Thật là một lý do tồi tệ khi lập luận rằng BBC không thể đưa tin tốt hơn về các câu chuyện ở Gaza vì có những khó khăn trong việc tiếp cận Dải Gaza… Điều này có thể đạt được, ví dụ, bằng cách kể và theo dõi các câu chuyện riêng lẻ trong nhiều tuần. Rất ít nỗ lực được bỏ ra để tận dụng triệt để nội dung phong phú trên mạng xã hội từ các nhà báo dũng cảm ở Gaza và Bờ Tây.”
Các nhà báo thừa nhận “một số ví dụ cá biệt rõ ràng”, nhưng cho hay những câu chuyện được kể một cách nhạy cảm về người Palestine không “nhất quán”, đặc biệt là sau khi chiến tranh bùng nổ.
“Phần lớn là trong vài tuần qua —khi số dân thường thiệt mạng tăng theo cấp số nhân, và sự quan tâm của các nước phương Tây đối với các cuộc tấn công của Israel đã giảm bớt— BBC đã nỗ lực nhiều hơn để nhân đạo hóa thường dân Palestine. Đối với nhiều người, điều này có vẻ là quá muộn và cho thấy quan điểm của Chính phủ Anh và Mỹ có ảnh hưởng thái quá đến việc đưa tin.”
Al Jazeera đã phỏng vấn 2 trong số 8 người đứng tên bức thư. Một số người đứng sau bức thư là người da màu.
“Tổ chức [BBC] này không đại diện cho chúng tôi,” một trong những người đồng tác giả nói với Al Jazeera.
“Đối với tôi, và chắc chắn là đối với những người da màu khác, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng mạng sống của một số thường dân được coi là xứng đáng hơn những người khác, rằng có một số loại hệ thống phân cấp đang diễn ra. Điều đó thật sự gây tổn thương sâu sắc bởi vì thực sự, không ai trong chúng tôi gặp khó khăn trong việc đồng cảm với thường dân Palestine.”
Nhà báo nói rằng đối với họ, có vẻ như một số nhân viên và phóng viên cấp cao “không đồng cảm nhiều với [người Palestine], chẳng hạn như, nếu so với với thường dân Ukraine.”
Người đồng tác giả thứ hai mà Al Jazeera phỏng vấn cho biết họ cảm thấy “đau buồn trước sự mất mát vô nghĩa về sinh mạng của dân thường” trong các cuộc tấn công của Hamas. Và lúc bấy giờ, “tôi đã cảm thấy lo ngại đan xen [bao gồm] rằng khi đưa tin, BBC sẽ không thực hiện nghĩa vụ tìm hiểu đầy đủ về phản ứng của [Israel] hoặc cung cấp bối cảnh đầy đủ về sự chiếm đóng trong nhiều thập kỷ.
Nỗi lo lắng của tôi ngay lập tức đã thành sự thật.”
Bức thư nói rằng BBC đã tổ chức “các buổi hỗ trợ và lắng nghe những tình huống bị sốc” cho các nhân viên bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.
Bức thư viết: “Nhưng đối với nhiều người trong chúng tôi —đặc biệt là người da màu— việc đưa tin của BBC là một phần nỗi đau của chúng tôi.”
Chỉ trích thêm cách dẫn dắt câu chuyện của BBC, nhóm nhà báo chỉ ra rằng khi phỏng vấn phía Palestine thì BBC sẽ hỏi liệu họ có “lên án Hamas” hay không, nhưng khi phỏng vấn người phía Israel thì không hỏi rằng họ điều tương tự, rằng họ có lên án hoạt động quân sự của Israel hay không.
“[Họ] không được yêu hỏi về ‘lên án’ hành động của Chính phủ Israel một cách bình đẳng, cho dù số dân thường thiệt mạng ở Gaza có cao đến đâu.”
Vào ngày 9/10, BBC bị chỉ trích là thiếu nhân ái khi phỏng vấn Husam Zomlot, người đứng đầu Phái đoàn Palestine tại Vương quốc Anh, người đã mất một số thành viên trong gia đình trong những ngày đầu của chiến dịch ném bom của Israel.
Ông Zomlot, người không đại diện cho Hamas, đã nói với người dẫn chương trình Kirsty Wark về nỗi đau tinh thần của mình. Ông liệt kê những người thân đã thiệt mạng, mô tả họ là “những ‘con vịt ngồi’ (mục tiêu dễ bắn trúng) của cỗ máy chiến tranh Israel.”
Cô Wark của BBC nói: “Tôi xin lỗi vì sự mất mát cá nhân của ông. Ý tôi là, tôi có thể nói rõ được không, ông có thể tha thứ hay không cho việc giết hại thường dân ở Israel, phải không? Cũng không phải việc giết hại các gia đình?”
Ông Zomlot sửng sốt rồi nói: “Không, chúng tôi không tha thứ, không, chúng tôi không.”
Bức thư cũng tuyên bố rằng BBC đã không cung cấp cho khán giả thông tin cơ bản quan trọng về bối cảnh khi diễn ra xung đột, như sự chiếm đóng và bao vây của Israel nhằm vào người Palestine, một lịch sử đau khổ của người Palestine.
“Để các cuộc oanh tạc bằng bom đạn của Israel được coi là ‘tự vệ’, thì các sự kiện phải bắt đầu bằng cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo,” nhóm các nhà báo nói, và chỉ ra rằng kỳ thực xung đột là có nguyên nhân lịch sử. “Các bản cập nhật tin tức và các bài báo bỏ qua việc đưa vào một hoặc hai dòng bối cảnh lịch sử quan trọng, đó là về 75 năm trời chiếm đóng, Nakba, hoặc số người chết không cân xứng trong nhiều thập kỷ.”
Nakba, hay thảm họa (tiếng Ả-rập), vốn là để nói về cuộc di dời và bị tước quyền sở hữu của người Palestine trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1949, khi lực lượng bán quân sự theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và sau đó là quân đội mới thành lập của Israel đã phá hủy hơn 500 ngôi làng và thị trấn của người Palestine. Khoảng 15.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 750.000 người bị buộc phải di dời khỏi vùng đất của họ.
Cuộc khủng hoảng ngày nay gợi lại ký ức về Nakba đối với người Palestine ở Gaza, nhiều người trong số họ là hậu duệ của những người đã phải rời bỏ quê hương từ nhiều thập kỷ trước.
“BBC thường gọi cuộc xung đột đang diễn ra là ‘phức tạp’. [Kỳ thực] nó không phức tạp hơn bất kỳ cuộc xung đột nào khác,” bức thư viết. “Nhiệm vụ [giới truyền thông] của chúng ta là loại bỏ những lời kích động và thông tin sai lệch; để chỉ rõ chuyện gì đang xảy ra và điều gì đã dẫn tới chuyện này.”
“Trong suốt quá trình đưa tin về cuộc xung đột, BBC đã nói rõ về tổn thất nhân mạng to lớn đối với dân thường sống ở Gaza và Israel,” người phát ngôn của BBC tuyên bố trong một bức thư gửi Al Jazeera.
Người phát ngôn cũng nói rằng BBC là “một trong những tổ chức tin tức duy nhất” có các phóng viên ngay ở Gaza, những người có thể cung cấp “báo cáo thực địa.”
“Điều này bao gồm nhiều câu chuyện về các nạn nhân người Palestine và lời khai trực tiếp từ dân thường, bác sĩ và nhân viên cứu trợ ở Gaza, cũng như một bộ phim tài liệu toàn cảnh, kể về những câu chuyện của con người từ cả hai phía,” BBC tuyên bố.
“Khi phỏng vấn Chính phủ Israel, Hamas, đại diện Palestine hoặc các nhà lãnh đạo khác, chúng tôi tỏ ra mạnh mẽ, thách thức và hướng đến việc nắm được ai là người nắm quyền lực và chịu trách nhiệm.”
Người phát ngôn cũng gửi một danh sách các ví dụ mà BBC đã đưa tin về chiến tranh Israel, trong đó bao gồm những câu chuyện về nỗi đau khổ của người Palestine.
Trong các ví dụ, có một liên kết đến một bộ phim tài liệu ngày 23/10 với nội dung tóm tắt: “Báo cáo toàn cảnh về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Sau khi 1.400 người Israel, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em bị các chiến binh Hamas sát hại, Israel thề sẽ trả đũa tàn bạo để tiêu diệt Hamas. Hơn 3.000 người Palestine, nhiều phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza. Phóng viên Jane Corbin nghe những câu chuyện của con người ở cả hai phía và hỏi cuộc khủng hoảng leo thang có ý nghĩa gì đối với khu vực rộng lớn hơn?”
Israel kể từ đó đã điều chỉnh, và giảm số người chết mà họ báo cáo từ 1.400 xuống 1.200.
Al Jazeera chỉ ra rằng chính câu phân trần đó của BBC cũng là một ví dụ minh họa về lối hành văn không công bằng. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều kênh truyền thông. Trong đó, khi nói về người Israel chết, thì miêu tả rõ đó là “bị các chiến binh Hamas sát hại”, nhưng mà, khi nói về người Palestine bị “tàn sát” thì hoàn không có câu chữ nào đề cập đến hung thủ là ai.
Kể từ khi cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông bắt đầu, BBC đã bị bủa vây bởi những tranh cãi và cáo buộc thiên vị.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết việc đài truyền hình mô tả các Hamas là “chiến binh” chứ không phải “khủng bố” là “gần như đáng hổ thẹn”.
Hamas bị Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu EU liệt vào danh sách nhóm “khủng bố”.
Cùng lúc đó, trụ sở chính của BBC ở London bị sơn bẩn đỏ, cáo buộc BBC “truyền bá những lời dối trá của kẻ chiếm đóng và tạo ra sự đồng tình với tội ác chiến tranh của Israel”, và vụ việc sơn bẩn đã được nhóm biểu tình Palestine Action nhận trách nhiệm phá hoại.
Khi quân Israel xông vào bệnh viện al-Shifa ở Gaza vào tuần trước, BBC là một trong những hãng thông tấn phối hợp với quân đội Israel quay phim và đưa tin về bệnh viện. Trên thực tế, các phóng viên phải đợi sau khi quân đội Israel vào và nắm quyền kiểm soát xong, thì mới được vào quay.
Sau này, khi Israel đã cáo buộc rằng Hamas có vũ khí giấu trong bệnh viện, và coi bệnh viện al-Shifa như một căn cứ, thì nhiều nhà quan sát, trong đó cũng gồm cả BBC, đã đặt các nghi ngờ về tính trung thực trong các bằng chứng mà Israel đưa ra lúc đó.
Stephen Grey, một phóng viên của Reuters, chia sẻ trên X (Twitter) về chuyến ‘quay phim thực địa’ do Israel ‘tạo điều kiện’: “Các cơ quan truyền thông nên suy nghĩ thật kỹ về việc tham gia vào bất kỳ hành động nhúng tay một chiều với bất kỳ bên nào. Báo cáo hôm nay của BBC về bệnh viện al-Shifa, nơi họ không được phép nói chuyện với bác sĩ hoặc bệnh nhân, khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.”
Vào ngày 24/10, phóng viên ở trụ sở tại Beirut của BBC, Rami Ruhayem, đã viết thư cho Tim Davie, tổng giám đốc BBC, cáo buộc rằng có “những dấu hiệu cho thấy BBC —ít nhất là ngấm ngầm— coi mạng sống của người Israel giá trị cao hơn mạng sống của người Palestine, và tăng cường tuyên truyền thiên vị cho Israel trong chiến tranh.”
Vào ngày 25/10, tờ báo The Times dẫn nguồn BBC đưa tin các nhân viên đã “khóc trong nhà vệ sinh” vì chứng kiến những “đau khổ gây ra” bởi chính họ do đã loan truyền các thông tin, và sau đó họ cho là đã quá khoan dung với Israel.
Và cuối tuần qua, Danny Cohen, cựu giám đốc của Đài truyền hình BBC, cho biết tập đoàn này nên được điều tra độc lập về “những thất bại quản lý trong việc đưa tin về Israel”, khi ông cáo buộc một nhà báo BBC có thành kiến ủng hộ Palestine trên nguồn cấp số liệu mạng xã hội của cô ấy.
Chiến tranh cũng đã dẫn đến sự chia rẽ gay gắt trong nội bộ các hãng tin khác, chứ không chỉ BBC, theo Al Jazeera báo cáo.
Một phóng viên giấu tên của The Guardian, cùng gia đình ở miền Nam Israel, đã viết trên tờ Jewish News rằng họ cảm thấy vỡ mộng về môi trường làm việc sau khi chứng kiến The Guardian đưa tin về các cuộc tấn công của Hamas. Theo phóng viên này, các đồng nghiệp của họ không ủng hộ cách làm của The Guardian.
“Tôi nghĩ rằng Israel phải tự vệ. Tuy nhiên, khi tôi nói điều này, mọi người sẽ nói với tôi rằng tôi đang biện minh cho việc sát hại trẻ em. Họ sẽ nói với tôi rằng đó là một cuộc diệt chủng,” người này viết.
Anne Boyer, biên tập viên thơ của The New York Times, đã nghỉ việc vào tuần trước, vì khác với lập trường biên tập của hãng tin.
Rõ ràng là nhắm vào ngôn ngữ của tờ báo về chiến tranh, bà nói: “Tôi không thể viết thơ giữa những giọng điệu ‘hợp lý’ của những người nhằm mục đích giúp chúng tôi thích nghi với nỗi đau khổ phi lý này. Không còn những uyển ngữ ma quái nữa. Không còn cảnh địa ngục được làm sạch bằng lời nói nữa. Không còn những lời nói dối mang tính hâm nóng nữa.”
Jazmine Hughes, cây bút của The New York Times, đã từ chức sau khi ký một tuyên bố đoàn kết miêu tả “người dân Gaza” là “nạn nhân của một cuộc chiến tranh diệt chủng”.
Nhà báo và họa sĩ tranh biếm họa Mona Chalabi, người làm việc cho The Guardian và những người làm việc tự do cho The New York Times, đã đăng trên Instagram vào ngày 18/10 rằng The New York Times đã “liên tục đề cập đến những cái chết của người Israel thường xuyên hơn những cái chết của người Palestine. Hơn nữa, tin tức của họ về cái chết của người Israel đang *ngày càng tăng* bất chấp thực tế ngày càng có nhiều người Palestine chết.”
Trong khi đó, tại Los Angeles Times, nhiều nhân viên đã ký một lá thư phản đối đoàn kết với các nhà báo ở Gaza, đã bị cấm đưa tin về cuộc chiến trong 3 tháng, Semafor đưa tin.
Nhật Tân
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…